Niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn ở Quảng Ninh

20/12/2018 11:30 GMT+7

Ngày 17.12 là một ngày đáng nhớ đối với tập thể y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh khi đơn vị này chào đón em bé thứ 100 chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Dấu mốc này cũng đồng nghĩa với việc khoảng 100 cặp vợ chồng hiếm muộn ở Quảng Ninh đã được đón nhận niềm vui vô bờ là được làm cha mẹ, điều mà nhiều năm trước đây, họ ngỡ chỉ tồn tại trong những giấc mơ.

Vỡ òa niềm vui đợi chờ 10 năm

Ngồi chơi với con gái tại hội trường, chị Bùi Thị Thương, 30 tuổi (trú tại P.Phong Hải, TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) không giấu nổi niềm vui mừng. Vợ chồng chị lấy nhau được hơn 10 năm nay nhưng hạnh phúc vẫn không trọn vẹn khi mà anh chị mãi chưa thể có con đầu lòng. Dù cũng đã đi chữa trị và thực hiện phương pháp IVF ở nhiều nơi, nhưng hễ cứ có phôi được vài ngày thì chị lại bị thất bại. Đã có lúc chị Thương tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng sau hơn 10 năm chờ đợi, đến sáng ngày 16.12, chị đã chính thức đón nhận phút giây thiêng liêng khi hạ sinh được cặp sinh đôi một trai, một gái kháu khỉnh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
“Đến giờ tôi vẫn không thể diễn tả thành lời được cảm xúc của mình khi bác sĩ bế hai cháu đến cạnh tôi. Chỉ biết nó là giây phút thiêng liêng mà tôi sẽ không bao giờ quên được”, chị Thương rớm nước mắt nói.
Một cặp vợ chồng khác cũng phải chờ đợi gần 10 năm mới được làm cha mẹ là anh Nguyễn Thành Anh Chung (31 tuổi) và chị Phạm Bích Thủy (30 tuổi). Kết hôn từ năm 2011 mà vẫn chưa thể có con, tháng 6.2017, anh chị bèn quyết tâm tới điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và rất may mắn là vợ anh đã đậu thai. Đến tháng 2 vừa rồi, vợ chồng anh chị cũng được đón hai cháu sinh đôi 1 trai, 1 gái khoẻ mạnh.

Thành công vượt bậc của y tế Quảng Ninh

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bế cháu bé thứ 100 được chào đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bế cháu bé thứ 100 được chào đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF
Theo đánh giá của các chuyên gia sản khoa, hiện nay IVF vẫn là phương pháp điều trị hiếm muộn hiện đại và hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, sau ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên thành công vào năm 1997, đến nay cả nước đã có 20 cơ sở y tế được cấp phép cho thực hiện phương pháp IVF. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, ở Việt Nam hiện không có nhiều bệnh viện địa phương cấp tỉnh triển khai được thành công phương pháp IVF trong khám và điều trị đạt tỷ lệ cao như Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Được biết, tính đến tháng 12.2018, đơn vị này đã thực hiện khám và tư vấn cho 24.000 lượt; phẫu thuật 700 ca. Tỷ lệ có thai sau chuyển phôi đạt khoảng 50%, trong đó tỷ lệ có thai khi chuyển phôi ngày 5 đạt 81%. Tỷ lệ này tương đương các trung tâm hỗ trợ sinh sản nhiều kinh nghiệm của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến cho biết, bằng việc ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh, lĩnh vực y khoa điều trị hiếm muộn ở nước ta đã đạt được nhiều tiến bộ và thành công rất lớn. Không chỉ thành công với kỹ thuật IVF mà nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, phẫu thuật nối vòi tử cung, kỹ thuật nuôi phôi dài ngày, kỹ thuật phôi thoát màng, kỹ thuật sinh thiết để chẩn đoán phôi trước khi làm tổ… đều được thực hiện rất hiệu quả.
“Dấu mốc em bé thứ 100 chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm đã đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị chuyên sâu về sức khỏe sinh sản của ngành y tế Quảng Ninh. Giúp người dân tạo được niềm tin, tiết kiệm thời gian tiền bạc thay vì phải đến các trung tâm khác”, ông Tiến nói.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ đổi mới trang thiết bị, cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ để nâng tỷ lệ có thai sau chuyển phôi thành công lên hơn 50% vào năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.