Người đi tìm sự công bằng cho các liệt sĩ

24/10/2022 09:00 GMT+7

20 năm qua, ở Hà Nội có một phụ nữ đã ngày đêm không quản ngại khó khăn, vất vả để giúp nhiều người lính hy sinh trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ được Nhà nước vinh danh. Đó là chị Phạm Thị Dần, ở thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên.

Manh mối chỉ là một bài thơ

Đã gần 10 năm trôi qua, nhưng chị Dần vẫn không thể quên được kỷ niệm về chuyến đi viết bài góp phần làm thủ tục phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ trẻ tuổi nhất cả nước Trương Văn Tôn. Chị nảy ý định đi tìm hiểu về người liệt sỹ này khi tình cờ nghe được người dân trong xã truyền tụng nhau một bài thơ ngắn: “Anh Tôn du kích quê ta. Kẻ thù bắt được khảo tra cả ngày. Nhưng anh kiên quyết không khai. Để cho lũ giặc tay sai điên cuồng…”. Sau nhiều ngày lọ mọ đi hỏi những người già trên địa bàn, chị được biết, nhân chứng còn sống trực tiếp chứng kiến cái chết của cụ Trương Văn Tôn chỉ còn một cụ tên là Phạm Thị Hoa, vốn là xã đội trưởng xã Tri Thủy giai đoạn 1947-1951. Và chị quyết tâm đi gặp cụ bằng được để lần manh mối.

Chị Phạm Thị Dần trong một lần đi lấy tư liệu viết bài về các liệt sĩ

nvcc

Nhưng, lần đầu chị đến gặp, cụ không tiếp mà còn mắng: “Người còn sống không quan tâm, quan tâm đến người chết làm gì?”. Đến lần thứ 2, thứ 3, cụ cáo ốm. Chị Dần không nản chí, vẫn cứ đến nhà, rồi lần mần xoa chân, xoa tay cho cụ. Được dỗ dành nhiều lần, cuối cùng cụ Phạm Thị Hoa vừa khóc vừa kể rằng, 12 tuổi, cụ Trương Văn Tôn đã làm nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh từ cấp xã, lực lượng du kích và các đơn vị liên quan để phối hợp tác chiến trong kháng chiến chống Pháp tại làng Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Trong một lần được giao nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho bộ đội và du kích xã rút về tuyến sau, ẩn nấp dưới hầm bí mật để bảo đảm an toàn lực lượng, chờ thời cơ thì cụ Tôn bị giặc Pháp bắt. Khám người cụ Tôn thấy dao găm và lựu đạn, chúng tra hỏi, đánh đập bắt khai người chỉ huy lực lượng du kích và các hầm bí mật nhưng cụ Tôn nhất mực lắc đầu. “Khi địch mổ bụng cụ Tôn, ở dưới hầm, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng cụ ấy nghiến răng, mọi người đoán, chắc cụ không chịu được nên bàn nhau rút sẵn chốt lựu đạn. Nếu cụ ấy khai thì tự sát. Nhưng cuối cùng cụ ấy kiên quyết không khai và bị bọn chúng vứt xác xuống ao”, cụ Phạm Thị Hoa kể. Đó là ngày 21-2-1951.

Điều đặc biệt trong quá trình đi tìm hiểu để viết bài này là trời hôm đó mưa to, gió rét, lại vốn không biết đi xe đạp, xe máy nên chị Dần phải đi nhờ xe công nông đến nhà cụ Phạm Thị Hoa. Khi bài viết hoàn thành và trở thành tư liệu để đưa vào hồ sơ, góp phần truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cụ Tôn, các cụ lão thành trong xã và gia đình cụ Tôn rất phấn khởi. Và thực tế, họ cũng chỉ biết người thân của mình được vinh danh khi chị Dần báo tin bởi gia đình cụ Tôn ly tán, không có họ hàng thân thích ở Phú Xuyên.

Gần đây nhất, chị Dần đi viết bài minh oan cho một chiến sĩ bị nghi là Việt gian. Đó là cụ Vũ Quốc Huệ, ở Chương Mỹ. Cụ Vũ Quốc Huệ đã mất hơn nửa thế kỷ và đó cũng là ngần ấy năm trời gia đình lặn lội đi tìm lại danh dự cho cụ nhưng không thành công. Sau một thời gian dài đi tìm nhân chứng sống là vị đại đội trưởng của cụ Vũ Quốc Huệ, chị Dần đã tìm ra sự thật để trả lại danh dự cho cụ Vũ Quốc Huệ.

“Người ta bảo cụ ấy là Việt gian nhưng thực ra không phải. Cụ Huệ được cấp trên giao nhiệm vụ trá hàng ở bốt Ba Thá. Cụ ấy đã vào bốt và vận động thành công binh lính địch bỏ cát vào họng súng. Nhưng rồi sự việc bị bại lộ. Quân lính Pháp bắt cụ cùng 8 người nữa mang lên nóc bốt Ba Thá phơi một ngày để uy hiếp tinh thần người dân sau đó mang các cụ đi thủ tiêu. Gia đình cụ đi làm thủ tục liệt sĩ, nhưng không được vì có dư luận nghi cụ là Việt gian. Tôi đã tìm gặp được cấp trên của cụ và chứng minh cụ được lãnh đạo điều động đi làm gián điệp. Tôi và gia đình cụ Vũ Quốc Huệ đã làm xong hồ sơ công nhận liệt sĩ cho cụ rồi, chỉ chờ quyết định của cấp trên thôi”, chị Dần phấn khởi cho biết.

Tri ân mảnh đất đã sinh ra mình

Chia sẻ về công việc của mình, chị Phạm Thị Dần bày tỏ: “Trong chiến tranh, bộ đội hy sinh thì được công nhận là liệt sĩ nhưng với dân quân du kích và thanh niên xung phong hy sinh thì việc công nhận còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tôi đi tìm nhân chứng sống để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, đề nghị Nhà nước công nhận cho họ. Chỉ cần biết có trường hợp này, trường hợp kia chưa được công nhận là tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm tìm lại cho họ một danh dự, một sự hy sinh có ý nghĩa rồi. Bởi lẽ có họ thì chúng ta mới có ngày hôm nay”.

Cũng xuất phát từ suy nghĩ này mà chị đã không ngại khó khăn, gian khổ, lặn lội tới từng cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ, tìm gặp những nhân chứng và đồng đội của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đường xa, phải đi bộ hàng chục cây số và việc tìm nhân chứng có lúc như “mò kim đáy bể” nhưng chị vẫn không nản. Buồn nhất là có khi mất vài năm mới chị mới tìm gặp được nhân chứng, nhưng họ không thể xác nhận cho đồng đội vì đã quá già yếu và không còn minh mẫn nữa.

Khi được hỏi về nguồn kinh phí để làm việc này, chị Dần cho biết: “Tôi tiết kiệm tiền nhuận bút viết báo. Hơn nữa, trong quá trình đi tìm tư liệu về liệt sỹ, tôi được nhiều người giúp đỡ rất tận tình”.

Điều bất ngờ là cuộc sống của chị Dần rất khó khăn. Chị vốn tốt nghiệp khoa Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây nhưng lại trở thành cán bộ thương nghiệp. Sau thời kỳ bao cấp, cơ quan giải thể, chị mất việc. Chồng qua đời khi chị mới 22 tuổi, chị một mình tần tảo nuôi con với đủ thứ nghề: đóng than, đóng gạch, thợ may, viết bài gửi cộng tác với các báo...

Đến giờ, cuộc sống của chị vẫn còn không ít gian nan. Chị sống cùng vợ chồng con trai, 3 cháu nhỏ và một người em trai khuyết tật trong một ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé.

Giải thích cho việc “ăn cơm nhà…”, chị chỉ mỉm cười nhẹ nhàng: “Có không ít người còn khó khăn hơn nên tôi bằng lòng với cuộc sống của mình, chỉ mong sao có sức khỏe để giúp được nhiều người hơn nữa”.

Một tin mừng là, tình cảm gắn bó với mảnh đất sinh ra, lớn lên đã thôi thúc cô học trò giỏi văn Phạm Thị Dần của Trường THPT Phú Xuyên A ngày nào say sưa viết về quê hương, về bộ đội cụ Hồ ấy đã được đền đáp xứng đáng. Sau một thời gian bươn chải với biết bao nghề, mới đây, chị đã được Ban Biên tập Tạp chí Tinh hoa đất Việt mời về làm phóng viên chính thức rồi đề bạt làm Trưởng ban Chuyên đề của Tạp chí. Với cương vị mới này, tin rằng, chị sẽ tri ân được nhiều hơn nữa những người có công với đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.