Nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam lo khó về kịp đích 2025

01/04/2024 11:21 GMT+7

Khó khăn nguồn vật liệu, chậm giải phóng mặt bằng khiến một số dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 lo khó về đích kịp năm 2025 theo kế hoạch.

Theo Bộ GTVT, với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra, song mặt bằng và nguồn vật liệu nhiều dự án gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ chung. 

Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau chậm so với kế hoạch và mặt bằng chung do thiếu nguồn cát đắp.

Nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam lo khó về kịp đích 2025- Ảnh 1.

Thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông

T.N

Các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, các nhà thầu mới khai thác được 14/17 mỏ cát đáp ứng khoảng 91% nhu cầu và 43/55 mỏ đất (tỉnh Quảng Trị còn 2 mỏ, Quảng Ngãi còn 5 mỏ, Bình Định còn 1 mỏ, Phú Yên còn 4 mỏ) đáp ứng khoảng 77% nhu cầu.

Các mỏ còn lại mặc dù đã được chấp thuận bản đăng ký khối lượng khai thác nhưng đến nay chưa khai thác được do các nhà thầu đang phối hợp với địa phương thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, hiện các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát được 16,02 triệu m3. Còn 2,98 triệu m3 chưa xác định được nguồn (An Giang 1 triệu m3; Vĩnh Long 1,98 triệu m3)...

Đến nay, nhà thầu mới đưa về công trường được 2,7 triệu m3 cát (tỉnh An Giang khoảng 0,4 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 2,3 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long do lớp tầng phủ dày, chất lượng xấu phải sàng rửa tạp chất nên mới khai thác được 4.400 m3).

Công suất khai thác của các mỏ cát khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay rất thấp (chỉ đạt trung bình 18.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án là 50.000 m3/ngày) do khống chế công suất, phương tiện khai thác, thời gian khai thác trong ngày. Do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu thi công "3 ca, 4 kíp" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác giải phóng mặt bằng, dù phần diện tích mặt bằng còn lại tại một số dự án khởi công trong năm 2023 không lớn nhưng thuộc khu vực đất ở, khu vực phải chuyển mục đích sử dụng rừng, chưa hoàn thành xây dựng các khu tái định cư nên tiến độ bàn giao vẫn còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, nếu các địa phương không bàn giao mặt bằng trước 30.4 để triển khai thi công sẽ không đáp ứng tiến độ hoàn thành các dự án thành phần vào năm 2025.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên nếu không kịp trình để được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 4 tới sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30.4.

Đồng thời, đề nghị tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho phép các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày để đảm bảo sản lượng khai thác. Giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác để đến 30.6 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát đã được Chính phủ giao.

Các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…) hỗ trợ chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp cận, khảo sát các mỏ cát trong địa bàn tỉnh...

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021 theo hình thức PPP đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt sản lượng đến nay đạt 6.641,4/8.595,1 tỉ đồng (77,3% giá trị hợp đồng), phấn đấu hoàn thành 30 km từ nút giao QL7 đến nút giao QL46B (về thành phố Vinh) trước ngày 30.4 tới. Phần còn lại 19 km có đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Dự án PPP khác là Cam Lâm - Vĩnh Hảo sản lượng đến nay là 7.494 /7.587 tỉ đồng (đạt 98,8% giá trị hợp đồng) dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước 30.4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.