Nhàn đàm: Sài Gòn, khi cây thay lá

26/11/2023 08:30 GMT+7

Sài Gòn nuôi dưỡng rất nhiều loài cây, để cùng với hai mùa mưa nắng còn có thêm một "mùa thay lá". Những chiếc lá sau quãng thời gian dài bầu bạn với cây, cũng đến lúc nói lời tạm biệt. Mùa này, ta dễ dàng bắt gặp sắc vàng của lá cây muôn nơi. Trong thời khắc "về cội" đầy bồi hồi ấy, những chiếc lá úa vàng cũng kịp hực lên, đẹp theo cách "huy hoàng" lần cuối.

Đầu tháng 11, những hàng cây lộc vừng ở tuyến bờ kè Thị Nghè, đoạn đường Trường Sa bắt đầu xuất hiện những mảng vàng tươi. Chỉ vài hôm sau, hàng cây đồng loạt trút lá. Chỉ một đoạn ngắn tầm 500 m, nhưng cảnh tượng hiếm hoi ấy, với cái không khí se se lạnh của tiết lập đông theo lịch khiến người ngang qua dễ xao xuyến ánh nhìn. Khoảnh khắc đặc biệt này chỉ có một lần trong năm và kéo dài chừng một, hai tuần.

Sự đãi ngộ đẹp đẽ của thiên nhiên, dù là một vẻ đẹp buồn, man mác nhưng vẫn rất quý giá. Bao lâu rồi, thành phố này chỉ trải qua hai mùa mưa nắng, không có đặc trưng bốn mùa rõ rệt như những nơi khác. Dẫu chẳng có "con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô" nhưng hình ảnh ngay trước mắt thật thi vị và đậm chất điện ảnh. Người Sài Gòn tranh thủ từng chút một để đến đây, chìm đắm giữa không gian đặc biệt này, tận hưởng và chụp lại những tấm ảnh kỷ niệm. Chỉ khi đắm mình vào những cảnh tượng lãng mạn như thế, người ta mới cảm nhận rõ vẻ đẹp bình yên trong thành phố vốn luôn nhộn nhịp đêm ngày.

Rải rác trên những con đường dọc ngang phố xá Sài Gòn, những cây bàng, cây đầu lân, cây muồng hoàng yến… cũng lặng lẽ trút lá. Không rầm rộ, không đồng loạt như hàng cây lộc vừng kia nhưng cũng khiến người ta ngẩn ngơ trước sự lột xác của chúng.

Sau mỗi mùa hoa, dường như cả thân cây hao mòn dần. Như một người mẹ vốn đã tận hiến tất cả sinh lực của mình trong cuộc "khai hoa" cho đứa con cuộc sống mới, những cái cây cũng rũ mình sau mỗi độ mãn khai. Đó chính là thời điểm vô cùng nhạy cảm của cây mẹ. Cái khoảnh khắc trút mọi gánh nặng, mọi nỗi nhọc nhằn đó của cây chỉ diễn ra rất ngắn ngủi, vừa mong manh vừa hiếm gặp. Đám lá, sau thời gian dài thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình, lại chọn trở về với đất, lại biểu hiện bằng một hình thái khác: trở thành phân bón cho cây mẹ. Vòng tuần hoàn này là một điều kỳ diệu và đẹp đẽ của hiện sinh. Khoảnh khắc về với đất ấy đáng để chiêm ngưỡng, để trân quý. Và chính cái khoảnh khắc chia lìa mong manh ấy cũng đã dạy chúng ta bài học về sự tha thứ, rộng lượng và yêu thương. Chỉ có tha thứ, rộng lượng và tràn đầy tình yêu thương mới giúp chúng ta đủ nhạy cảm để nhận ra những thứ quý giá cầng nâng giữ trong cuộc đời, tránh chạm vào để gây ra những tổn thương không đáng có.

Sớm mai, chậm lại một nhịp bên hè phố, ngước lên vòm cây vốn đã loe hoe lá từ mấy hôm nay, thấy lòng thật lạ. Thành phố này, cuộc sống mỗi ngày là một cuộc trở mình trong những nhịp đời hối hả, bận rộn thường khi.

Cây rụng lá để sống tiếp đời cây, tiếp tục cho đời những mùa hoa thơm, trái ngọt, tận hiến đến khôn cùng.

Sự sống lại bắt đầu từ những cái rũ mình, buông bỏ. Không dưng, ta ước gì cũng rũ mình trút hết những nỗi khổ nhọc trên vai. Những nỗi buồn rụng xuống cho tin yêu nhú mầm ươm sự sống…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.