Núi lửa phun trào gây gián đoạn tín hiệu vệ tinh khắp nửa vòng trái đất

24/05/2023 14:06 GMT+7

Đợt phun trào núi lửa dữ dội trong lòng nam Thái Bình Dương thuộc quần đảo Tonga vào năm ngoái đã gây gián đoạn tín hiệu vệ tinh khắp nửa vòng trái đất, theo Đài Fox News hôm 23.5.

Núi lửa phun trào gây gián đoạn tín hiệu vệ tinh khắp nửa vòng trái đất - Ảnh 1.

Thời khắc núi lửa phun vào ngày 15.1.2022

NASA/NOAA/NESDIS

Ngày 15.1.2022, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai bên trong lòng biển bùng phát dữ dội. Vụ phun trào đã tạo nên cột khói bụi cao đến 57 km, và kích hoạt sóng thần đến tận vùng Caribbean.

Theo tính toán, hoạt động của núi lửa ở Tonga đã tạo nên vụ nổ tự nhiên mạnh nhất trong hơn 1 thế kỷ, có thể so sánh với uy lực của quả bom nguyên tử lớn nhất mà Mỹ từng sở hữu.

Kể từ đó, đội ngũ các nhà nghiên cứu quốc tế đã sử dụng dữ liệu thu thập từ các trạm mặt đất và mạng lưới vệ tinh để quan sát sóng áp suất không khí hình thành từ vụ phun trào này.

Kết quả cho thấy hoạt động của núi lửa đã tạo ra cái gọi là "bong bóng plasma xích đạo", chỉ một hố sâu xuất hiện ở tầng điện ly bên trên đường xích đạo. Đây là "hung thủ" gây nên sự gián đoạn nghiêm trọng đối với liên lạc vệ tinh.

Bong bóng plasma xích đạo (EPB) được xác định có thể làm chậm quá trình truyền đi của sóng vô tuyến cũng như đe dọa hoạt động của GPS.

Núi lửa phun trào gây gián đoạn tín hiệu vệ tinh khắp nửa vòng trái đất - Ảnh 2.

Cột khói bụi khổng lồ xuất hiện bên trên núi lửa

MAXAR TECHNOLOGIES

Trong thông cáo báo chí về kết quả nghiên cứu, Đại học Nagoya (Nhật Bản) cho biết khu vực của tầng điện ly tập trung nhiều hạt ion hóa nhất là vùng F, ở độ cao cách mặt đất từ 150 đến 800 km. Khu vực này đóng vai trò then chốt trong hoạt động của truyền thông vô tuyến đường dài.

Khi núi lửa phun, các bong bóng plasma xích đạo hình thành và trải rộng trên không gian ở độ cao ít nhất 2.000 km, tức xảy ra ở quy mô lớn hơn nhiều lần so với dự đoán trước đó của các mô hình trên máy tính về hiện tượng này.

Phát hiện mới có thể cho phép các nhà khoa học dự báo sự xuất hiện của các EPB liên quan đến núi lửa phun trào và những sự kiện khác trên bề mặt địa cầu. Dù không thể ngăn chúng phát sinh, các chuyên gia hy vọng có thể đưa ra cảnh báo sớm đối với hoạt động hàng không, tàu bè, để tránh đi qua khu vực đang hình thành bong bóng plasma xích đạo.

Nỗ lực nghiên cứu trong tương lai còn có thể giúp các nhà khoa học trái đất tìm hiểu ảnh hưởng của các núi lửa thuộc những thế giới khác.

Chẳng hạn, sao Kim đang bị bao phủ bởi những đám mây dày, vì thế khó xác định liệu các núi lửa có hoạt động trên bề mặt hành tinh hay không. Nhờ vào nghiên cứu mới, điều này có thể biết được nhờ vào sự đo đạc bong bóng plasma xích đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.