Nhàn đàm: Con đường

28/04/2024 08:30 GMT+7

Thiện là nhân viên tiếp thị nên đường đi của cậu ấy không tính xa hay gần, có đường là đi, có tiệm tạp hóa là ghé.

"Thôi ngủ sớm, mai em đi M", Thiện hay thông báo kiểu vậy để xin ngưng ngang cuộc trà, cuộc rượu bia với anh em trong khu lúc đêm khuya.

Nhìn công việc của người làm tiếp thị ai cũng ngán: sáng sớm là đi - đôi khi cùng một thùng lớn những món hàng mẫu - về lúc tối khuya khi người nhà khác đã an yên trên ghế xếp, giường nệm. Tôi không dám hỏi: "Ngán không Thiện?", sợ sẽ khơi gợi trong lòng hắn những chán ngán, chùng chình.

Nhưng chắc trong lòng Thiện đã từng nghĩ: chạy đến khi nào thì ngưng. Không lẽ ba mươi, bốn mươi tuổi vẫn còn chạy mải miết ngoài đường, ghé vào từng tiệm tạp hóa lớn nhỏ? Chỉ là kế hoạch chưa kịp rõ ràng nên Thiện chưa kể ra. Hoặc không nói ra vì đó là một kế hoạch quá hoàn mỹ - thường như thế, ngày mai của ai đó như một chùm pháo hoa bí mật, bỗng bùm một tiếng rồi tung tóe rực rỡ đầy bất ngờ trên bầu trời mà người xem không đoán trước được, chỉ có thể ngỡ ngàng ngưỡng mộ, hoặc ganh tị.

Con đường của những thân chủ hay ghé qua phòng tham vấn của tôi thì không phải là con đường địa lý. Đó là con đường tâm lý, vô hình. Có người mới đi hơn nửa đời người đã sớm thấy cô đơn, hụt hẫng. Không còn một ai bên cạnh! Không có một ai để dựa dẫm, trải lòng! Tất cả những hy sinh, tự nguyện cho đi không có lần quay đầu, hồi đáp. Những con người từng cầm nắm lòng tốt đó đều biến mất giữa lúc bão giông. Họ đi đường khác? Hay vẫn đi cùng hướng nhưng đã vội vượt lên trước, mất dấu?

Có người khi bước những bước cuối cùng mới nhận ra mình sai cả một đời, chẳng còn cơ hội làm lại bất cứ điều gì. Tôi chọn lắng nghe nhiều hơn là động viên, tháo gỡ. Ít ra ở những ngày cuối đời họ có được những giây phút tự hiểu mình - đó là điều an ủi và thành công nhất trong cả quãng đường dài bảy, tám mươi năm.

Có những đứa trẻ vừa bước chập chững đã thấy đường khó đi. Em thấy mình làm gì cũng sai trái, vô dụng trước những người lớn luôn phán xét và phàn nàn. Đường em mới đi đã vội nặng nề và hằn sâu những dấu chân mặc cảm, tự ti. Em cần ai đó hét lên: "Chạy đi con, vui lên, đừng ngại", thay vì những ánh mắt hậm hực hay tiếng thở dài.

Có anh bạn kia lạ lắm! Những khi mệt lòng là anh lại nằm mơ. Anh thấy trên con đường dài nhất nhì của một thành phố lớn nọ, có người chú trong bộ đồng phục bảo vệ, chạy xe cũ, vừa nhích từng chút vừa kêu la, bấm còi inh ỏi giữa đám đông kẹt xe. Chẳng biết chú vừa tan làm mệt nhọc, hay vội vàng vào ca trực mới. Cũng chẳng hiểu sao hình ảnh đó ánh ảnh anh mãi. Có khi anh thấy mình đang di chuyển cạnh chú, có khi anh thấy chú là chính mình. Nhưng điểm chung là anh chỉ nằm mơ vào những ngày tâm tình bất ổn, và khi tỉnh dậy anh thấy ngộp thở như thể suýt chết trong giấc mơ của mình…

Sáu giờ sáng. Tôi xỏ giày thể thao ra đường. Nhà Thiện khóa cửa ngoài. Vậy là cậu đã lên đường từ sớm. Chỉ có người là lười đi chứ đường lúc nào cũng trải dài mải miết. Hôm nay mình có thể nằm nghỉ, nhưng ngoài kia đường cứ mở thêm từng giờ.

Đi nhiều thì đau lưng mỏi gối, nhưng là đi cho mình chứ có phải vì ai đâu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.