Người đàn ông mù ở miền Tây, 20 năm lặn biển bắt cá tôm để sống

28/10/2022 14:25 GMT+7

Đôi mắt bị mù nhưng hơn 20 năm qua, ông Vương Hoài Ân (Chín Liều, 58 tuổi) vẫn mỗi ngày lặn biển bắt hải sản sống qua ngày.

Biệt danh ‘rái cá’

Về xứ biển Ba Hòn (TT.Kiên Lương, H.Kiên Lương, H.Kiên Lương, Kiên Giang), hỏi thăm ông Chín Liều có biệt danh ‘rái cá’ thì hầu như ai cũng biết. Nhắc đến ông, bà con hết lời khen ngợi, bởi dù mù nhưng ông có nghị lực phi thường và kỹ năng lặn biển bắt hải sản tài tình.

Đồ nghề của ông Chín Liều chỉ với thùng nhựa và bao tay

DUY TÂN

Gặp ông Chín Liều trong những ngày mưa gió liên miên, ông nói: “Mấy chú đợi tôi xíu. Mấy nay mưa gió, biển động, không ra biển được, lòng tôi bồn chồn không yên. Giờ phải đi mới chịu nổi”. Nói rồi, ông xách đồ nghề, nhờ người thân chở ra bãi biển cách nhà hơn 2 km để bắt hải sản.

Với đồ nghề mang theo chỉ là thùng nhựa đeo ngang bụng, đôi găng tay, thoáng chốc, ông Chín Liều lặn mất hút giữa biển nước mênh mông. Chưa đầy 30 giây sau, ông ngoi lên, tay cầm con cá mang ếch “tổ chảng”, nhanh nhẹn bỏ vào thùng. Rồi lần lượt con cua đá, ốc… được ông bắt bằng tay không.

Ông Chín Liều xác định vị trí hải sản theo luồng nước để bắt được nhiều hơn

DUY TÂN

Ông Chín Liều kể, lúc đầu, khi thấy ông tập luyện bắt cá giữa biển khơi ai cũng ra sức ngăn cản, cho đó là điên rồ, đi vào đường chết. Song, ông vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Thời gian đầu rất khó khăn, có ngày chẳng bắt được con nào, nhiều lần suýt chết. Nhưng nhờ kiên nhẫn, cuối cùng ông trở thành người bắt cá thuần thục chỉ với đôi tay trần, hàng xóm hay ví ông là ‘rái cá’.

“Trời lấy đi của tôi đôi mắt nhưng cho lại giác quan rất nhạy. Chỉ cần xác định khu vực nhiều hải sản, rồi lặn xuống mò mẫm, nhờ đôi tay nhạy nên chỉ cần sờ trúng cá là tôi tóm được ngay. Riêng cua, ốc càng dễ bắt hơn, chỉ cần rà tay xuống những hốc đá là bắt gọn”, ông Chín Liều tiết lộ.

Trời lấy đi đôi mắt nhưng cho lại ông đôi tai thính và đôi tay nhanh nhẹn

DUY TÂN

Sau vài tiếng lặn hụp, ông bắt hơn 3 kg cá, ốc. “Chiến lợi phẩm” được người thân thân mang ra chợ bán kiếm tiền để trang trải cuộc sống và không quên chừa lại một ít làm thực phẩm trong ngày. “Lúc trước, đi biển một buổi chừng 3 - 4 tiếng tôi có thể bắt hơn chục ký cá, ốc. Nhưng giờ hải sản dần cạn kiệt, lặn cả ngày kiếm được 4 - 5 kg là may mắn lắm rồi", ông Chín Liều rầu rĩ.

Ông Chín Liều cho biết, trong suốt hơn 20 năm ngụp lặn dưới biển, không ít lần ông đối mặt với hiểm nguy, tưởng như sẽ mãi nằm lại dưới đáy biển.

Mỗi lần ngụp lặn, ông Chín Liều dễ dàng tóm gọn cá trong tay

DUY TÂN

“Do mắt không nhìn thấy gì, giữa mênh mông biển nước rất dễ gặp tai nạn như giáp mặt rắn biển, sóng đánh đập đầu vào bờ đá... Tuy nhiên, nhờ ‘mạng lớn’ và kinh nghiệm đã giúp tôi thoát cửa tử”, ông Chín Liều cho biết.

Cưu mang người dưng

Ông Chín Liều kể, năm 6 tuổi, ông bị đau ban, không tiền điều trị nên mắt mờ dần. Không đầu hàng số phận, lên 10 tuổi, khi thị lực gần như chạm đáy, ông tập đi biển làm các công việc tóm câu, vá lưới, kéo dây neo…Đến năm 20 tuổi, đôi mắt ông mất thị lực hoàn toàn rồi mù hẳn, nhưng nhờ nghề đi biển nên ông có thể tự lo cuộc sống của mình và phụ giúp cha mẹ.

Một con cua đá bị tóm gọn

DUY TÂN

Năm 2000, ông thôi đi theo tàu biển. Dùng số tiền tích cóp nhiều năm, ông mua mảnh đất nhỏ, xây nhà rồi chuyển sang nghề lặn biển bắt hải sản cho đến nay. Do tự ti với đôi mắt bị mù nên ông không lập gia đình, chỉ một lòng lo cho cha mẹ. Rồi khi cha mẹ qua đời, ông cô đơn mưu sinh nơi biển cả.

Năm 2003, ông Chín Liều nhận chị Vương Thị Kim Vui làm con nuôi. Sau 13 năm, chị Vui có chồng và sinh con. Cuộc sống phiêu bạt của ông Chín Liều trở nên đầy niềm vui bởi tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ.

Ông Chín Liều nghỉ ngơi phục hồi sức sau nhiều giờ lặn biển bắt hải sản

DUY TÂN

Thời gian sau này, ông sống và chăm sóc con, cháu từ thu nhập của nghề đánh bắt hải sản bằng xuồng nhỏ và lặn biển đục hàu, bắt dòm xanh, cua biển, bắt cá mang ếch…

“Cha mẹ con Vui qua đời vì bệnh tật khi nó mới 9 tuổi. Thấy nó tội quá, sợ không ai chăm sóc nên tôi ngỏ lời nhận làm con nuôi. Giờ nó lập gia đình, tôi cũng có cháu ngoại rồi. Cháu ngoại tên Lê Thị Hoài Xuân, học lớp 3, ngoan ngoãn, lễ phép và đeo tôi lắm. Gia đình hạnh phúc, đầm ấm như vậy, có mơ tôi cũng chưa từng nghĩ tới”, ông Chín Liều chia sẻ.

Thói quen hằng ngày của ông là nghe radio

DUY TÂN

Chị Vui cho biết, bản thân chị bị bệnh, không có sức lao động nên không đi lặn biển cùng cha được. Mỗi ngày, chị chỉ có thể chở cha đến nơi lặn biển, xong lại đón về. Sau đó đem hải sản bắt đi bán lẻ hoặc bỏ mối cho các vựa.

Người đàng ông mù vẫn nặng gánh mưu sinh để lo cho con cháu

DUY TÂN

Ngày nào “trúng mánh”, ông Chín Liều kiếm được từ 300.000 - 500.000 đồng, còn những ngày mưa bão, biển động thì đành ‘bó chân’ ở nhà. “Cha mẹ tôi qua đời vì bệnh tật, may mắn số phận gắn kết tôi với cha nuôi. Dù bị mù nhưng ông luôn chăm lo cho tôi đủ đầy. Đến con tôi ra đời, cũng một tay cha nuôi lặn biển lo con ăn học. Từ sâu trong đáy lòng, tôi biết ơn cha vô cùng”, chị Vui bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.