Người đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ 'chuyến bay giải cứu' là ai?

05/04/2023 14:20 GMT+7

Hai bị can là lãnh đạo của một doanh nghiệp bị cáo buộc đã đưa hơn 100 tỉ đồng để xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước và để "chạy án". Hai người này đứng đầu trong danh sách 24 bị can đưa hối lộ.

Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu". 54 người bị đề nghị truy tố ở 5 nhóm tội "đưa hối lộ", "môi giới hối lộ", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

A09 đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp. Số tiền các bị can đưa, nhận hối lộ lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Người đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ 'chuyến bay giải cứu' là ai? - Ảnh 1.

Hơn 1.000 chuyến bay đã được triển khai để đưa công dân về nước

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Bản kết luận điều tra mà A09 ban hành ngày 3.4 vừa qua thể hiện 21 bị can bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ" đã nhận tổng số tiền hơn 170 tỉ đồng. Trong đó, người được xác định nhận nhiều nhất là Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lên tới gần 43 tỉ đồng.

Trong vụ án, để được tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước, các doanh nghiệp phải chi tiền "bôi trơn", nếu không sẽ bị gây khó khăn, nhũng nhiễu. A09 xác định và đề nghị truy tố 24 bị can tội "đưa hối lộ". Số tiền 24 người này đưa hối lộ lên tới hơn 260 tỉ đồng.

Vụ án có tính chất phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng, số tiền nhận hối lộ còn nhiều "điểm mờ', do vậy đã tách vụ án để điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án. Ngoài ra, A09 cũng tách hành vi, tài liệu và chuyển hồ sơ sang Bộ Quốc phòng điều tra hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ tại bộ này.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Công an thu nhiều kg vàng, hàng cọc USD

Lộ diện "quán quân" đưa hối lộ

Ở nhóm tội "đưa hối lộ", A09 xác định người đưa ít nhất là 437 triệu đồng, người đưa nhiều nhất lên tới hơn 100 tỉ đồng.

Người đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ 'chuyến bay giải cứu' là ai? - Ảnh 2.

Bị can Lê Hồng Sơn

BỘ CÔNG AN

Xem nhanh 20h ngày 5.4: Phí bôi trơn khủng vụ ‘chuyến bay giải cứu’ | Việt Nam có 6 tỉ phú USD

Theo kết luận điều tra, để xin cấp phép thực hiện 109 chuyến bay combo, Lê Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, đã bàn bạc, thống nhất cùng Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky, đưa hối lộ 38,5 tỉ đồng cho các bị can có thẩm quyền.

Ngoài ra, khi cơ quan điều tra vào cuộc, Sơn và Hằng đã bàn bạc để "chạy tội". Hằng là người đại diện liên hệ, gặp và đưa cho bị can Nguyễn Anh Tuấn (hàm thiếu tướng), cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, 2.800.000 USD để "lo" cho cả 2 không bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, A09 cho rằng chỉ đủ cơ sở kết luận ông Tuấn đã nhận 2.650.000 USD, tương đương 61,6 tỉ đồng từ Hằng. Sau đó, ông Tuấn khai đã đưa cho Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Điều tra (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) 2.250.000 USD để "lo" cho Hằng và Sơn; 400.000 USD còn lại dùng việc cá nhân.

Việc "chạy án" bất thành, ngày 8.12.2022, A09 khởi tố, bắt tạm giam Hưng. Hằng sau đó cũng bị khởi tố, bắt tạm giam cùng về hành vi đưa hối lộ, với cáo buộc đồng phạm với Sơn đưa tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng để xin cấp phép chuyến bay và "chạy án".

Xem nhanh 12h ngày 5.4: Con số khủng vụ ‘chuyến bay giải cứu’ | Xôn xao tin 400 người thử tải cầu

Vì sự nhũng nhiễu mà buộc phải chi tiền

Theo kết luận điều tra, thực hiện các chuyến bay, nếu không chi "bôi trơn" sẽ bị gây khó khăn, nhũng nhiễu; do vậy, bị can Hằng buộc phải tìm cách liên hệ, móc nối, đưa tiền cho cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép.

Sau khi không "lo" được, Hằng đã có đơn tự thú, tự nguyện trình bày hành vi phạm tội của bản thân và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án. Ngoài ra, bà Hằng đã nộp lại gần 2,7 tỉ đồng mà các bị can nhận hối lộ trả lại.

A09 cho rằng, để động viên những người đưa hối lộ tố giác tội phạm, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan nhà nước, cơ quan này đề nghị áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ khi định khung hình phạt đối với bị can Hằng.

 Các bị can bị truy tố tội "đưa hối lộ" và số tiền đưa hối lộ

1. Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh, đưa 9,6 tỉ đồng

2. Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky, đưa hơn 100 tỉ đồng

3. Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky (đồng phạm với Sơn), đưa hơn 100 tỉ đồng

4. Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc, đưa 10,7 tỉ đồng

5. Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Vitralo, đưa 7,4 tỉ đồng

6. Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình, đưa 34,6 tỉ đồng

7. Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, đưa 27,8 tỉ đồng

8. Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt (đồng phạm với bị can Mạnh), bị cáo buộc đưa số tiền hơn 24 tỉ đồng (số tiền này trong số tiền của Mạnh)

9. Hoàng Anh Kiếm, lao động tự do (dùng tiền của Mạnh, Dương, đưa 22,8 tỉ đồng)

10. Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA, đưa 11,8 tỉ đồng

11. Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife, đưa 8,1 tỉ đồng

12. Nguyễn Thị Hiền, kinh doanh bán vé máy bay, đưa 4,1 tỉ đồng

13. Lê Thị Ngọc Anh, chuyên viên Phòng Nhà khách (thuộc Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại T.Ư), đưa 2,3 tỉ đồng

14. Phạm Thị Bích Hằng, Giám đốc Công ty Vinamichi, đưa 1,1 tỉ đồng

15. Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty Thái Hòa, đưa 520 triệu đồng

16. Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, đưa 3,5 tỉ đồng

17. Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G19, đưa 3,1 tỉ đồng

18. Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sao Hà Nội, đưa 2,3 tỉ đồng

19. Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An, đưa 2,1 tỉ đồng

20. Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty Sang Trọng, đưa 1,6 tỉ đồng

21. Trần Hồng Hà, Giám đốc Công ty Sao Việt, đưa 1,6 tỉ đồng

22. Trần Tiến, Giám đốc Công ty Phi Trường, đưa 604 triệu đồng

23. Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty Công đoàn đường sắt, đưa 485 triệu đồng

24. Đào Thị Chung Thúy, lao động tự do, đưa 437 triệu đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.