Nhật tính ra mắt hệ thống quyền hạn an ninh mới

08/06/2023 10:00 GMT+7

Tờ Nikkei Asia ngày 7.6 đưa tin chính phủ Nhật Bản sẽ ra mắt hệ thống phân cấp quyền hạn an ninh mới liên quan kinh tế, nhằm giúp nước này tăng cường hợp tác an ninh với đồng minh phương Tây, đồng thời giúp lĩnh vực tư nhân giành được các hợp đồng nước ngoài.

Năm 2014, Nhật thông qua luật bí mật quốc gia trong đó có hệ thống phân cấp quyền hạn an ninh nhưng chủ yêu liên quan lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao, phản gián và chống khủng bố, không dành cho ngành công nghệ lưỡng dụng dân sự - quân sự.

Điều này cản trở các công ty và giới chuyên gia Nhật tham dự các diễn đàn quốc tế hoặc dự án nghiên cứu trong lĩnh vực tiên tiến liên quan an ninh. Thiếu quyền tiếp cận an ninh do chính phủ đảm bảo cũng khiến Nhật không thể hợp tác sâu hơn với nhóm tình báo Ngũ Nhãn, theo Bộ trưởng đặc trách An ninh kinh tế Sanae Takaichi.

Nhật tính ra mắt hệ thống quyền hạn an ninh mới - Ảnh 1.

Theo đề xuất mới, chính phủ Nhật sẽ công bố dự luật vào năm 2024 sau khi thảo luận với các chuyên gia kinh doanh và pháp lý. Nước này được cho là đang tham khảo các mô hình của Mỹ và châu Âu. Hệ thống mới sẽ được chia làm 2 - 3 cấp độ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với thông tin nhạy cảm được chia sẻ giữa Nhật và các nước khác, đồng thời tham gia các chương trình mua sắm của chính phủ nước ngoài. Các cá nhân, tổ chức muốn hưởng quyền tiếp cận an ninh này trước tiên phải vượt qua cuộc kiểm tra lý lịch, khả năng kiểm soát thông tin.

Bà Takaichi nói rằng các công ty Nhật có nguy cơ mất đi nhiều cơ hội kinh doanh do không được phân quyền tiếp cận an ninh, trong bối cảnh các lĩnh vực liên quan công nghệ nhạy cảm có tiềm năng ứng dụng quân sự ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bà cũng nói rằng quyền tiếp cận này nên được giới hạn cho thông tin mà chính phủ thật sự cần bảo vệ như công nghệ quan trọng, kết nối với lệnh cấm vận kinh tế, các mối đe dọa trên mạng hay các dự án chung ở cấp chính phủ.

Hé lộ 'mật nghị' nơi lãnh đạo tình báo thế giới gặp nhau nhiều năm qua

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.