Nhà nghiên cứu Võ Hà: Tìm về Đà Nẵng xưa để liên kết quá khứ - tương lai

20/06/2023 18:50 GMT+7

Đằng sau danh hiệu “trung tâm kinh tế của miền Trung” hay “nơi đáng sống nhất Việt Nam”, Đà Nẵng còn có những gì để chờ ta khám phá?

Qua cuốn sách Đà Nẵng ngày tháng cũ (NXB Đà Nẵng - Phanbook ấn hành), nhà nghiên cứu Võ Hà cho ta biết có một Đà Nẵng từng là một đô thị sân bay, một đô thị biển quan trọng chỉ sau Sài Gòn. Với 10 bài biên khảo ấn tượng, tác giả sẽ đưa người đọc về giai đoạn trước 1975, để ta thấy thêm những “chân dung” khác của vùng đất này, cũng như những sự tương quan với đô thị miền Nam Việt Nam trước ngày thống nhất đất nước (30.4.1975).

Nhà nghiên cứu Võ Hà: Tìm về Đà Nẵng xưa để tránh 'gián đoạn văn khố quốc gia' - Ảnh 1.

Hình ảnh trong tác phẩm Đà Nẵng ngày tháng cũ và tác giả Võ Hà

NVCC-Phanbook

Nhân dịp này, tác giả Võ Hà đã chia sẻ với Thanh Niên nhiều vấn đề xoay quanh tác phẩm.

* Được biết anh hiện sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Có phải vì có sự gắn bó này mà anh chấp bút viết nên tác phẩm?

Nhà nghiên cứu Võ Hà: Tôi sinh ra ở Duy Xuyên, cũng thuộc vùng đất xứ Quảng, gần với đô thị Đà Nẵng. Trong ký ức đầu tiên của mình là khoảng 10 tuổi, tôi được “ra” Đà Nẵng chơi và nhớ như in cảnh nhà chồ, các chuyến phà và hai cây cầu bắc qua sông Hàn. Sau này khi đã sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, có điều kiện hơn để tìm hiểu về thành phố này, tôi nhận ra còn nhiều câu chuyện cũng như vấn đề chưa hoàn toàn rõ hoặc cần làm rõ.

Trong bối cảnh đó, cuốn sách lần này thực ra không được viết với một tư duy liền mạch của một chuyên luận (biên khảo) theo cấu trúc sẵn có. Thay vào đó, đây là kết quả của nhiều năm làm việc và tiến hành nghiên cứu theo từng chủ đề và mỗi chủ đề lại tương ứng với một bài viết trong sách, bởi sự gợi mở về nhiều vấn đề trong sợi dây liên kết quá khứ - hiện tại - tương lai của Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Nhà nghiên cứu Võ Hà: Tìm về Đà Nẵng xưa để tránh 'gián đoạn văn khố quốc gia' - Ảnh 2.

Vị trí của thủy điện Nhơn Trạch trên sông Thu Bồn (dự kiến) (nay thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hồ sơ 15108. Phông Đệ Nhất Cộng hòa

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II

Chính vì vậy, cảm hứng cho từng bài viết (gồm 10 bài) của tôi và sau đó là xâu chuỗi theo một hệ thống với hai phần của cuốn sách (có tính tương đối) xuất phát từ mong muốn làm rõ hơn nữa nhiều vấn đề lịch sử của Đà Nẵng trong mối liên hệ với miền Nam Việt Nam trước năm 1975, mà thời gian qua chúng ta ít chú ý hoặc có chú ý nhưng vì thiếu tư liệu gốc nên chưa đến nơi đến chốn; cũng từ đó có thêm cơ sở để định vị tính chất, đặc điểm của Đà Nẵng qua từng thời kỳ lịch sử.

* Có thể thấy một sự nhập nhằng, chồng chéo nhất định giữa các đơn vị hành chính trong việc mở rộng sân bay Đà Nẵng hay việc xây hai cây cầu bắc ngang sông Hàn (cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý ngày nay)… Qua tác phẩm này, có phải anh muốn thống nhất các nguồn thông tin?

- Đối với đô thị Đà Nẵng trước năm 1975, việc xây dựng, mở rộng sân bay Đà Nẵng và sau đó là xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Hàn chính là hai sự việc minh chứng cụ thể nhất về sự nhập nhằng trong quản lý hành chính của chính quyền đương thời, thể hiện rõ tính chất của một đô thị thời chiến, sự bất nhất giữa cơ quan dân sự và quân sự.

Nhưng điều đặc biệt là qua các thông tin liên quan đã nêu, tôi muốn nhấn mạnh đến hai vấn đề: 

Một là làm rõ nhiều sự kiện chưa thống nhất, cụ thể là sự nhầm lẫn, thậm chí còn gây ra một cuộc tranh luận vẫn chưa ngừng nghỉ về tên gọi của hai cây cầu bắc qua sông Hàn. Giờ đã đến lúc cần phải dựa trên các cứ liệu bằng văn bản để đi đến thống nhất, đối với một vấn đề lịch sử không mới cũng chưa quá xa (vì nhiều người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử, vẫn còn đang sống).

Hai là, đối với Đà Nẵng nói riêng và các đô thị ở miền Nam Việt Nam nói chung (đặc biệt là Sài Gòn), nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử kinh tế, sinh hoạt, đời sống xã hội giai đoạn trước 1975 thì sẽ dễ rơi vào tình trạng “gián đoạn văn khố quốc gia” (cách nói của ông Ngô Đình Nhu), nghĩa là chúng ta sẽ thiếu cơ sở để xây dựng một diễn tiến lịch sử đầy đủ và cả việc rút ra được các đặc điểm, tính chất của đô thị nhằm tạo ra một sự “thỏa đáng” trong mục tiêu xây dựng chính sách hiện nay.

Nhà nghiên cứu Võ Hà: Tìm về Đà Nẵng xưa để tránh 'gián đoạn văn khố quốc gia' - Ảnh 3.

Cầu Trịnh Minh Thế (bên phải) và cầu Nguyễn Hoàng (bên trái) trước năm 1975

NVCC

* Ngoài câu chuyện trên thì trong tác phẩm này anh cũng nhắc đến hai công trình có quy mô lớn nhưng lại không được thực hiện tại Đà Nẵng trước năm 1975. Anh có thể nói thêm về sự kiện này không?

- Qua nghiên cứu và tham khảo nhiều nguồn, tôi nghĩ rằng, cho đến hiện nay, có ít người để ý và cũng có ít thông tin là trước năm 1975, đã có một đại dự án của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được thực hiện ở tỉnh Quảng Nam, đó là khu kỹ nghệ An Hòa - Nông Sơn. Gắn liền với đó là sự phát triển của vùng phụ cận, trong đó dự án thủy điện Nhơn Trạch trên sông Thu Bồn là một ví dụ, nhằm kích thích phát triển kinh tế của không riêng gì tỉnh Quảng Nam hay thành phố Đà Nẵng, mà còn có nhiều ý nghĩa với cả khu vực miền Trung.

Cùng với đó, dự án tuyến đường sắt Đà Nẵng - Miến Điện là một dự án lớn do tư nhân đề xuất và đề nghị được đầu tư (tương ứng với tuyến đường hành lang kinh tế Đông - Tây hiện nay). Hai dự án này đã được đặt trên bàn lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhưng không được thực hiện. Ở đây, tôi muốn nêu lại ý tưởng của hai đề xuất này trong lịch sử để thấy rằng, về mặt chiến lược kinh tế, các nội dung này cũng đã từng có trong lịch sử trước năm 1975, chứ không phải là một ý tưởng mới sau năm 1975.

*  Vậy theo anh, đâu là nguyên nhân?

- Có hai nguyên nhân tương đối dễ hiểu: Thời điểm trước năm 1975 (cụ thể là vào năm 1962) thì các chương trình kinh tế về mặt lý thuyết là đúng hướng, nhưng trên thực tế là bất khả thi do chiến tranh.

Hai là, các chương trình, kế hoạch này có yếu tố nước ngoài rất rõ, dẫn đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa lại lo ngại “đứng đằng sau dự án này có thể là Mỹ muốn thực hiện chiến lược quân sự tại vùng Đông Nam Á khi bắt đầu xuống thang chiến tranh”.

Hay nói rộng ra, ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, các chương trình kinh tế được thực hiện “không đến nơi đến chốn” vì bối cảnh bất ổn chính trị, chính quyền Việt Nam Cộng hòa dường như rơi vào một thế kẹt bên trong lẫn bên ngoài.

Các điều vừa nêu đã cho thấy giá trị của hòa bình, thống nhất trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung không chỉ của giai đoạn đó, mà còn là bối cảnh lớn của Việt Nam hiện nay, là rất quan trọng.

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này!

Nhà nghiên cứu Võ Hà sinh năm 1984 tại Duy Xuyên, Quảng Nam, tốt nghiệp cử nhân ngành Sư phạm lịch sử, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng. Phong cách viết của anh được đánh giá là điềm tĩnh, thận trọng với lối viết trong sáng, giản dị; tuy vậy, tác phẩm vẫn luôn có độ lùi lịch sử nhất định bởi được tham khảo qua nhiều cứ liệu báo chí và văn bản khách quan. Tác phẩm trước đó của anh là Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.