Nhà báo Đình Quân với Trường Sa

07/09/2017 10:02 GMT+7

Vậy là tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của một đồng nghiệp chúng tôi vào sáng 6.9.2017 - nhà báo Đình Quân, phóng viên Báo Tiền Phong thường trú tại Nha Trang!

Chúng tôi, những nhà báo đã từng chơi với Quân hàng chục năm nay tại đất Khánh Hòa không muốn tin vào điều tệ hại ấy mà chỉ nghĩ rằng anh đang lênh đênh trên một con tàu nào đó của lính hải quân, chuẩn bị cập một đảo chìm hay đảo nổi giữa muôn trùng sóng biển Trường Sa.
Để vài hôm nữa, anh lại khoác ba lô chứa đầy nắng gió trở về, sà vào giữa lòng bè bạn ở Nha Trang, mải miết kể về cuộc hải trình nghìn dặm mà mình vừa trải qua.
Đình Quân với Trường Sa 1
Nhà báo Đình Quân trong một lần tác nghiệp ở Trường Sa Ảnh: Trần Đăng

tin liên quan

Chia buồn
Nhà báo Nguyễn Đình Quân, bút danh Đình Quân, sinh năm 1962 tại Văn Giang, Hưng Yên, là phóng viên Báo Tiền Phong thường trú tại Khánh Hòa, đã từ trần vào sáng 6.9 trong lúc đi tác nghiệp tại Nha Trang, hưởng dương 56 tuổi. Lễ nhập quan lúc 2 giờ sáng 7.9.
Quân luôn kể về những người lính ở Trường Sa như kể về những đồng đội của anh một thời: kính trọng, yêu thương và cả những quặn lòng của họ khi phải thức ngủ giữa trùng khơi để giữ vững bờ cõi.
Đã từng mặc áo lính những năm ở hai đầu đất nước có giặc nên Quân lúc nào cũng mang một tinh thần máu lửa. Quân là thế, anh luôn lao về phía trước, bất chấp những cản ngại từ thiên nhiên lẫn những thế lực để vắt kiệt cùng niềm đam mê với nghề, để tận hiến những gì mà nghề nghiệp đã ký thác cho mình, nhằm đáp lại lòng mong mỏi của người dân, trong khả năng có thể của anh.
Ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận đã được minh oan sau hàng chục năm phải đối mặt với tăm tối mù lòa trong nhà tù, Quân đã góp một phần không nhỏ bằng những bài báo của mình, để đưa người đàn ông tội nghiệp ấy trở lại với ánh sáng của sự thật.
Nhưng có lẽ với Đình Quân, sóng gió giữa Trường Sa mới là mảnh đất làm anh mê đắm mỗi khi nghĩ về nó. Quân lúc nào cũng rạo rực như một thanh niên mới chớm tuổi hẹn hò mỗi khi ai đó nhắc đến hai tiếng Trường Sa.
Những tưởng trên 20 hòn đảo lớn nhỏ của quần đảo ấy nằm gọn trong lòng bàn tay Quân vậy. Chưa có một nhà báo nào dấn thân để “thuộc” Trường Sa như anh cả. Trên những chuyến theo chân bộ đội hải quân hoặc các đoàn ra đảo công tác, lúc thì trời yên bể lặng, khi sóng gió ngả nghiêng giữa ngày động biển, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy Quân ngại ngần nếu có dịp “được đi” Trường Sa.
Vì vậy, không một hòn đảo nào, từ chìm đến nổi, không một nhà giàn nào nơi xa thẳm ấy mà thiếu dấu chân của Nguyễn Đình Quân in lên đó!
Có năm cánh nhà báo chúng tôi theo chân những nhà khoa học ra các đảo ở Trường Sa để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp khả thi về rau xanh cho bộ đội, về điện mặt trời hay về nước ngọt cho các đảo chìm. Chuyến đó, Đình Quân gần như làm “thuyết trình viên” cho tất cả những ai lần đầu đặt chân đến Trường Sa. Hầu như anh quen tất cả các trưởng đảo. Họ đón Quân như đón một người thân lâu ngày gặp lại.
Tôi thật sự kinh ngạc về bộ nhớ của Quân khi anh “lên danh sách” các trưởng đảo mà chúng tôi sắp tiếp xúc với họ. Anh gọi điện thoại để hẹn hò như thể chính Quân đã từng là lính gắn bó với các hòn đảo này. Bằng sự mộc mạc và chân tình của mình mỗi khi đánh trần ra giữa đảo để uống rượu với anh em lính, Quân đã làm cho đất liền như sát lại với Trường Sa.
Đình Quân với Trường Sa 2
Tác giả trong một lần công tác cùng Đình Quân ở Trường Sa
Đình Quân với Trường Sa 3
Cũng nhờ lăn lộn với lính Trường Sa, Quân đã lưu giữ nhiều chuyện liên quan đến số phận của những người lính Trường Sa mà mỗi khi có dịp nhắc lại, lòng chúng ta lại quặn thắt từng cơn.
Bức ảnh kèm theo bài báo này do một đồng nghiệp chụp Quân lúc anh đọc bức thư của bác Võ Ta, bố của liệt sĩ Võ Đình Tuấn, một trong 64 chiến sĩ đã ngã xuống tại bãi đá Gạc Ma năm 1988, trước khi “hóa vàng” rải xuống vùng biển Cô Lin, Len Đao cạnh Gạc Ma.

tin liên quan

Ảnh cưới đã chụp, giờ chú rể cắt bỏ chân nằm cách ly
Còn 2 tháng nữa là đến ngày cưới thì bất ngờ Trần Thanh Liêm (26 tuổi, quê Bình Định) bị xe ben cán nát cả hai chân. Hiện Liêm phải cắt bỏ 1 chân và chưa thể nói chuyện được với ai. Tháng 8 này, Liêm sẽ làm đám cưới với cô bạn gái, nào ngờ...
Biết nhà báo Đình Quân có chuyến ra Trường Sa năm 2011, bác Võ Ta đã gửi thư cho con mình, nhờ anh “chuyển giúp”. Nội dung thư kể về tình hình gia đình kể từ ngày anh Tuấn “đi xa”. Nhưng khi đọc đến những dòng cuối cùng, không một ai cầm được nước mắt: “Ba mẹ vẫn luôn nghĩ con vẫn còn ở đâu đó giữa vùng biển ấy. Con trẻ vậy làm sao mà chết được! Ba mẹ luôn mong con một ngày nào đó sẽ trở về trong vòng tay của gia đình như bao lần con đi xa rồi về với mẹ với ba”.
Võ Đình Tuấn cùng 63 liệt sĩ đã hòa máu mình giữa lòng biển thẳm để hóa thân thành những cột mốc từ năm 1988 ấy. Nhà báo Đình Quân đã viết về họ cùng thời khác đẫm máu, anh dũng ấy không biết bao nhiêu bài báo. Nhưng lần đó (tháng 1.2011), Quân như “nhập” vào lá thư của người cha gửi cho con mình.
Để bây giờ, ngày 10.9 tới đây Quân sẽ hòa cùng với những người lính Gạc Ma khi tro cốt của anh sẽ được gia đình rải xuống biển, cùng hòa cuộn với sóng biển Đông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.