img
NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 1.

Cơ duyên nào đưa đẩy bà đến con đường nghệ thuật truyền thống cung đình Huế?

Ba tôi, chị gái đầu, anh thứ hai, 2 chị dâu đều làm ngành y. Một số anh chị em khác thì theo nghề giáo. Nghề ca múa đến với tôi là nhờ người chị gái trước tôi truyền cảm hứng. Hồi đó, chị gái tôi vào nghề trước. Tình cờ, một lần vào Đại nội chơi, tôi gặp các nghệ sĩ đang tập múa hát rồi mê mẩn luôn từ đó. Lúc này, tôi đã học thanh nhạc nhưng vì sở thích không chỉ muốn ca mà còn múa. Được nghệ sĩ La Cẩm Vân, Phó đoàn nghệ thuật truyền thống Huế (tiền thân Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), nhận định có năng khiếu, tiếp thu nhanh, tôi được tuyển dụng ngay và được trả lương 45.000 đồng/tháng. Mừng lắm!

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 2.

Khi diễn tuồng, NSND Bạch Hạc cất công tìm hiểu về tiểu sử, những lát cắt số phận để hóa thân vào nhân vật

TƯ LIỆU

Mất bao lâu thì bà được đảm trách những vai chính?

Quá trình đi lưu diễn, tôi được học hỏi rất nhiều. Ban đầu, tôi được vào vai lính, tì nữ… Đi theo và chứng kiến những vở tuồng Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương…, tôi biết mình thật sự đam mê. Những vở tuồng dân gian cuốn hút và bắt tôi đi theo. Đến khi các chị lớn tuổi, lấy chồng, sinh con, nhờ sự phấn đấu mà tôi được đánh giá cao và cho vào những vai chính để thay thế dần các chị. Năm 1983 vào đoàn để học việc thì 2 năm sau tôi đã được vào vai chính.

Hồi đó, nghệ sĩ Thanh Long diễn cặp với tôi. Hai anh em cố gắng "cày" vì không thể do mình ốm mà cả đoàn phải đói. Vì thế, càng cố gắng diễn để có nguồn thu cho đoàn. Tôi được tổ nghề nhồi cho rất nhiều và đã có những giây phút thăng hoa, huy hoàng với nghề.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 3.

Bà tâm đắc nhất vai diễn nào?

Hồi trước, tôi diễn tuồng và đóng các vai Cúc Hoa, vai Tấn Lực, Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa, từng đóng Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh Châu Tuấn, vai Xuân Nương trong vở Lâm Sanh Xuân Nương. Trong mỗi vở tuồng, tôi có thể đóng 2 - 3 vai. Có lẽ vì thế mà tôi rất thích nhiều vai diễn.

Từ năm 1985 - 1990, tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa tham gia hội diễn nên tôi đi diễn để tăng nguồn thu là chủ yếu. Năm 1990 trở đi, nghệ sĩ được tham gia các hội diễn. Tôi đã nỗ lực để vào vai trong các vở tuồng lịch sử, dân gian và cả tuồng hiện đại. Tôi đã vào vai Tịnh Tâm trong vở tuồng hiện đại Cha con người hát rong; Ngọc Bảo trong vở Chim bằng trong bão tố; Nàng Công chúa Antigone…; vở Sóng ngầm trong phủ chúa; tham gia nhiều vai trong các vở tuồng lịch sử như: tướng quân Bùi Viện, danh nhân Đặng Huy Trứ, chí sĩ Trần Cao Vân, vua Thành Thái, vua Duy Tân…

Từ trẻ, dù vào vai tuồng nào, NSND Bạch Hạc cũng cháy hết mình khi lên sân khấu

TƯ LIỆU

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 5.

Vậy tuồng và ca múa cung đình, bà đam mê môn nào hơn?

Ca múa cung đình là một cái duyên và tôi cũng rất đam mê. Ca múa cung đình và tuồng cung đình có những cái cơ bản giống nhau. Nếu ca múa cung đình giỏi, bộ đẹp thì qua tuồng sẽ múa, bộ đẹp. Sau khi nhã nhạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, múa hát cung đình cũng lên ngôi vì nó song song với nhau và được ra nước ngoài biểu diễn rất nhiều.

Từng biểu diễn cho Nhật hoàng xem, có phải vai lân nhi do bà đảm trách trong Lân mẫu xuất lân nhi (lân mẹ sinh lân con) là vai gây ấn tượng nhất?

Khi vào nghề, vai lân nhi là vai diễn đầu tiên của tôi. Cuối năm 2007, trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm chính thức Nhật Bản, đoàn nghệ sĩ nhà hát đã được ưu tiên vào Hoàng cung Nhật Bản biểu diễn. Sau khi biểu diễn nhã nhạc xong, đoàn tiếp tục trình diễn điệu múa đặc trưng Lân mẫu xuất lân nhi.

Buổi diễn kết thúc, Nhật hoàng cùng hoàng tộc có mặt đã vỗ tay tán thưởng rất lâu. Chính Nhật hoàng Akihito đã đến gặp và bắt tay tôi. Sau này tôi mới biết, lần đầu tiên có một nghệ sĩ nước ngoài được Nhật hoàng bắt tay như vậy, thật sự tôi rất xúc động.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 6.

Khi biểu diễn ca múa cung đình Huế cho Nhật hoàng, một vị vua yêu và am hiểu văn hóa truyền thống, bà có bị áp lực?

Năm đó sang Nhật, nhà hát có 9 thành viên là cựu trào. Chúng tôi cố gắng hết sức để biểu diễn. Sứ mệnh của người nghệ sĩ là thông qua những động tác của mình để chuyển tải những thông điệp, để khán giả hiểu văn hóa VN hơn. Nghệ sĩ cung đình không cho phép diễn hời hợt mà phải cố gắng hết sức trong từng tiết mục.

Khi mình đã ra sức thì không lo không có thành quả. Chúng tôi được giới hoàng tộc đón nhận nhiệt tình. Các tiết mục cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Nhật Bản.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 7.

Nghệ sĩ Bạch Hạc biểu diễn ca múa cung đình Huế trên đất Nhật Bản vào năm 2007

TƯ LIỆU

Đón Nhật hoàng và hoàng hậu đến Đại nội Huế và xem biểu diễn ngay tại Duyệt Thị Đường vào năm 2019, điều gì khiến bà nhớ nhất?

Năm 2007, khi qua Hoàng cung Nhật Bản biểu diễn, tôi là một diễn viên. Năm 2019, trong vai trò là giám đốc nhà hát, tôi được phái đoàn Nhật hoàng yêu cầu đón ngài vào Đại nội từ Ngọ Môn. Đó là một sự vinh dự hết sức lớn lao vì không phải nghệ sĩ nào cũng được chọn.

Khi xem xong các tiết mục, Nhật hoàng hỏi mấy câu về việc truyền bá nghệ thuật cung đình Huế cho thế hệ trẻ, các nước có mời đoàn đi biểu diễn sau chuyến biểu diễn tại Nhật vào năm 2007 hay không. Nhớ nhất là câu động viên của Nhật hoàng, rằng: cố gắng gìn giữ mãi mãi nghệ thuật cung đình Huế.

Nhã nhạc cũng như ca múa cung đình thường xuyên ra các nước trên thế giới để biểu diễn. Mỗi lần như thế, bà giới thiệu tiết mục gì?

Tôi chọn những tác phẩm đặc sắc và mang tính chính gốc trong nghệ thuật cung đình Huế để chuyển tải được những tinh hoa nghệ thuật Việt đến nước bạn. Mình không thể mang nghệ thuật dân gian để biểu diễn vì sẽ không tạo được dấu ấn. Nhã nhạc thì bài bản, múa cung đình phải mang múa Lân mẫu xuất lân nhi, múa Trình tường tập khánh, múa Lục cúng hoa đăng… để gây ấn tượng cho khách nước sở tại.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 8.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 9.

Bà đã phục dựng bao nhiêu bài múa cung đình?

Tôi đã học rất bài bản về các điệu múa cung đình với 2 mảng, gồm múa tế lễ và múa chúc tụng. Qua nghiên cứu, tôi đã phục dựng Lục triệt hoa mã đăng - một trong những vũ khúc thuộc múa chúc tụng đã thất truyền. Sau khi tập dượt, chúng tôi cũng đã bổ sung và nâng cao để biểu diễn.

Ngoài ra, còn có điệu múa Bát tiên hiến thọ đã mất rất lâu. Sau khi tôi lên làm giám đốc nhà hát đã cùng các anh chị em nghệ sĩ nghiên cứu để phục dựng, làm lại hồ sơ cho điệu múa. Từ đó, điệu múa đã xuất hiện trở lại và được nâng cao để phục vụ du khách thưởng lãm trong các kỳ Festival Huế.

Ở thời đại này, chúng tôi cố gắng gìn giữ những điệu múa cổ để phục vụ công tác ngoại giao, còn điệu múa nào có thể thì nâng cao để phục vụ biểu diễn du khách, cốt làm sao để đưa nghệ thuật cung đình gần gũi hơn, dễ hiểu hơn và sinh động hơn.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 10.

Vai diễn lân nhi vốn mang lại thành công cho NSND Bạch Hạc được chuyển cho lớp trẻ biểu diễn

HOÀNG SƠN

Quá trình điền dã, nghiên cứu để bảo tồn ca múa cung đình, hẳn bà đã gặp nhiều khó khăn?

Những lão nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng cổ và múa hát cung đình còn sống là những "bảo tàng sống". Tiếp xúc những nghệ nhân già, tôi nhận thấy họ rất khó tính, bởi họ tâm niệm đó là nghề sống để bụng, chết mang theo. Chúng tôi phải làm đủ cách, vừa thuyết phục vừa bồi dưỡng thích đáng để họ truyền lại các điệu múa, thu thập thông tin để làm hồ sơ. Có những chuyến điền dã khổ sở vô cùng, nhiều khi đi về các vùng nông thôn các tỉnh lân cận, trời thì mưa tầm tã mà xe thì hư…

Có những nghiên cứu, tôi định bỏ dở. Nhưng nghĩ lại những người như mình và thế hệ nghệ sĩ hiện nay của nhà hát không bước qua được lòng tự ái để làm hồ sơ các điệu múa thì không ai làm được, thế rồi lại tiếp tục nghiên cứu để bảo tồn.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 11.

Trong gìn giữ và phát huy tuồng cung đình Huế, bà kỳ vọng gì vào lớp nghệ sĩ trẻ?

Điều đáng mừng là nhà hát có những lớp trẻ yêu nghề, cố gắng theo kịp những anh chị đi trước. Dù vậy, nếu không có sự quan tâm của các cấp, các ngành để nghệ sĩ có lương bổng một cách hợp lý thì dần dần mai một.

Nhiều người nói với tôi, đi diễn làm chi khi không ai coi, tập vở tuồng cực khổ lại không được mấy đồng... Tư tưởng của nhiều nghệ sĩ trẻ cũng bị phân tán giữa cuộc sống và làm nghề. Tôi sợ nếu không có chính sách thích hợp cho sân khấu truyền thống nói chung thì nay mai sẽ bị mai một.

NSND Bạch Hạc: Nghệ thuật cung đình không cho phép sự hời hợt - Ảnh 12.

Tiết mục ca múa cung đình Lân mẫu xuất lân nhi đang được biểu diễn tại Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế)

HOÀNG SƠN

Múa hát cung đình thì sao, bà có lo bị mai một?

Hằng ngày, chúng tôi vẫn biểu diễn múa hát cung đình tại các điểm di tích nên không lo sẽ bị mai một. Tại các lễ hội như Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình, Ngàn năm văn hiến, Văn hiến kinh kỳ, Đêm hoàng cung..., chúng tôi đã đưa âm nhạc, múa hát cung đình để phục vụ du khách. Tại chương trình Festival Huế, có những lễ hội riêng thành công là bởi mang âm hưởng của văn hóa cung đình, được các biên đạo trẻ nghiên cứu, biến tấu để diễn mà không bị nhàm chán, rập khuôn với một chương trình nào.

Xin cảm ơn bà!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.