Nỗi khổ thua thì mất ruộng mà thắng lại 'mất mùa'

Khánh Hoan
Khánh Hoan
06/05/2024 07:03 GMT+7

Cho mượn ruộng nhưng không đòi lại được, người mất ruộng ở H.Thanh Chương (Nghệ An) phải làm đơn ra tòa. Tòa tuyên chủ ruộng thắng kiện nhưng 2 năm qua, thửa ruộng này liên tục bị kẻ xấu cắm chông, đổ hóa chất khiến lúa bị chết cháy.

Lúa chết bất thường

Theo ông Đặng Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm (H.Thanh Chương), cơ quan công an đang điều tra, truy tìm thủ phạm phá hoại ruộng lúa của gia đình ông Hà Ngọc Đường (ngụ xã Hạnh Lâm), người từng thắng trong một vụ kiện mất ruộng. Thửa ruộng này có diện tích 1.700 m­­­2 đã sắp đến kỳ thu hoạch, nhưng hiện 1/3 diện tích bị cháy bông và lá một cách bất thường.

Nỗi khổ thua thì mất ruộng mà thắng lại 'mất mùa'- Ảnh 1.

Ruộng lúa bị cháy vàng

K.HOAN

Trước đó, vào cuối tháng 4, ông Đường ra thăm ruộng thì phát hiện số diện tích lúa kể trên bị khô bông, lá bị cháy vàng, thối rễ bất thường. Trong khi đó, các thửa ruộng khác cùng cánh đồng không có hiện tượng này. Nghi bị kẻ xấu đổ hóa chất phá hoại ruộng lúa, ông Đường đã làm đơn trình báo công an.

Đây là thửa ruộng ông Đường mượn của người hàng xóm là ông Nguyễn Như Sỹ (75 tuổi) để canh tác. Thửa ruộng này từng bị kẻ xấu cắm chông sắt xuống ruộng sau khi tòa án tuyên ông Sỹ thắng kiện đòi lại được. Sau vụ cắm chông này, gia đình ông Sỹ rất lo lắng, từng bỏ hoang không dám canh tác. Tiếc mảnh ruộng màu mỡ, ông Đường mượn canh tác, nhưng ngay vụ đầu tiên thì gặp chuyện.

Đòi được ruộng nhưng không dám canh tác

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, năm 1994, gia đình ông Nguyễn Như Sỹ được Nhà nước cấp 4 thửa ruộng 2 lúa có tổng diện tích gần 1.700 m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997. Đến năm 2001, ông Sỹ chuyển đến vùng núi cũng thuộc xã Hạnh Lâm để làm kinh tế mới và cho 2 người hàng xóm là ông Lê Đình Khang mượn 2 sào đất (500 m2/sào) và bà Mai Thị Lương mượn 1 sào đất ruộng để sản xuất. Mỗi sào đất mượn, hai gia đình này trả cho ông Sỹ 30.000 đồng, thời hạn mượn là 10 năm. Việc cho mượn chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ.

Nỗi khổ thua thì mất ruộng mà thắng lại 'mất mùa'- Ảnh 2.

Chông sắt được phát hiện cắm xuống bùn sâu dưới thửa ruộng của gia đình ông Sỹ

CTV

Đến năm 2012 - 2014, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, 4 thửa ruộng của ông Sỹ đã được đổi thành 1 thửa ở vị trí khác, cũng với diện tích gần 1.700 m2 và đã được UBND H.Thanh Chương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2017, mục đích sử dụng trồng lúa nước. Sau đó, ông Sỹ gặp gia đình ông Lê Đình Khang và bà Mai Thị Lương để yêu cầu trả lại đất, nhưng không thành. Ông Sỹ làm đơn gửi chính quyền địa phương, UBND xã Hạnh Lâm nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không có kết quả. Ông Sỹ buộc phải làm đơn khởi kiện lên TAND H.Thanh Chương.

Năm 2022, TAND H.Thanh Chương đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, ông Lê Đình Khang cho rằng vợ chồng ông đã mua 2 sào ruộng của ông Sỹ với giá 600.000 đồng vào năm 2001 nhưng không có giấy tờ, không người chứng kiến. Tương tự, bà Mai Thị Lương cũng cho rằng thửa ruộng đó được chồng bà mua của ông Sỹ với giá 6,5 triệu đồng, nhưng cũng không có giấy tờ chứng minh. 

Tòa cho rằng, quá trình xác minh và ý kiến của các nguyên đơn, bị đơn tại phiên tòa cho thấy vợ chồng ông Sỹ chưa làm thủ tục chuyển nhượng hay cho, tặng bất kỳ ai thửa ruộng này. Ngoài ra, các bị đơn không có chứng cứ nào cho thấy đã mua đất, việc mua bán chỉ trao đổi bằng miệng, không có giấy tờ, chứng cứ. Vì vậy, tòa tuyên buộc 2 gia đình ông Khang và bà Lương phải trả lại thửa ruộng gần 1.700 m2 cho gia đình ông Sỹ.

Bản án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6.7.2022. Dù vậy, 2 gia đình mượn đất vẫn không chịu trả, buộc ông Sỹ phải nhiều lần viết đơn khiếu nại đề nghị cơ quan thi hành án giải quyết. Ngày 30.12.2022, Chi cục Thi hành án dân sự H.Thanh Chương cùng đại diện chính quyền xã Hạnh Lâm lập đoàn cưỡng chế trả lại quyền sử dụng thửa ruộng cho gia đình ông Sỹ. Gia đình bà Lương đã đồng ý trả lại cho ông Sỹ, trong khi đó đại diện gia đình ông Khang không ký vào biên bản.

Khi gia đình ông Sỹ ra thửa ruộng trên để làm đất canh tác thì phát hiện dưới ruộng có nhiều chiếc chông sắt. Ông Sỹ phải kêu cứu chính quyền và đề nghị cơ quan chức năng điều tra kẻ đã cắm chông xuống ruộng của gia đình ông. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 11 cái chông sắt đầu nhọn được cắm chìm dưới ruộng, nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Lo mất an toàn, ông Sỹ phải bỏ hoang thửa ruộng này từ năm 2023, không dám canh tác.

"Đây là đất bờ xôi ruộng mật, gia đình tôi rất muốn sản xuất nhưng không dám vì công an chưa tìm ra kẻ cắm chông nên rất sợ nguy hiểm", ông Sỹ nói. Thửa ruộng sau đó được ông Sỹ cho ông Đường mượn để canh tác và cũng bị phá hoại ngay vụ lúa đầu năm nay. Hai ông mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc để được yên tâm sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.