Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm về Đất rừng phương Nam

19/10/2023 09:30 GMT+7

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có những chia sẻ về tác phẩm của Nguyễn Quang Dũng vừa ra rạp tuần qua.

Tác phẩm văn học là một trong những kho tàng tư liệu để sản xuất phim ảnh. Thế nhưng ranh giới giữa việc chuyển thể, phỏng theo, lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc dễ dẫn đến so sánh và tranh cãi. Chúng tôi tìm đến nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, để tìm hiểu quan điểm của ông. 

Theo cha đẻ Tiếng gọi cuối mùa đông (được chuyển thể thành phim Tiếng gọi bên sông 1993), sau khi đọc thông tin trên báo chí, con trai ông đã tổ chức cho cả gia đình đi xem. "Tôi cũng rất muốn xem một tác phẩm văn học bất hủ, ảnh hưởng tích cực đến nhiều thế hệ như tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi sẽ truyền cảm hứng cho một loại hình nghệ thuật đại chúng khác như thế nào? Bộ phim có hình ảnh rất đẹp, âm nhạc lôi cuốn, thoại rất gợi, khuôn mặt và nụ cười của An tinh khiết, đẹp, hồn hậu như những giá trị tinh thần vô giá đã và đang lưu truyền ở vùng đất này. Sự quật khởi và kiêu hãnh của cộng đồng được đạo diễn thể hiện rất tinh tế, nổi bật lên khí chất của con người nơi đây. Dẫu rằng đâu đó có còn một vài hình ảnh, câu thoại gây tranh cãi, nhưng về tổng thể, tôi thấy bộ phim ở một khía cạnh nào đó đã bắt được cái hồn của tác phẩm văn học", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm về Đất rừng phương Nam - Ảnh 1.

Trước những chi tiết được cho là sai lệch lịch sử, gây tranh cãi khi đưa tên hai tổ chức Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn vào phim, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Theo như thông tin tôi đọc và xem được, thì chuyện phim mô tả giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp, lúc ấy lực lượng Việt Minh còn hoạt động bí mật, chủ yếu vận động đoàn kết người dân. Các nhân vật bí mật ấy, chủ yếu là Ba của An, tuy xuất hiện ít nhưng người xem cũng hiểu họ đại diện cho một tổ chức yêu nước sẽ lãnh đạo chống Pháp thành công. Trong phim mô tả một giai đoạn người dân tự phát những hành động kháng chiến, chưa có chiến lược và đường lối nên có tính chất manh mún, manh động đầy cảm tính. Nếu câu chuyện chỉ dừng ở một phần phim này thì có thể sẽ gây ra những hiểu lầm không đáng có. Tôi có thấy thông tin nhà sản xuất sẽ làm phần hai với sự lớn mạnh của lực lượng Việt Minh. Đây là một ý định đúng đắn và cần thực hiện để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn từng giai đoạn lịch sử, và về mặt nghệ thuật, cũng khai thác được tối đa sức mạnh còn tiềm ẩn trong các nhân vật. Việc có những tranh luận khi xem phim về mặt nào đó lại là dấu hiệu tích cực của cộng đồng. Đó là công chúng vẫn rất yêu lịch sử, mong muốn tìm hiểu lịch sử, qua đó thể hiện tình yêu nước sâu sắc".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm về Đất rừng phương Nam - Ảnh 2.

Được biết từ tối 16.10, khán giả được tiếp cận bản phim đã được chỉnh sửa một số chi tiết sau cuộc đối thoại, trao đổi giữa nhà sản xuất với cơ quan chức năng. Theo đó dòng chữ "Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ðoàn Giỏi và bộ phim Ðất phương Nam" được đưa lên đầu phim, bổ sung nội dung cho câu giới thiệu "Hành trình vẫn còn phía trước" thành "Hết phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước" và cụm từ "Nghĩa Hòa đoàn" được thay bằng "Nam Hòa đoàn", "Thiên Ðịa hội" thành "Chính nghĩa hội" trong tất cả các câu thoại liên quan.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm về Đất rừng phương Nam - Ảnh 3.

Việc Đất rừng phương Nam sáng tạo thêm, với tư cách là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn nêu quan điểm: "Là phim truyện, tức mang tính hư cấu, họ có thể sử dụng chất liệu từ tác phẩm gốc theo góc nhìn của đạo diễn. Do đó, việc thay đổi một số nhân vật, thêm bớt các sự kiện kịch tính và các tình tiết là việc cần thiết để thực hiện phim như một tác phẩm độc lập, mang phong cách và dấu ấn nghệ thuật của đạo diễn và những người làm phim. Hơn nữa, nhà sản xuất cũng đã hoàn thiện thủ tục bản quyền và có trao đổi với người giữ bản quyền là gia đình nhà văn Đoàn Giỏi rồi nên việc phóng tác, có những cải biên so với nguyên tác là việc chấp nhận được. Tôi cho rằng đã là một tác phẩm nghệ thuật, là điện ảnh, văn học, hay thể loại nào đó thì sự sáng tạo vẫn là cốt lõi của nghệ thuật. Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, lại tìm ra một cách biểu đạt mới, một thẩm mỹ mới, cảm xúc mới trên cùng một hệ giá trị tinh thần chung với tiểu thuyết. Điều này còn giúp cho công chúng tìm đọc lại tác phẩm Đất rừng phương Nam nhiều hơn, và có cách cảm nhận khác hơn những lần đọc trước. Đây chính là thành công lớn của các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.