Nhiều loại giá, phí chuẩn bị tăng

20/12/2023 06:30 GMT+7

Trong khi thu nhập ngày càng "dọa giảm" do kinh tế khó khăn thì hàng loạt phí, giá các dịch vụ thiết yếu đang đồng loạt đến kỳ tăng.

Điện, nước, cầu đường… đều tăng giá

Chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2023, chưa kịp đón chào năm mới cùng mùa lễ Giáng sinh tưng bừng, hàng triệu người dân tại TP.HCM nhận thông tin: Từ 1.1.2024, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ thu hộ tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cho TP.HCM với mức phí năm 2024 là 25% trên giá cấp nước sạch. Mức giá này trong năm 2023 là 20%.

Theo Sawaco, việc thu hộ này được thực hiện theo lộ trình đã được UBND phê duyệt giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2022 - 2025. Giá dịch vụ này trước đây gọi là phí bảo vệ môi trường. Cụ thể, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM năm 2022 bằng 15% giá nước sạch, năm 2023 tăng lên 20%, năm 2024 là 25% và đến năm 2025 là 30%. Để dễ hình dung, từ ngày 1.1.2024, nếu một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 100.000 đồng tiền nước sạch thì sẽ phải đóng 25% giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, tương ứng 25.000 đồng.

Nhiều loại giá, phí chuẩn bị tăng - Ảnh 1.

Loạt phí, giá sinh hoạt tăng gây áp lực lớn tới đời sống người dân

H.T

Cũng trong năm 2024, người dân sẽ phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định mới tại Nghị quyết 110/2023/QH15, đồng nghĩa trong phí dịch vụ này sẽ tính thêm VAT với mức 8%a trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng lên 10% vào 6 tháng cuối năm.

Thông tin tăng giá thoát nước 5% đến ngay khi giá điện vừa chính thức áp dụng mức tăng thêm 4,5% hồi tháng 11, cùng giá gas vẫn chưa cắt được đà tăng từ tháng 9 tới nay, khiến không ít người dân lo lắng.

Nhiều loại giá, phí chuẩn bị tăng

"Cuối năm tăng giá điện, gas, xăng, đầu năm mới lại tăng giá nước… Đi cùng với đó là giá từng kg gạo, mớ rau, miếng thịt, trái cây ngoài chợ cũng thiết lập mặt bằng giá mới. Trong khi đó, thu nhập ngày càng giảm, các công ty có xu hướng cắt giảm lao động, giảm lương, giảm thưởng", chị Thanh Hiền (ngụ Q.Bình Thành, TP.HCM) than thở.

Dù Bộ GTVT đã tránh tối đa tác động đến thị trường mùa cao điểm Tết Nguyên đán bằng cách lùi thời gian áp dụng mức giá trần vé máy bay tới 1.3.2024, song việc đội bay giảm cùng chi phí đầu vào tăng cao đã khiến các hãng bay đẩy giá tăng đến mức chạm trần và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT vừa chấp thuận phương án của Cục Đường bộ VN về việc điều chỉnh giá vé tại 44 dự án BOT. Thời gian điều chỉnh dự kiến từ 29.12. Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm). Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019 - 2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án. Nghĩa là, giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên hầu hết các tuyến đường cao tốc khắp cả nước cũng sẽ đồng loạt tăng giá đúng dịp nghỉ Tết Dương lịch.

Lo ảnh hưởng chương trình phục hồi kinh tế

Sau chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 3 tăng 2,89% so với quý 2 và tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, các chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng chỉ số CPI trong quý cuối cùng của năm sẽ được giữ ổn định để các doanh nghiệp (DN) tăng tốc sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế.

Thế nhưng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 vẫn tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước, nguyên nhân chính do một số địa phương thực hiện tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Tháng 11, CPI tiếp tục tăng thêm 0,25% khi giá gạo trong nước tiếp đà tăng theo giá gạo xuất khẩu, chỉ số giá nhóm vé máy bay cũng tăng và một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế.

Dự báo CPI tháng cuối cùng của năm, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cũng xác định có nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá. Cụ thể, giá các mặt hàng nhiên liệu và năng lượng tháng tới dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng xu hướng tăng do nhu cầu thường tăng vào mùa đông và giai đoạn cuối năm trong khi nguồn cung đang bị siết chặt.

Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu có thể tăng do nhu cầu thế giới tăng tại các thị trường truyền thống và nhu cầu chuẩn bị do dịp tết. Giá dịch vụ sửa chữa nhà cửa có thể nhích tăng do nhu cầu sửa sang nhà cửa cuối năm. Nhu cầu hàng hóa theo quy luật thường cao hơn vào cuối năm để chuẩn bị cho công tác sản xuất, chuẩn bị hàng dự trữ phục vụ nhu cầu lễ tết.

Nhìn tổng quan thị trường, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đánh giá: Kinh tế VN vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, mới đang ở giai đoạn chuẩn bị phục hồi. Đây là thời điểm nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách để lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là mở rộng tài khóa, mở rộng tiền tệ, để lại tiền cho người dân tăng chi tiêu, để lại tiền cho DN có vốn làm ăn, mở rộng hoạt động kinh doanh. "Linh hồn" của chính sách mở rộng tài khóa là tăng chi tiêu công, giảm thu, giảm những khoản chi phí đầu vào để hỗ trợ DN giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Khi DN khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thêm thu nhập để chi tiêu, từ đó giúp thị trường sôi động, khôi phục kinh tế. Khi kinh tế ổn định thì có thể tăng thu để bù lại thâm hụt ngân sách.

Do đó, nếu giai đoạn này các mặt hàng thiết yếu đầu vào như điện, nước, xăng dầu, gas, cùng chi phí đi lại như vé máy bay, phí cầu đường… đồng loạt tăng giá sẽ tạo áp lực rất lớn lên hoạt động kinh doanh của DN, tới sinh hoạt của người dân. Giá thành sản phẩm sẽ tăng, giảm cơ hội cạnh tranh của DN; người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, hạn chế tiêu dùng. Như vậy là đi ngược lại với chủ trương mở rộng tài khóa, phục vụ chương trình phục hồi kinh tế. 

Nếu được, nhà nước cần can thiệp để tạm lùi thời gian áp dụng thu phí, kéo dài thêm 1 năm nữa để có đủ dư địa cho kinh tế hồi phục. Có rất nhiều cách. Đơn cử, với những loại thuế, phí, giá mà nhà nước quy định như giá thoát nước, phí áp dụng cho hàng không… đến thời hạn tăng giá thì tạm lùi hoặc kéo dài chương trình hỗ trợ giảm giá thêm 1 năm. Với phí BOT, do đã ký hợp đồng với DN nên có thể giãn chu kỳ tăng giá bằng cách cho phép DN kéo dài thêm thời gian thu phí 1 - 2 năm để bù lại khoản thu. Tùy từng trường hợp, từng thời điểm chính sách cũng cần linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ cho nền kinh tế.

TS Huỳnh Thanh Điền
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.