Nhân dân đề nghị chấm dứt tình trạng 'cướp phá' tài nguyên quốc gia

20/10/2016 11:05 GMT+7

Đề nghị Chính phủ quyết liệt chấm dứt tình trạng một số ít người công khai cướp phá tài nguyên quốc gia nhưng không sợ dân, không sợ Đảng...

Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, lại không sợ hàng triệu người dân sẵn sàng bảo vệ luật pháp, không sợ chính quyền nhân dân, không sợ Đảng.
Đây là một trong những ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu ra trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình bày trước Quốc hội sáng 20. 10
Báo cáo cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh và bức xúc trước tình trạng khai thác bừa bãi khoáng sản, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt là nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông; việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng báo cáo trước Quốc hội về tình trạng này. Cụ thể nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện, ở tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 3 lần báo cáo trước Quốc hội vào năm 2015, 2016. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai.
Cử tri và nhân dân cho rằng, nạn “cát tặc”, “lâm tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm”. “Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng lại không sợ hàng triệu người dân sẵn sàng bảo vệ luật pháp, không sợ chính quyền nhân dân, không sợ Đảng”, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Chưa có cá nhân, cơ quan nhà nước nào nhận trách nhiệm vụ Formosa
Báo cáo cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương xác minh, kết luận, công bố công khai về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết hàng loạt do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị việc đền bù cần kịp thời, chính xác và minh bạch; các cơ quan chức năng sớm kết luận cụ thể về mức độ an toàn của nước biển, hải sản; tiếp tục khắc phục ô nhiễm môi trường biển; giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty đã vi phạm; thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng; có chính sách hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại và có giải pháp phù hợp giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.
Cử tri và nhân dân cũng cho rằng, nhà đầu tư vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm trước nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm.

Nhân dân bất bình việc Trịnh Xuân Thanh
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, báo cáo cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đưa ra xét xử 6 vụ án tham nhũng lớn và đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực tế là vừa qua việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, việc xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe, công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả còn rất thấp.
Báo cáo cũng cho biết cử tri và nhân dân bất bình trước việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang. Vừa qua, ông Thanh đã bị khởi tố bị can.
Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngoài 7 vấn đề nêu trên, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh, kiến nghị về một số vấn đề bức xúc như: Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhiều sân bay, cảng, bố trí vũ khí tại các bãi đá, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC); công tác quản lý an ninh mạng đã bộc lộ nhiều sơ hở nghiêm trọng; việc tái định cư và ổn định cuộc sống của nhân dân khi xây dựng các nhà máy thủy điện nhiều nơi chưa hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.