Những 'ngôi sao' VinFuture 2023: Làm khoa học thất bại là thường tình

Quý Hiên
Quý Hiên
21/12/2023 20:02 GMT+7

Giao lưu với sinh viên Trường ĐH VinUni, các nhà khoa học được vinh danh trong lễ trao giải VinFuture 2023 cho rằng thất bại là chuyện thường tình với các nhà khoa học, dù họ vĩ đại đến cỡ nào. Quan trọng là đừng nản lòng.

Hôm nay 21.12, tại Trường ĐH VinUni, các nhà khoa học được giải thưởng VinFuture 2023 đã giao lưu với sinh viên của trường. Buổi giao lưu có đông đủ nhà khoa học được vinh danh trong lễ trao giải VinFuture 2023 tối 20.12 tại nhà hát Hồ Gươm. 

Những 'ngôi sao' VinFuture 2023: Làm khoa học thất bại là thường tình- Ảnh 1.

Toàn cảnh một phiên giao lưu giữa các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2023 tại Trường ĐH VinUni

THANH LÂM

Các giáo sư đã tận tình trả lời tất cả các câu hỏi mà sinh viên đã đặt ra về hành trình trên con đường khoa học đầy gập ghềnh nhưng cũng nhiều quả ngọt của mình, với thông điệp quan trọng: thất bại là thường tình, quan trọng là đừng nản lòng.

Lời khuyên của những người "giỏi thất bại"

Tại cuộc giao lưu, ngoài những câu hỏi mang tính vĩ mô liên quan tới số phận của nhân loại (như phát triển bền vững, môi trường, thiên tai…), các sinh viên cũng đặt ra những câu hỏi "đời thường" như làm sao mà chuyên tâm làm nghiên cứu nếu lương thấp (như ở Việt Nam), nhất là với các nhà nghiên cứu trẻ.

Theo GS Daniel Joshua Drucker (đồng giải đặc biệt nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới), đây là vấn đề nhiều nhà khoa học trên thế giới gặp chứ không chỉ các nhà khoa học Việt Nam. Ở nhiều nơi, người ta vẫn nói về việc cần phải thay đổi mức lương dành cho nghiên cứu sinh.

Thậm chí, từ hàng trăm năm nay người ta đều kỳ vọng nghiên cứu sinh, những người hàng ngày phải làm việc rất nhiều, được trả công không xứng đáng. "Hồi tôi còn trẻ cũng gặp vấn đề đó. Hy vọng tới thế hệ các em, điều này có thể thay đổi khiến cho ngành nghiên cứu trở nên hấp dẫn hơn trong tương lai", GS Daniel chia sẻ.

GS Daniel cũng cho biết, với phần lớn nhà nghiên cứu trẻ, việc tìm ra được cơ quan, viện nghiên cứu phù hợp với mong muốn của mình là điều rất khó. Lời khuyên là nên nhìn vào những người đi trước để xem ai là người thấy hài lòng với sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, rồi kết nối tìm hiểu thông tin để tìm môi trường làm việc lý tưởng.

GS Daniel cũng là người hồ hởi trả lời ngay khi một sinh viên hỏi "làm sao đứng dậy sau thất bại". Ông nói: "Tôi 'thất bại rất giỏi' nên xin trả lời trước. Tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu sau khi học ngành y. Trước đó tôi chưa làm dự án nghiên cứu nào hết, cũng chưa đi học thạc sĩ, tiến sĩ nên khi vào phòng lab tôi thậm chí còn không biết làm gì cả. Phần lớn thí nghiệm của tôi không cho ra kết quả. Ngày nào về nhà cũng thấy trầm cảm, chán nản, chỉ muốn quay lại học. Nhiều đồng nghiệp cũng bảo, hay là bạn về bệnh viện làm bác sĩ đi.

Thất bại trong khoa học là thường tình nên hãy vững tin, quyết tâm. Mình có cuộc sống cá nhân để khi về nhà thì có thể gác lại công việc, chơi với mèo, sum họp gia đình. Thất bại là thường tình trong khoa học, dù là nhà khoa học vĩ đại đến thế nào thì cũng không tránh khỏi thất bại. Để giải tỏa, ta phải có cuộc sống bên ngoài. Đó là đệm đỡ khi ta vấp ngã".

PGS Svetlana Mojsov (đồng giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới) chia sẻ: "Đã làm khoa học thì không tránh khỏi thất bại. Nhưng nếu ta muốn giải quyết, ta phải tìm ra vấn đề. Cần phải giữ đam mê, nhiệt huyết, thất bại cũng phải làm tiếp. Đừng nản lòng".

Tin tưởng vào tương lai để có động lực làm nghiên cứu

Giáo sư Rachid Yazami, một trong bốn nhà khoa học được giải thưởng chính giá trị triệu đô cho biết, lý do thôi thúc ông trở thành nhà khoa học là ý thích quan sát cuộc sống cùng với trí tò mò. Ông được sinh ra và lớn lên ở Fez, nơi từng là thủ đô của Maroc. Đó là một thành phố có cuộc sống khá sôi động, cũng giống như Hà Nội, có rất nhiều cửa hàng nhỏ. Vì thế, quan sát cuộc sống đầy sôi động đó là một niềm thích thú khi ông còn là một đứa trẻ. Cậu bé Rachid hồi ấy nhìn thấy gì cũng tự hỏi, tại sao điều đó lại xảy ra, liệu có gì làm cho nó thay đổi (để tốt hơn) không?

Những 'ngôi sao' VinFuture 2023: Làm khoa học thất bại là thường tình- Ảnh 2.

GS Martin Andrew Green (ngồi giữa) chia sẻ về quyết tâm theo đuổi hướng nghiên cứu chuyển đổi năng lượng của mình

THANH LÂM

GS Rachid Yazami dí dỏm kể về thí nghiệm đầu tiên của mình: "Tôi dùng chai Coca, bỏ bột lithium vào, tạo ra hydro làm cho nó thành quả bóng bay, bay lên bầu trời. Nhưng các bạn đừng làm theo nhé, nó hơi nguy hiểm".

Giáo sư Akira Yoshino (Nhật Bản) thì cho biết, trước khi đi sâu nghiên cứu về pin thì ông nghiên cứu vật liệu mới. Đến năm 1981 (33 tuổi) ông phát hiện vật liệu mà ông đang nghiên cứu sẽ mở ra một triển vọng trong tương lai với pin và đó là lý do ông chuyển sang chuyên sâu về pin. "Vấn đề là bạn luôn phải duy trì nghiên cứu với một tâm thế hướng về tương lai, đó là động lực quan trọng giúp các nhà khoa học dành hết tâm huyết cho công việc của mình", GS Akira Yoshino chia sẻ.

GS Martin Andrew Green (Đức) thì nhớ lại những năm tháng khó khăn khi ông còn là nghiên cứu sinh, chuyên làm về chuyển đổi năng lượng. Thời điểm ấy sản xuất điện từ năng lượng tái tạo đắt đỏ, nhưng nhờ chính sách của Đức khá thuận lợi nên nhóm nghiên cứu của ông vẫn có thể theo đuổi mục tiêu. Vì thế mà ông và các đồng nghiệp đã hái được quả ngọt.

"Tại Trung Quốc, năm 2005, chúng tôi có nhà đầu tư vào một dự án này và sau đó họ đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ", GS Martin Andrew Green nói rồi giơ lên một tấm pin có khổ lớn bằng cuốn sách và cho biết: "Trước đây chi phí để sản xuất tấm pin này là hàng nghìn đô la Mỹ, nhưng bây giờ chỉ khoảng một đô la Mỹ".

Theo TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH VinUni, cuộc giao lưu là một cơ hội quý giá mà các sinh viên cần "tận dụng", không phải ai cũng được gặp và tương tác với các nhà khoa học lớn, những bộ óc vĩ đại đã khám phá được những điều lớn lao để phụng sự nhân loại, nhất là khi còn trẻ. 

"Thế giới ngày nay đã và đang đối mặt với các vấn đề như an ninh lương thực, thiên tai, ô nhiễm môi trường… Nó tiếp tục là gánh nặng tương lai cho các bạn trẻ. Nhưng các bạn vẫn còn thời gian, nghĩa là triển vọng giải quyết các thách thức vẫn đang được mở ra, nếu như các bạn biết chớp thời cơ để học hỏi", TS Lê Mai Lan nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.