Nhiều ngành học 'đỏ mắt' tìm tiến sĩ

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
21/08/2023 07:38 GMT+7

Một số ngành học mang tính xu hướng, có nhu cầu nhân lực và học tập mạnh mẽ nên nhiều trường ĐH đồng loạt tuyển sinh. Kéo theo đó là nhu cầu lớn về tuyển dụng giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

KHAN HIẾM TIẾN SĨ DO TRONG NƯỚC CHƯA ĐÀO TẠO

Tiến sĩ (TS) Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết suốt thời gian qua trường tìm kiếm TS cho các ngành quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, công nghệ truyền thông... Trong đó, ngoài vị trí giảng viên còn tìm TS để đưa vào vị trí phụ trách khoa nhưng không dễ dàng tuyển được TS đúng ngành.

"Trường đầu tư cơ sở vật chất, chương trình đào tạo quốc tế, nhưng một số ngành đã kể như trên và thêm mỹ thuật ứng dụng, bất động sản... vô cùng khó khăn về đội ngũ. Chúng tôi phải mời một số giáo sư, TS từ nước ngoài về vì hiện nay một số ngành này chưa có đơn vị nào trong nước đào tạo. Có ngành thì vừa mới bắt đầu đào tạo TS chưa lâu nên chưa thể có ngay nguồn lực", TS Tuấn chia sẻ.

TS Thái Hồng Thụy Khánh, Trưởng khoa Tài chính kế toán, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện có rất nhiều trường đào tạo trình độ ĐH, nhưng thạc sĩ hay TS ngành này lại rất hiếm, đặc biệt là mảng chuỗi cung ứng.

Nhiều ngành học 'đỏ mắt' tìm tiến sĩ - Ảnh 1.

Sinh viên ngành quan hệ công chúng, một trong những ngành học chưa có đào tạo tiến sĩ ở VN

T.M

"Hiện chỉ có một số trường được Bộ GD-ĐT cho thí điểm liên kết với nước ngoài để đào tạo thạc sĩ logistics và quản lý chuỗi cung ứng, còn TS thì chưa có nơi nào trong nước đào tạo. Chúng ta đang thiếu rất nhiều nhân lực trình độ cao ở lĩnh vực này", TS Khánh cho hay.

Trong lĩnh vực công nghệ, ở những công nghệ mới và đang thu hút người học như trí tuệ nhân tạo, blockchain... các trường ĐH cũng không dễ dàng tuyển dụng TS đúng chuyên môn. TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin: "Trình độ TS ở các chuyên ngành hẹp này đã hiếm rồi, các trường còn phải cạnh tranh nhân lực với các viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ lớn".

TUYỂN TIẾN SĨ NGÀNH GẦN ?

TS Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định một số ngành "hot" gần đây như trí tuệ nhân tạo được mở nhiều trong khi lực lượng nòng cốt không phải ai cũng dạy được. Việc tuyển dụng giảng viên có trình độ TS càng khó khi một số ngành trong nước chưa có đơn vị nào đào tạo.

"Nếu trường lâu đời sẽ có nguồn lực từ cựu sinh viên. Chẳng hạn Trường ĐH Khoa học tự nhiên có nhiều cựu sinh viên học thạc sĩ, TS từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... về. Một số em tốt nghiệp ngành trí tuệ nhân tạo sẵn sàng về khoa giảng dạy. Tuy nhiên, các trường sẽ phải đứng trước áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài vì họ trả lương cực kỳ hấp dẫn", TS Tiến cho hay.

Để có nguồn giảng viên cho ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, tại TP.HCM, bên cạnh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang đào tạo thạc sĩ ngành này, Bộ GD-ĐT cũng cho phép một số trường liên kết với nước ngoài để đào tạo thí điểm. "Để có đủ đội ngũ, trường cũng tuyển thạc sĩ, TS ngành này học ở nước ngoài về", TS Khánh thông tin.

TS Tuấn thì cho rằng trường sẵn sàng "trải thảm" với chính sách lương và đãi ngộ hấp dẫn để tuyển TS. "Nếu ngành nào không có thì tuyển TS ngành gần theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, hoặc mời đội ngũ có trình độ TS đúng ngành được đào tạo ở nước ngoài nhằm đảm bảo năng lực chủ trì ngành và năng lực duy trì ngành đào tạo. Bên cạnh đó, trường đã có chủ trương mời những sinh viên giỏi có tố chất và định hướng theo nghề giảng viên ở lại trường, gửi đi nước ngoài học thạc sĩ, TS đúng ngành nghề để tạo nguồn lực trong thời gian tới", TS Tuấn chia sẻ.

Nhiều ngành học 'đỏ mắt' tìm tiến sĩ - Ảnh 2.

Ở lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, năm 2022 mới bổ sung mã ngành trí tuệ nhân tạo ở bậc ĐH, thạc sĩ và TS

MỸ QUYÊN


LO NGẠI KHI MỞ NGÀNH Ồ ẠT MÀ CHƯA ĐỦ NHÂN LỰC

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình đào tạo phải có ít nhất một TS ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (không trùng với giảng viên cơ hữu của các ngành khác), có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy ĐH tối thiểu từ 3 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Đồng thời phải có ít nhất 5 TS là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình (tính cả TS ngành phù hợp ở trên), trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy.

Ở quy định này, cần xác định rõ "phù hợp" nghĩa là phải tốt nghiệp đúng ngành học đó hay là ngành gần cũng được? Nếu như ngành gần, chẳng hạn TS ngành công nghệ thông tin mà dạy về trí tuệ nhân tạo có được hay không, hoặc TS quản trị kinh doanh có dạy được về thương mại điện tử?

Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng Bộ quy định đội ngũ giảng viên nếu không có TS đúng ngành thì tuyển TS ngành gần nhưng phải có công trình nghiên cứu về chuyên môn của ngành học đó. "Tuy nhiên, thực tế những ngành mới gần đây rất khó khăn để có được đội ngũ như thế nên không ít trường tuyển ngành gần mà không cần có chuyên môn phù hợp nhưng hồ sơ thì vẫn có cách để đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn TS ngành công nghệ thông tin về dạy ở ngành trí tuệ nhân tạo mà chưa từng có nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, trong quá trình dạy mới bắt đầu nghiên cứu tìm tòi thêm. Việc này chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đào tạo", vị này chia sẻ.

Theo vị trưởng phòng đào tạo này, để đảm bảo chất lượng, trước khi cho mở ngành ồ ạt thì Bộ phải tính đến nguồn lực giảng viên có đáp ứng được hay không khi mà các ngành ĐH đó còn chưa có đào tạo thạc sĩ, TS ở VN. "Không nên mở quá nhiều mã ngành cấp 4 nhỏ và không cần thiết, trong khi đào tạo TS chưa đáp ứng được. Một số mã ngành chỉ nên để là chuyên ngành", vị cán bộ này nhận định thêm.

Trong khi đó, ở một số trường, vì chưa có đủ nguồn lực giảng viên để mở ngành nên chỉ đưa vào thành chuyên ngành. Ví dụ trí tuệ nhân tạo là chuyên ngành của ngành khoa học máy tính hoặc kỹ thuật phần mềm, logistics và quản lý chuỗi cung ứng là chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh hoặc kinh doanh quốc tế... 

Hằng năm có rà soát, bổ sung

Một đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết hằng năm Bộ có rà soát và bổ sung các ngành đào tạo thạc sĩ, TS tùy theo hiện trạng giáo dục và khi có đề xuất từ các cơ sở giáo dục ĐH.

"Một số ngành chưa thể đào tạo thạc sĩ hay TS mà mới dừng ở nhu cầu cần và điều kiện chung ở bậc ĐH. Thông tư 17 cũng đã quy định rõ chương trình đào tạo có phần bắt buộc là TS đúng chuyên ngành và thêm các chuyên ngành gần. Trừ các ngành mới thí điểm thì phải chấp nhận các chuyên ngành gần trước. Ví dụ ngành trí tuệ nhân tạo ban đầu sẽ tuyển dụng các TS từ nước ngoài về rồi từ từ trong nước sẽ có nguồn lực để đào tạo thạc sĩ, TS", vị đại diện này cho hay.

Nhiều ngành chưa có mã đào tạo tiến sĩ

Hiện nay trong danh mục đào tạo cấp 4 trình độ ĐH, thạc sĩ và TS của Bộ GD-ĐT đã được cập nhật năm 2022, nhiều ngành được đào tạo ở trình độ ĐH nhưng thạc sĩ và TS lại không có.

Chẳng hạn nhóm kinh doanh và quản lý bậc thạc sĩ và TS chỉ có các mã ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, kế toán.

Ở lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, các mã ngành như thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh chỉ có ở trình độ ĐH và thạc sĩ chứ chưa có mã ngành đào tạo ở trình độ TS.

Còn lĩnh vực báo chí truyền thông, bậc thạc sĩ chỉ có ngành báo chí, truyền thông đại chúng và quan hệ công chúng; còn TS chỉ có mã ngành báo chí học và truyền thông đại chúng.

Lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin thì năm 2022 mới bổ sung mã ngành trí tuệ nhân tạo ở bậc ĐH, thạc sĩ và TS.

Ở lĩnh vực du lịch, ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cũng chưa có trình độ TS. Ngành quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống chưa có cả mã đào tạo thạc sĩ lẫn TS...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.