'Người ta phá sản, hết tiền lại bắt đóng kinh phí tuyên bố phá sản'

20/03/2023 10:17 GMT+7

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, tỷ lệ giải quyết các vụ phá sản của doanh nghiệp thấp do các quy định hiện hành ngặt nghèo, phức tạp.

Sáng 20.3, chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nêu tình trạng tỷ lệ giải quyết tuyên bố phá sản của doanh nghiệp chưa cao. Ông đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng này.

'Người ta phá sản, hết tiền lại bắt đóng kinh phí tuyên bố phá sản' - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn sáng 20.3

GIA HÂN

Hồi đáp đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận quả thực chúng ta đang có vấn đề về việc này.

Ông Bình lý giải, quy định trong luật hiện hành của Việt Nam về phá sản của doanh nghiệp khác nhiều nước trên thế giới. Ở nhiều nước, pháp luật coi phá sản là quá trình phục hồi của doanh nghiệp, coi việc kết thúc của doanh nghiệp bê bết, thua lỗ như một sự tái cơ cấu kinh tế. Ngược lại, ở Việt Nam coi phá sản là việc rất nghiêm trọng.

"Ta quy định ngặt nghèo về trình tự phá sản, từ các quy định về quản tài viên, điều kiện mở thủ tục phá sản rồi yêu cầu đóng kinh phí. Người ta hết tiền, phá sản rồi lại bắt đóng kinh phí để làm thủ tục tuyên bố phá sản. Có những quy định tương đối bất cập nên trên thực tế tỷ lệ giải quyết các vụ việc phá sản còn hạn chế", ông Bình nêu.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Bình cho biết, 6.000 thẩm phán hiện nay rất giỏi xét xử các vụ án hình sự, dân sự nhưng kinh nghiệm trong các vụ án phá sản còn thiếu. "Đây là điều có thật", ông Bình nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, TAND tối cao tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa luật Phá sản nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay. Về phía tòa án, sẽ tiếp tục nâng cao trình độ thẩm phán để xét xử, giải quyết các vụ án phá sản.

Bên cạnh đó, ông Bình cho hay, sắp tới trong sửa luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ đề xuất xây dựng tòa án chuyên biệt thành lập tại các trung tâm kinh tế lớn chuyên xét xử các vụ án phá sản. 

"Với tòa án chuyên biệt thì tính chuyên môn của xét xử các vụ việc phá sản sẽ tốt hơn, chất lượng sẽ khác hơn", ông Bình khẳng định.

Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định hạn chế là tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản còn chưa cao. 

Quá trình giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, HTX, các tòa án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan. 

Cụ thể, xác định doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán; thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền, nghĩa vụ của quản tài viên, việc giám sát hoạt động của quản tài viên, về tạm ứng chi phí phá sản...

Theo dự thảo luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, TAND tối cao đề xuất tổ chức TAND theo mô hình mới, gồm: TAND tối cao (cơ bản giữ nguyên); TAND cấp cao (thành lập thêm các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và phá sản); tòa án phúc thẩm (đổi tên từ TAND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư); tòa án sơ thẩm (đổi tên từ TAND quận, huyện, thị xã, thành phố); tòa án chuyên biệt (tổ chức theo địa hạt nhiều tỉnh, thành phố, gồm TAND sở hữu trí tuệ, TAND hành chính và TAND phá sản, có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ việc theo lĩnh vực đặc thù) và tòa án quân sự (bổ sung nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính trong quân đội).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.