Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận:

Nóng phiên chất vấn với 'chậm xử lý tin tố giác tội phạm, án dân sự kéo dài...'

Quế Hà
Quế Hà
07/12/2023 16:45 GMT+7

Sáng nay (7.12), kỳ họp thứ 19 khóa XI của HĐND tỉnh Bình Thuận bước vào ngày làm việc thứ 2 với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh và Chánh án TAND tỉnh.

'Công suất làm việc của điều tra viên ở Công an tỉnh Bình Thuận là 300%'

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh, đại biểu HĐND chất vấn việc xử lý nguồn tin tố giác tội phạm của cơ quan điều tra còn kéo dài có ảnh hưởng gì đến công tác an ninh trật tự và điều tra tội phạm tại địa phương.

Đại tá Lê Quang Nhân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận "đăng đàn" cho biết, năm 2023 là một năm "bốn không" ở Bình Thuận: không bị động, không bất ngờ, không ổ nhóm tội phạm và không có tổ chức chống đối. Công an Bình Thuận được xếp thứ 2 trong cụm thi đua của Bộ Công an.

Cũng theo đại tá Lê Quang Nhân, việc xử lý đơn thư, tin tố giác tội phạm hiện nay được giao về đến công an xã. Toàn tỉnh hiện nay chỉ có 253 điều tra viên, trong đó cấp tỉnh có 61 điều tra viên, cấp xã mới có 32 điều tra viên. Năm qua, Công an Bình Thuận xử lý gần 3.000 tin báo tố giác tội phạm (cả cấp huyện) đạt tỷ lệ trên 91,23%; kết thúc điều tra 1.744 vụ án.

Giám đốc Công an và Chánh án tỉnh làm nóng phiên chất vấn HĐND tỉnh Bình Thuận - Ảnh 1.

Đại tá Lê Quang Nhân, Giám đốc Công an Bình Thuận, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Thuận sáng 7.12

Q.H.

Trả lời có hay không, có bao nhiêu vụ xử lý chậm tin tố giác tội phạm dẫn đến hết thời hiệu điều tra, đại tá Lê Quang Nhân cho biết: "Công suất làm việc của các điều tra viên ở Công an Bình Thuận là 300%, ở cấp huyện là 150%; bình quân mỗi điều tra viên xử lý 9 vụ án và 13 tin báo. Do vậy, việc để kéo dài tin báo là có, nhất là đối với công an cấp xã vì mới được giao nhiệm vụ này".

Để khắc phục điều này, đại tá Nhân cho rằng, trong hoạt động điều tra tội phạm, việc xử lý tin tố giác rất quan trọng, nếu không làm tốt nó sẽ xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm. Do vậy, Công an tỉnh Bình Thuận đặc biệt chú trọng chỉ đạo hoạt động này.

Về nguyên nhân kéo dài xử lý tin báo tố giác tội phạm, đại tá Nhân cho rằng hiện nay đội ngũ điều tra viên bị quá tải công việc. Công an tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng công tác này như tăng cường học tập nghiệp vụ, phân công, phân nhiệm công việc cụ thể, sắp xếp lại tổ chức để đưa công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm đúng các quy định của pháp luật.

Về các vụ án, vụ việc cụ thể mà đại biểu chất vấn, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ trả lời đại biểu bằng văn bản sau kỳ họp.

Giám đốc Công an và Chánh án tỉnh làm nóng phiên chất vấn HĐND tỉnh Bình Thuận - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường

QUẾ HÀ

Vì sao án dân sự xét xử chậm, kéo dài ?

Trả lời chất vấn của đại biểu vì sao án dân sự xét xử ở cả 2 cấp tòa đều chậm, kéo dài, có nhiều vụ án từ trước năm 2020 đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc xét xử án dân sự tại TAND 2 cấp đạt 77%. "Đạt chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng không đạt chỉ tiêu của TAND tối cao giao", ông Thanh báo cáo.

Giám đốc Công an và Chánh án tỉnh làm nóng phiên chất vấn HĐND tỉnh Bình Thuận - Ảnh 3.

Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Thanh trả lời chất vấn tại hội trường

Q.H

Nguyên nhân tồn nhiều án dân sự, theo Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận là do quá tải. Theo ông Thanh, năm 2013, tòa án tỉnh có 197 nhân sự, sau 10 năm, tức năm 2023 chỉ tăng thêm 1 biên chế là 198 người nhưng tăng lên 6.000 vụ việc. Do áp lực công việc, năm 2022 đã có 6 nhân sự nghỉ việc, trong đó có 3 thẩm phán.

Theo ông Thanh, ngoài xử lý án dân sự, các thẩm phán còn phải xử lý án hành chính, việc hòa giải, quyết định đưa đi cải tạo, hoạt động đặc xá và nhiều việc khác nữa, chứ không chỉ có án dân sự.

Về nguyên nhân để án dân sự kéo dài (hiện còn 291 vụ án dân sự từ trước ngày 30.12.2020 chưa xét xử được), ông Thanh cho biết, số vụ án dân sự kéo dài chủ yếu liên quan đến thừa kế, chia tài sản trong khi đó nhân sự lại ở nước ngoài.

"Bên cạnh đó là nguyên nhân do các thẩm phán thiếu quyết tâm, chưa nỗ lực trong công tác chuyên môn. Hiện nay tòa 2 cấp đã lên kế hoạch xét xử 46 vụ án dân sự trong số án tồn đọng từ trước ngày 30.12.2020", ông Thanh nói thêm.

Đại biểu Dương Xuân Sơn (Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận) cũng chia sẻ với Chánh án TAND tỉnh về những tồn tại của ngành tòa án. Ông Dương Xuân Sơn cho biết, trong các nguyên nhân, có cả việc thẩm phán sợ sai, sẽ bị xem xét không tái bổ nhiệm thẩm phán. Đây cũng là nguyên nhân tạo áp lực cho công chức ngành tòa án khiến án dân sự bị kéo dài.

Giám đốc Công an và Chánh án tỉnh làm nóng phiên chất vấn HĐND tỉnh Bình Thuận - Ảnh 4.

Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI

Q.H.

Để giảm thiểu tình trạng này, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Thanh cho biết, quy định của TAND tối cao đối với việc này rất nghiêm ngặt. Do sai lầm của thẩm phán trong đánh giá chứng cứ, bỏ sót người tham gia tố tụng... dẫn đến quyết định sai của thẩm phán. "Nếu để xảy ra việc này, trước tiên thẩm phán đó sẽ phải giải trình, kiểm điểm, cao hơn nữa sẽ bị xử lý kỷ luật", ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, năm 2024, TAND tỉnh sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về các tòa huyện kiểm tra các hoạt động xét xử, góp phần chấn chỉnh hoạt động này, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị TAND tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ đối với công chức ngành tòa án; đặc biệt đối với đội ngũ thẩm phán, không để xảy ra sai phạm trong việc xét xử án dân sự. Đảm bảo việc công khai minh bạch các hoạt động của TAND các cấp, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Công an tỉnh nâng cao chất lượng đối với các hoạt động xử lý nguồn tin tố giác tội phạm, nhằm nâng cao hoạt động điều tra, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.