Nhân loại có cơ hội chứng kiến một vụ nổ dữ dội trong vũ trụ năm nay

10/04/2024 14:54 GMT+7

Sau sự kiện nhật thực toàn phần gây xôn xao, người dân toàn cầu có cơ hội chứng kiến một vụ nổ dữ dội ở cách trái đất khoảng 3.000 năm ánh sáng diễn ra trong vài tháng tới.

Mô phỏng một vụ nổ trong không gian

Mô phỏng một vụ nổ trong không gian

NASA

Nhân loại sẽ được trao cơ hội duy nhất trong cuộc đời để quan sát một hệ sao đôi thuộc chòm sao Bắc Miện nổ tung trên bầu trời đêm trong một vụ nổ tân tinh tuần hoàn, theo Hãng tin AFP hôm 10.4.

Thông thường, chòm sao Bắc Miện tỏa ra ánh sáng quá sức yếu ớt nên không thể nhìn ngắm bằng mắt thường. Tuy nhiên, một vụ nổ ở hệ sao đôi sẽ phóng thích ánh sáng cỡ sao Bắc Đẩu, cho phép con người quan sát trong vài ngày kể từ sự kiện này diễn ra mà không cần sự hỗ trợ của thiết bị, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Lần gần nhất xảy ra một vụ nổ tương tự là 78 năm trước, vào năm 1946. Sau sự kiện năm nay, con người sẽ phải chờ thêm 80 năm nữa cho sự kiện kế tiếp.

Năm 2024 cũng đánh dấu lần thứ ba nhân loại chứng kiến vụ nổ tân tinh tuần hoàn. Trong lần đầu vào năm 1866, nhà bác học người Ireland John Birmingham đã quan sát sự kiện đặc biệt vào năm 1866.

Nhà thiên văn học Sumner Starrfield của Đại học bang Arizona (Mỹ), người nghiên cứu chòm sao Bắc Miện từ thập niên 1960, cho biết có khoảng 10 sự kiện tân tinh tuần hoàn ở Dải Ngân hà và các thiên hà phụ cận.

Nếu các tân tinh bình thường nổ tung trong mỗi 100.000 năm, các nhà thiên văn học cho hay các vụ nổ tân tinh tuần hoàn lại diễn ra ngắn hơn.

Tân tinh tuần hoàn xuất hiện do sự tương tác giữa hai ngôi sao, trong đó một sao lùn trắng đã chết mất khoảng 227 ngày để hoàn tất quỹ đạo quanh ngôi sao khổng lồ đỏ già nua.

Vật chất do sao khổng lồ đỏ phóng thích tích tụ gần bề mặt của sao lùn trắng. Mất khoảng 80 năm để vật chất tập hợp được khối lượng gần như tương đương trái đất để xảy ra vụ nổ trên sao lùn trắng.

Nhà thiên văn học Đức đã về hưu Joachim Krautter cho biết nhiệt độ vào thời điểm vụ nổ xảy ra đạt được 100-200 triệu độ C trong vòng vài giây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.