Nữ sinh đùa giỡn khi tập chữa cháy: coi chừng rước họa vào thân

Tấn Đạt
Tấn Đạt
18/10/2023 18:20 GMT+7

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip nữ sinh vô tư đùa giỡn khi đang diễn tập chữa cháy, khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ.

Hãy bảo vệ bản thân, tôn trọng người dạy

Cụ thể, tại một trường THPT, các học sinh được tuyên truyền, tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) do các anh công an hướng dẫn trong tình huống bình gas đang bị rò rỉ và bắt lửa. Sau đó, một nữ sinh được lên thực hành, học cách dùng bình chữa cháy để dập lửa.

Screenshot (99).png

Nữ sinh xịt bình chữa cháy để tạo "hiệu ứng" gây phẫn nộ

CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, thay vì nghiêm túc thực hành thì nữ sinh này lại đùa giỡn với dáng đi yêu kiều, tay nhẹ nhàng cầm bình chữa cháy, thể hiện điệu bộ "sang chảnh". Không những thế, nữ sinh còn dùng bình chữa cháy xịt một vòng tạo "hiệu ứng" khiến cho khói bay mịt mù, rồi vẫy tay chào mọi người trong sự hò reo, phấn khích của các bạn có mặt tại đó.

Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhanh chóng nhận về những bình luận trái chiều, cho rằng nữ sinh đang thể hiện cá tính không đúng lúc và thiếu tôn trọng người hướng dẫn.

Nguyễn Thị Ngọc Minh (27 tuổi), ngụ tại chung cư KimDom 101, Q.10, TP.HCM cho hay đây là hành động gây hại cho bản thân cũng như mọi người xung quanh. "Đặc biệt là không tôn trọng các anh công an đã nhiệt tình hướng dẫn cách chữa cháy. Mình thật sự rất buồn khi một số người trẻ vẫn còn thái độ thờ ơ trong những buổi tập huấn, tuyên truyền về PCCC", Minh nói.

65451433_2343405079036391_1967752430737162240_n.jpg

Người trẻ học cách sử dụng bình chữa cháy để dập lửa

TẤN ĐẠT

"Thời gian qua, mình đã chủ động đi tập huấn, nghe tuyên truyền về PCCC ở địa phương, được các anh công an tận tình hướng dẫn bài bản. Với mình, hoạt động này giúp mỗi người tự ý thức hơn trong công tác PCCC, hạn chế lớn nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra khi cháy nổ", Minh chia sẻ thêm.

Đây là hành động sai, gây hại

Nói về vấn đề nữ sinh đùa giỡn khi tập chữa cháy mà người viết đề cập, anh Nguyễn Hồng Phát, công tác tại Đội cảnh sát PCCC Công an Q.10, TP.HCM, cho hay đây là hành động sai, dễ rước họa vào thân cũng như gây hại cho mọi người xung quanh.

Theo anh Phát, trong clip nữ sinh dùng bình chữa cháy dạng bột khô. Đây là thiết bị được cấu tạo bằng thép có khả năng chịu lực cao, bao gồm các chi tiết: vòi phun, đồng hồ đo áp suất và cụm van. Công dụng chống cháy, xử lý hỏa hoạn được sử dụng rất nhiều trong các gia đình, nhà xưởng, doanh nghiệp…

z4794412958431_02edf5448523001de14adff37f4c1796.jpg

Anh Phát (ngoài cùng bên trái) cùng với đồng nghiệp hướng dẫn học sinh PCCC

TẤN ĐẠT

"Xét về lý thuyết thì bột chữa cháy không gây hại cho sức khỏe nhưng cũng không phải là an toàn. Loại chất chữa cháy này nếu đi vào cơ thể sẽ gây ra hiện tượng khó thở, rất nguy hiểm đối với những ai bị hen suyễn và gây kích ứng cho người có làn da nhạy cảm", anh Phát nhấn mạnh.

"Còn loại bình chữa cháy dạng CO2 được nén với áp suất cao có nhiệt độ khí bên trong khoảng từ 78 đến 82 độ C nên khi xịt trúng da người hoặc mắt (ở khoảng cách gần và xịt liên tục trong 30 giây - PV) sẽ có nguy cơ bị bỏng lạnh rất cao", anh Phát nói.

"Không dùng bình chữa cháy dạng CO2 xịt vào những thiết bị điện tử đang nóng chảy, than các loại. Vì hành động này vô tình xảy ra phản ứng khử, khí CO cực độc được hình thành, nếu mọi người ngửi trong vòng 5 – 10 giây sẽ… chết lâm sàng", anh Phát cho biết.

357777639_291371553425591_1123202783138971148_n.jpg

Các chiến sĩ tích cực đi tuyên truyền, tập huấn người dân trong công tác PCCC

TẤN ĐẠT

Anh Phát đau lòng khi chứng kiến nhiều vụ cháy xảy ra liên tục trong thời gian gần đây, đặc biệt người tử vong đa số ở độ tuổi dưới 35. "Tôi cũng thường xuyên đi tập huấn PCCC ở các chung cư, doanh nghiệp, trường học… nhưng đa phần những cô, chú lớn tuổi dễ ghi nhớ và thực hành theo, còn các bạn trẻ thì khá thờ ơ", anh Phát chia sẻ.

"Tôi hy vọng những bạn trẻ hãy chủ động tìm hiểu, thực hành nhiều các bài tập về PCCC. Chủ động tránh những hành động là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn, cháy nổ như: Không dùng điện thoại trong lúc sạc hay nạp điện qua đêm, tránh tự ý sửa điện ở nhà, hãy đợi từ 25 – 30 phút mới sạc bình xe đạp điện sau khi đi học về…", anh Phát thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.