Nhà Tròn âm vang khúc khải hoàn

Tặng Vũ
Bà Rịa - Vũng Tàu
08/12/2023 15:00 GMT+7

Khi tia nắng dịu ngọt phả xuống cành cây còn vương làn sương chùng chình giăng mắc, hồi còi tầm phát ra từ Nhà Tròn báo hiệu một ngày mới đang đến. Một sức sống mới, một hào khí mới đang hừng hực phủ khắp mọi ngõ ngách, con đường trong lòng thành phố trẻ.

Thành phố Bà Rịa, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là mảnh đất với nhiều dấu ấn lịch sử. Những chiến công lừng lẫy, những chiến tích, trận đánh sử sách mãi lưu danh; những căn cứ, địa danh như Nhà Tròn, địa đạo Long Phước, núi Dinh... là minh chứng sinh động nhất cho những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ của dân tộc, của người dân nơi đây.

Di tích lịch sử Nhà Tròn trở thành biểu tượng của TP.Bà Rịa

Di tích lịch sử Nhà Tròn - biểu tượng của TP.Bà Rịa

TGCC

Với địa thế lưng tựa núi Dinh, mặt hướng ra biển, Bà Rịa đang ngày một phát triển, khẳng định vị thế trên các lĩnh vực kinh tế, xây dựng, du lịch... của tỉnh. Và tại nơi đây, có những con người ngày đêm canh giữ nhịp đập bình yên cho cuộc sống, cho hạnh phúc luôn ngập tràn mỗi mái nhà, lấy niềm vui hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống đời mình.

Chú Sáu – cái tên thân thương mọi người vẫn gọi người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử trong các trận đánh một mất một còn với kẻ thù. Và chú Sáu cũng là người thầy đầu tiên, là thổ địa tinh thông hướng dẫn tận tình khi tôi mới bén duyên với mảnh đất và con người Bà Rịa vào một ngày thu cách đây tròn 10 năm...

Muốn công việc hanh thông, trước tiên ta phải thấu hiểu mảnh đất nơi mình sinh sống. Và cách nhanh nhất là tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người của mảnh đất đó. Ngày đầu nhận công tác, tôi cứ thắc mắc về cái tên: "Bà Rịa liệu có phải là bà Rịa?".

Và nút thắt băn khoăn đó của tôi được chú Sáu tháo gỡ. Nhấm ngụm trà, chú Sáu vào chuyện: "Vùng Bà Rịa xưa còn được gọi là vùng Mô Xoài hay Muỗi Xụy, là nơi tiếp nhận những người Việt đầu tiên từ miền Trung vào khai phá vùng đất Nam bộ. Truyền thuyết dân gian kể rằng: Vào khoảng thế kỷ 17, bà Nguyễn Thị Rịa từ Phú Yên vào khai phá vùng đất này. Bà đã bỏ tiền thuê dân vào khai hoang, lập làng mạc, mở nhiều nông trại. Bà đối xử rất tốt với những người mới đến định cư và khai hoang nên được mọi người rất yêu mến. Khi bà mất, vì không có con nên tài sản của bà được để lại cho người dân vùng Tam Phước. Người dân nhớ ơn bà nên đã lập miếu thờ bà và đặt tên cho vùng đất này là Bà Rịa". Hiện nay, ngôi mộ của bà vẫn còn ở ngọn núi Tam Phước (hay còn gọi là núi Cố).

Công viên tượng đài Chiến Thắng đặt ngay phía trước Nhà Tròn

Công viên tượng đài Chiến Thắng phía trước Nhà Tròn

TGCC

Ngày 8.12.1982, thị trấn Bà Rịa được thành lập từ xã Phước Lễ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 2.6.1994 thị xã Bà Rịa được thành lập. Ngày 22.8.2012, Chính phủ quyết nghị thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Là trung tâm hành chính chính trị của tỉnh, cơ sở hạ tầng đồng bộ, địa bàn huyết mạch giao thương 3 tuyến quốc lộ: 51, 55, 56. TP.Bà Rịa có nhiều lợi thế phát triển hoạt động vận tải. Thành phố trẻ đang ngày một chuyển mình, năng động phát triển xứng tầm. Ấy vậy nhưng, ẩn sâu trong lòng đô thị trẻ vẫn giữ được nguyên vẹn truyền thống anh hùng, hào khí bất khuất kiên trung, tính cách hào sảng thân tình, mến khách của con người nơi đây…

Mỗi lần trò chuyện, nhắc lại những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của chú Sáu đều ánh lên niềm tự hào...

Anh hùng liệt sĩ Lê Thành Duy - người con ưu tú của mảnh đất Bà Rịa, luôn hiên ngang, giữ trọn khí tiết người cộng sản

Anh hùng liệt sĩ Lê Thành Duy - người con ưu tú của mảnh đất Bà Rịa

TGCC

Và Nhà Tròn với tiếng còi tầm là nhân chứng lịch sử cho những năm tháng chiến đấu kiên cường của quân và dân Bà Rịa. Ngược dòng thời gian trở về những năm đầu thế kỷ 20, Pháp tiến hành khai thác lập đồn điền cao su ở Bình Ba, xây dựng nhà thờ Bà Rịa năm 1890. Nhằm cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, người Pháp đã cho xây dựng Nhà Tròn với tháp nước cao 20 m, 8 trụ đứng, đường kính gần 8 m, có 3 ống dẫn nước. Ngoài ra, dưới chân Nhà Tròn có một nhà bát giác, cạnh dài 6 m, cao 4 m, bao quanh 8 trụ đứng Nhà Tròn.

Năm 1945 sau khi đảo chính Pháp, phát xít Nhật cho đặt một bộ hệ thống loa báo động gồm 6 cái bên dưới bồn nước. Đây chính là hệ thống phát tiếng còi tầm hiện nay. Ngày 1.5.1975 tại Nhà Tròn, nhân dân Bà Rịa tổ chức lễ kỷ niệm trọng đại - thống nhất đất nước - với sự chứng kiến của hơn 2 vạn chiến sĩ, đồng bào.

Với mỗi người dân Bà Rịa, tiếng còi tầm đã trở thành thanh âm quen thuộc, để chào đón bình minh hoặc kết thúc một ngày làm việc: được gióng lên buổi sáng lúc 6 giờ 45 phút, buổi trưa lúc 11 giờ 30 phút, buổi chiều lúc 13 giờ 15 phút và 17 giờ 15 phút. Mỗi khi thanh âm đó vang lên, từng đàn chim én sải cánh về Nhà Tròn làm tổ tạo nét đẹp vừa yên bình, vừa cổ kính. Đây là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu đúng, trân trọng truyền thống hào hùng của dân tộc.

Và chẳng biết tự bao giờ, Bà Rịa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống tôi. Tiếng còi tầm vẫn mãi âm vang như khúc khải hoàn chiến thắng, cánh chim én vẫn chở đầy khát khao ước vọng, như lời tâm sự của chú Sáu: "Một thời đầy gian lao, chân bước trong chiến hào, nhìn đồng đội yêu sao, chia nhau từng giây sống".

Nhà Tròn âm vang khúc khải hoàn - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.