Nối nghiệp gia đình: Ông chủ trẻ gầy dựng lại quán khổ qua cà ớt

24/08/2023 08:00 GMT+7

Anh Ôn Vĩnh An chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành chủ tiệm ăn uống, cho đến khi mẹ vỡ nợ, anh và bà ngoại thay mẹ bán khổ qua cà ớt chăm lo cho gia đình.

Chủ tiệm bất đắc dĩ

Chủ quán là anh Ôn Vĩnh An (33 tuổi, đường Phùng Hưng, Q.5, TP.HCM), có dáng người cao, da trắng, miệng luôn tươi cười chào mời, đon đả hỏi khách ăn món gì, còn đôi tay thì thoăn thoắt lấy đồ ăn, chiên sủi cảo. Phụ giúp anh An còn có 3 người em bà con, quán nhỏ nhưng ai cũng hoạt động hết công suất, hết khách tính tiền tới khách gọi món.

Tranh thủ lúc vãn khách, anh An lau mồ hôi rồi mở lời: "Buôn bán hơi cực nhưng vui lắm. Bữa nào khách đông là mừng, còn trời mưa gió hơi oải, mình dọn hàng ra vô mệt, mà khách cũng ngại đi ăn nữa, mấy hôm đó anh bán chậm lắm".

Nói xong, anh An cười mỉm rồi tâm sự ước mơ ngày nhỏ là trở thành hướng dẫn viên du lịch, được đi chơi đây đó, hoặc làm phiên dịch viên tiếng Trung. Xong cuối cùng chọn gắn bó với nghề bán khổ qua cà ớt hơn 10 năm nay.

Nối nghiệp gia đình: Ông chủ trẻ gầy dựng lại quán  khổ qua cà ớt nổi tiếng - Ảnh 1.

Anh Ôn Vĩnh An (33 tuổi), nhận lại hàng khổ qua cà ớt từ mẹ và bà ngoại

HUỲNH NHI

Trong ký ức của chàng trai người Hoa, món khổ qua cà ớt có mặt trong mâm cơm hằng ngày của gia đình và gắn liền với những ngày mưu sinh tần tảo của mẹ.

Khi anh 14 tuổi, mẹ vỡ nợ và không thể tiếp tục bán quán. Bà ngoại hơn 60 tuổi nhận lại quán khổ qua cà ớt, 2 bà cháu bán hàng mỗi chiều để có tiền chăm lo cho gia đình.

Nhưng theo anh An, bà ngoại nấu không ngon bằng mẹ nên 2 người luôn nỗ lực cải thiện món ăn. Mấy năm trôi qua, quán dần có người ủng hộ nhưng số lượng vẫn ít, ngày nào bà cháu cũng nấu thật nhiều rồi… ế khách.

"Thấy cảnh đó, anh không nản mà quyết định sẽ theo nghề này, vì đây là nghề chân chính, có thể kiếm được tiền và sống được. Nhưng mình phải nấu thật ngon để khách tới quán chờ mình làm đồ ăn thay vì mình phải chờ họ", anh An chia sẻ.

NGÀY BÁN TRĂM TÔ

Để làm món khổ qua cà ớt ngon, anh dùng các loại rau củ, như: khổ qua, cà chua, ớt, cà tím, đậu hũ khoét ruột, nhồi chả cá và chiên sơ. Nước dùng được ninh từ sườn non heo trong nhiều giờ có vị ngọt thanh.

Nối nghiệp gia đình: Ông chủ trẻ gầy dựng lại quán  khổ qua cà ớt nổi tiếng - Ảnh 2.

Quầy hàng hấp dẫn với món ăn đa dạng

Một tô khổ qua cà ớt đầy ụ, chan nước dùng nóng hổi, thêm hành tiêu thơm lựng nhưng thiếu nước chấm ngon. Anh An nghĩ cách tạo ra sốt tương ngọt, trộn sa tế để khách chấm rau củ, đồng thời học cách trộn mì tương ăn kèm. Ngoài ra, quán còn bán những món ăn đặc trưng của người Hoa như: cảo chiên, hoành thánh lá sườn sụn, bánh bột, xôi mặn… với giá từ 20.000 - 55.000 đồng/phần.

Những lần đi chơi ở nước ngoài, anh An học thêm cách nấu mì sườn heo để bổ sung vào thực đơn quán. Theo anh, món ăn có cách nấu như bò kho của Việt Nam nhưng biến tấu một chút về gia vị, nên có mùi thơm lạ, ăn kèm mì tươi hay hủ tiếu đều ngon.

Xe đồ ăn của anh An trưng bày bắt mắt, hấp dẫn với sắc đỏ của ớt, cà chua, xanh của khổ qua và mùi thơm của nước xương hầm quyện với gia vị sực nức. Anh An quyết định đặt cho quán cái tên dí dỏm là Khổ Qua Cà Chớn để phân biệt với những quán ăn trong khu vực, vừa tạo ấn tượng cho khách.

Mạng xã hội phát triển, quán ăn nhỏ của anh được nhiều người biết tới và trở nên nổi tiếng hơn. Trước dịch Covid-19, mỗi ngày anh An bán 500 phần ăn, còn hiện số lượng giảm xuống khoảng 300 phần, nhưng khách vẫn đến đều đặn.

Anh đặt cho quán 3 nguyên tắc để giữ chân khách hàng: đồ ăn ngon, giá tiền vừa phải và thái độ phục vụ tốt.

"Có 3 điều đó thì quán mới trụ lâu được. Còn những yếu tố khác như vệ sinh, khách góp ý mình sẽ cải thiện được. Anh tâm niệm mình phải đối xử thật tốt với khách, người ta mua giúp mình có thu nhập thì phải biết trân trọng. Tuyệt đối không bao giờ có thái độ khinh rẻ khách vì họ mua chứ không phải xin của mình", anh An nói.

Cô Bùi Xuân Hạnh, ngụ Q.5, TP.HCM, là khách quen của tiệm nhiều năm nay. Mỗi tuần, cô Hạnh ghé quán khổ qua cà ớt của anh An hơn 2 lần. Cô chia sẻ: "Ở chợ Phùng Hưng có 2, 3 tiệm bán món này, nhưng tôi thích ghé ăn ở đây hơn. Thích nhất là chủ tiệm, lúc nào cũng niềm nở, hiếu khách, dễ thương nên tôi ủng hộ".

Anh An nói mình rất quý trọng công việc hiện tại vì có thu nhập nuôi sống gia đình và thực hiện được những điều mình yêu thích. Lúc nào rảnh, anh cùng bạn đi du lịch nước ngoài, khám phá văn hóa, ẩm thực của nhiều quốc gia, sau đó về tìm cách sáng tạo món mới ở tiệm.

Khi thực khách thích món ăn anh nấu, đó là niềm vui lớn của người đứng bếp. Ngoài ra, được gìn giữ và lan tỏa những món ăn quen thuộc của người Hoa đến mọi người cũng là động lực để anh phấn đấu phát triển quán mỗi ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.