Nhớ người anh có giấc mơ xây nhà bằng đất

08/02/2024 06:36 GMT+7

Có những người mà ta phải quen lâu, phải chơi với nhau nhiều rồi mới thân nhau, hiểu nhau. Anh Tới là một người kiểu khác. Mới gặp, đã yêu quý anh liền, đã có thể "tới" với anh ngay.

Và càng gặp, chắc chắn sẽ càng yêu quý nhiều hơn. Vì anh Văn Ngọc - Phạm Ngọc Tới có một tâm hồn trong trẻo tận nguồn. Tâm hồn ấy lại hiện rõ cả trên gương mặt anh, một gương mặt luôn trẻ trung vì luôn hồn hậu, nhẹ nhõm, tình cảm và luôn quan tâm đến người khác.

Tôi đã đọc quyển sách "Xây nhà bằng đất" của anh in ở Nhà xuất bản Đà Nẵng. Có lần qua email, tôi có nói đùa với anh là nếu có dịp về Việt Nam, anh đừng đưa chuyện xây nhà bằng đất ra nói, kẻo nhiều người có thể nghĩ một người "Parisien" như anh đang đùa họ. Vì họ đã, đang và quyết xây cho mình những ngôi nhà bằng những chất liệu "hiện đại nhất, tối tân nhất", dĩ nhiên trong đó không có chỗ cho vật liệu bằng đất ruộng hay đất sét mà anh Tới bỏ công viết cả một quyển sách.

Riêng tôi thì rất mê quyển sách này. Ý tưởng của anh Tới - Văn Ngọc xây nhà bằng vật liệu đất rất trùng hợp với những "kiến trúc sư dân dã" ở quê tôi đã từ hàng nghìn năm nay xây dựng những ngôi nhà lá mái, với vật liệu chính là... đất. Không chỉ đất làm tường, mà đất làm mái. Những mái nhà bằng đất ấy khiến ngôi nhà mát về mùa hè và ấm về mùa đông.

Nhớ người anh có giấc mơ xây nhà bằng đất- Ảnh 1.

Nhà lá mái ở miền Trung Việt Nam

T.L

Tôi đã từng bỏ công đi khảo sát những ngôi nhà lá mái còn lại ở mấy xã ven bờ sông Trà thuộc huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Những ngôi nhà đã có hàng trăm năm tuổi, và tôi đã thực thấy vẻ đẹp cũng như công năng của những ngôi nhà bình dị ấy.

Ngoài những công năng vừa kể, thì nhà lá mái còn có công năng... chống trộm (công năng này có thể anh Tới chưa nghĩ tới). Khi tôi nói với anh chuyện này, tôi thấy anh Tới rất vui. Có thể sẽ đến một lúc nào đó, sau khi đã chu du qua tất cả các vật liệu "hiện đại", người ta (ở Việt Nam) sẽ quay về với vật liệu nguyên thủy là vật liệu đất.

Một vật liệu "hậu thân của đất" là đá ong hiện đã rất được các kiến trúc sư Việt Nam ưa chuộng, và nhiều nhà giàu rất "chảnh" ở Việt Nam đã chọn đá ong cho những ngôi biệt thự sang trọng của mình.

Cứ lan man thế để nhớ quyển sách và nguyện vọng thiết tha của anh Tới muốn xây dựng tại Việt Nam những ngôi nhà bằng đất trộn rơm cho người nghèo, một vật liệu rẻ tiền và rất dễ kiếm. Những ngôi nhà "đất toàn tòng" này sẽ thơm đượm mùi ruộng đồng sau mùa gặt.

Một người Việt ở Paris bao nhiêu năm mà lòng vẫn đau đáu nhớ về những ngôi nhà bằng đất ở làng quê Việt Nam xưa, đủ biết, con người ấy gắn bó với đất nước mình tới mức nào.

Lần thứ hai gặp lại anh Tới cũng ở Paris vào năm 2005, khi vợ chồng tôi có cơ may được sang Pháp. Vợ chồng anh Tới - chị Uyên đã tình nguyện đưa chúng tôi đi thăm Bảo tàng nghệ thuật đương đại D'Orsay (Musee D'orsay) với một tình cảm đặc biệt ấm áp.

Khi qua các phòng trưng bày của Musee D'orsay - từ nghệ thuật Ấn tượng, hậu Ấn tượng tới Dã thú..., tôi mới thực sự cảm phục kiến thức nghệ thuật hội họa của anh Tới. Anh đã giới thiệu cho chúng tôi từng bức tranh, bức tượng, từng danh họa và từng trường phái với sự khúc chiết tuyệt vời mà tôi nghĩ khó người hướng dẫn bảo tàng chuyên nghiệp nào có được.

Buổi trưa đó, anh Tới còn tranh thủ đưa chúng tôi đi thăm một số khu phố cổ ở Paris, uống cà phê vỉa hè ở một đoạn phố mà tôi cứ nghĩ như đang uống cà phê ở Hà Nội. Anh Tới là "người Hà Nội gốc", và tôi đùa anh là một "người Hà Nội cổ", theo nghĩa "cổ điển".

Những người như anh Tới, tôi có cảm giác họ luôn lan tỏa quanh mình một từ trường ấm áp, nhân hậu. Một cách hoàn toàn tự nhiên. Có thể nghĩ anh Tới là người Hà Nội gốc, người Paris gốc, mà cũng có thể là người nhà quê gốc, nếu ta hiểu "nhà quê" chính là "quê nhà" của mỗi con người.

Anh Tới hiền hậu tới mức ngay cả khi phải phản bác, không tán đồng với ai đó, tôi thấy anh cũng phản bác với thái độ rất mềm mỏng, nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, anh Tới là một người như vậy. Riêng đây là điều khiến tôi cảm phục anh nhiều nhất. Dù không về nước do sợ độ cao, không dám đi máy bay, nhưng anh luôn nghĩ về đất nước mình với những tình cảm trìu mến nhất, yêu thương nhất, và luôn biết phân biệt. Những người như anh Tới, mãi mãi họ là người Việt Nam, dù họ sống ở đâu.

Anh Phạm Ngọc Tới - Văn Ngọc ơi, dù khi còn sống anh ít khi về nước, nhưng giờ đây, xin cầu mong linh hồn anh thường về lại quê nhà - quê nhà anh bây giờ và mãi mãi vẫn là Tổ quốc Việt Nam yêu thương của chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.