Nỗi lo toàn cầu từ 'chảo lửa' Gaza

17/10/2023 06:25 GMT+7

Cuộc xung đột Hamas - Israel không chỉ đang rất căng thẳng xung quanh Dải Gaza mà gây lo ngại sẽ lan rộng dẫn đến những hậu quả lớn cho toàn thế giới.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình được Đài CBS phát vào hôm qua (16.10), Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá nếu Israel chiếm đóng Dải Gaza thì sẽ là một "sai lầm lớn". Ông cho rằng: "Những gì đã xảy ra ở Gaza, theo quan điểm của tôi, là Hamas và các phần tử cực đoan của Hamas không đại diện cho tất cả người dân Palestine". Qua đó, ông khẳng định nên loại bỏ hoàn toàn Hamas.

Nỗi lo toàn cầu từ 'chảo lửa' Gaza - Ảnh 1.

Hiện trường một vụ tấn công của Israel vào Dải Gaza ngày 15.10

Reuters

Khả năng "đổ bộ" Dải Gaza

Đề cập việc "loại bỏ hoàn toàn" Hamas có thể được hiểu Washington đồng ý với Tel Aviv về việc tấn công tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza, vì ai cũng hiểu nếu không tiến vào Gaza thì Israel khó có thể triệt hạ toàn bộ Hamas. Thực tế, phía Bộ Quốc phòng tiết lộ sẽ có cuộc tấn công trên bộ, trên không và trên biển để loại bỏ Hamas, dù không tiết lộ thời điểm cụ thể.

Nhận định khi trả lời Thanh Niên, vị chuyên gia, là cựu sĩ quan cấp cao của tình báo quốc phòng Mỹ và từng đứng đầu một đầu một đơn vị tình báo quân sự của NATO ở châu Âu, đã đưa ra kịch bản tấn công của Israel vào Dải Gaza. Theo ông, Israel sẽ sớm tấn công trực diện vào Gaza trong một vài ngày tới, để tiêu diệt Hamas sau khi tiến hành những cuộc tấn công nhỏ nhằm thăm dò khả năng phòng thủ của Hamas gần đây.

Cụ thể, ông đánh giá sẽ có 3 trục tấn công chủ đạo của Israel. Về hải quân, Israel có thể tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ từ phía tây, đổ bộ trực diện vào khu vực quanh cảng Gaza từ phía Địa Trung Hải. Kèm theo đó là các trục tấn công từ phía tây và phía bắc. Cả 3 trục này đều nằm ở khu vực phía bắc Dải Gaza nên Israel đang khuyến cáo người dân Palestine di tản về phía nam Dải Gaza.

Vị cựu sĩ quan tình báo quân sự trên cũng đánh giá trục tấn công phía bắc sẽ gặp khó khăn nhất vì ở đây có hệ thống đường hầm, giao thông hào phức tạp mà Hamas đã thiết lập. Quá trình tấn công ở đây có thể gặp nhiều khó khăn do đô thị chật hẹp với nhiều đường hầm khiến cho xe tăng và xe bọc thép của Israel khó xoay trở. Trong khi đó, trục tấn công trên bộ từ phía đông sẽ ở quy mô lớn hơn và thuận lợi hơn.

Nỗi lo toàn cầu

Trong khi, chiến dịch quân sự của Israel vào Dải Gaza chỉ là vấn đề thời gian thì dư luận càng lo ngại khả năng chiến sự lan rộng, bởi lực lượng Hezbollah từ Li Băng cũng như các lực lượng vũ trang có quan hệ với Iran và một số bên có thể "động thủ" để hỗ trợ Hamas. Đài CBS dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột có thể lan rộng và ẩn ý đến tác động từ phía Iran.

Nỗi lo toàn cầu từ 'chảo lửa' Gaza - Ảnh 2.

Sơ lược tình hình xung đột Hamas - Israel ngày 16.10

Tổng hợp

Trong khi đó, tờ The Guardian cũng dẫn lời Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian úp mở về khả năng đó khi cảnh báo rằng nếu Israel tiếp tục tăng cường tấn công quân sự thì "Iran có thể không tiếp tục là quan sát viên".

Thực tế, sau khi điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald Ford đến Địa Trung Hải, Mỹ được cho là sắp bổ sung thêm nhóm tác chiến tàu sân bay thứ 2 đến đây. Việc triển khai cùng lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực này được cho là thông điệp của Washington nhằm răn đe các bên không được can dự vào xung đột hiện tại giữa Hamas với Israel.

Đây được xem là cách vừa hỗ trợ Israel vừa răn đe một số bên. Cụ thể, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: "Mọi nỗ lực đang được thực hiện để ngăn chặn nguy cơ lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực". Phát biểu tại Ai Cập vào ngày 15.10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết việc triển khai hai nhóm tấn công tàu sân bay "không phải để khiêu khích bất kỳ ai mà chỉ để gửi một thông điệp răn đe rất rõ ràng rằng không ai được làm bất cứ điều gì có thể mở rộng cuộc xung đột này dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc một bên nào gây hấn tấn công Israel".

Về rủi ro đối với thế giới xung quanh liên quan xung đột Hamas - Israel, Bloomberg đưa ra 3 kịch bản. Thứ nhất, xung đột Hamas - Israel không lan rộng thì tác động đối với giá dầu và nền kinh tế toàn cầu sẽ không đáng kể.

Thứ hai, nếu xung đột lan sang Li Băng và Syria thì có thể sẽ biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel và tổn thất kinh tế sẽ tăng lên. Khi đó, giá dầu có thể tăng 10% lên khoảng 94 USD/thùng và xa hơn là làm giảm mức tăng trưởng toàn cầu khoảng 0,3 điểm phần trăm. 

Kịch bản thứ ba là đáng lo nhất nếu xung đột bùng phát thành cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Israel với Iran. Nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu có thể lên tới 150 USD/thùng, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 1 điểm phần trăm so với kỳ vọng trong năm 2023 và 1,7 điểm phần trăm vào năm 2024. 

Tổng thống Palestine tuyên bố Hamas không đại diện người Palestine

Hãng tin AFP ngày 16.10 dẫn lời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, khi điện đàm với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, nhấn mạnh các chính sách và hành động của Hamas "không đại diện cho người Palestine". Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine, theo ông Abbas. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Venezuela, 2 nhà lãnh đạo thảo luận "tình hình khủng khiếp" ở Dải Gaza sau "những cuộc tấn công không phân biệt" của Israel. Ông Maduro tái khẳng định sự ủng hộ vô điều kiện của Venezuela "vì chính nghĩa và chính quyền Palestine" và đề nghị gửi 30 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine trong vài ngày tới.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói rằng lực lượng Hamas "không đại diện cho toàn thể nhân dân Palestine".

Khánh An

Hơn 1 triệu người rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza

Hơn 1 triệu người đã rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza, giữa cảnh hỗn loạn và tuyệt vọng khi Israel không kích vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát và tiếp tục dồn quân chuẩn bị tấn công trên bộ. Theo quân đội Israel, khoảng 1,1 triệu người Palestine ở phía bắc đã di chuyển xuống phía nam Dải Gaza.

"Không điện, không nước, không internet. Tôi thấy mình như đang mất đi bản chất của một con người", theo AFP dẫn lời ông Mona Abdel Hamid (55 tuổi), người rời TP.Gaza để đến TP.Rafah ở phía nam.

Liên quan tình hình con tin, quân đội Israel ngày 16.10 cho rằng lực lượng Hamas đang giữ 199 người ở Dải Gaza. Các con tin bị bắt giữ hôm 7.10 khi các tay súng Hamas bất ngờ đột nhập vào Israel trong cuộc tấn công bất ngờ khiến hơn 1.300 người Israel thiệt mạng. Theo tờ The Wall Street Journal đăng tin ngày 16.10, hàng chục nước vẫn đang tìm cách xác định những con tin bị Hamas bắt giữ. Mỹ và một số đồng minh đang đề nghị Qatar tận dụng những mối liên hệ với Hamas, nhằm xác định danh tính và tình trạng của các con tin, được cho là thuộc khoảng 30 quốc gia. Các nhà ngoại giao và quan chức tình báo tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận được vô số lời đề nghị giúp đỡ từ chính phủ các nước, trong đó có cả những nước ở châu Mỹ Latin. Lãnh đạo các nước châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thực hiện các cuộc gọi tương tự đến Ai Cập.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.