Ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, làm sao để đảm bảo an toàn?

Trần Hoàng
Trần Hoàng
11/03/2024 10:40 GMT+7

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra giữa xe tải và xe khách trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn tối ngày 10.3 tiếp tục cho thấy những hạn chế của tuyến đường cao tốc này đồng thời cảnh báo lái xe về sự nguy hiểm khi dừng xe khẩn cấp trên cao tốc.

Chưa đầy một tháng sau vụ tai nạn giữa ô tô 7 chỗ với xe container khiến 3 người trong cùng một gia đình ở Thanh Hóa tử vong, mới đây trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khác giữa xe chở khách và xe tải.

Ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, làm sao để đảm bảo an toàn?- Ảnh 1.

Thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải 75C-016.91 dừng bên đường do hỏng lốp

Lê Hoài Nhân

Cụ thể, như Thanh Niên đã đưa tin, khoảng 19 giờ 40 phút ngày 10.3.2024 ông Lê Hoàng Quân (51 tuổi, trú tại xã Đắk Lao, H.Đắk Mil, Đắk Nông) điều khiển xe khách mang biển số 51B- 261.49, lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng Quảng Trị - Đà Nẵng. Khi đến Km58 thuộc địa phận thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã va quệt với xe tải mang biển số 75C-016.91 do anh Phan Đình Thành (38 tuổi, trú phường An Hòa, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) đang dừng/đỗ trên cao tốc. Cú va chạm đã khiến ít nhất 2 người tử vong gồm 1 nam, 1 nữ và 5 người khác trên xe khách bị thương được đưa đi cấp cứu.

Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải tối 10.3 hiện đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, vụ tai nạn này tiếp tục cho thấy những hạn chế của tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đồng thời cảnh báo các lái xe về mức độ nguy hiểm khi lái ô tô cũng như dừng xe khẩn cấp trên cao tốc vào ban đêm.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,3 km qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đa phần các đoạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn xe với mặt cắt ngang rộng 12 mét, bề rộng nền 23 mét và không có dải phân cách cứng. Các đoạn cho phép vượt xe có quy mô 4 làn xe, có dải phân cách cứng nhưng có chiều dài chỉ khoảng 1 - 1,5 km và cách nhau 10 km.

Làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn có cao độ và kết cấu mặt đường tương đồng với phần đường xe chạy, tuy nhiên do còn nhiều hạn chế nên một số đoạn trên cao tốc này có làn dừng khẩn cấp khá hẹp. Bên cạnh đó, với việc trải dài qua các địa hình đồi núi, vì vậy nhiều đoạn trên tuyến cao tốc này không có hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm.

Với những cao tốc còn nhiều hạn chế như tuyến đường Cam Lộ - La Sơn, trường hợp bất khả kháng như phương tiện gặp sự cố hay lái xe buồn ngủ… buộc phải dừng xe, các tài xế nên đặc biệt chú ý.

Ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, làm sao để đảm bảo an toàn?- Ảnh 2.

Làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn có cao độ và kết cấu mặt đường tương đồng với phần đường xe chạy

Lê Hoài Nhân

Trước khi chọn lưu thông qua các tuyến đường cao tốc, tài xế nên hiểu rõ về làn dừng khẩn cấp cũng như kỹ năng xử lý cơ bản khi muốn dừng xe trên làn dừng khẩn cấp của đường cao tốc để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và các phương tiện khác.

Làn khẩn cấp trên cao tốc là gì?

Theo quy chuẩn 41/2016 về báo hiệu đường bộ, làn khẩn cấp trên cao tốc là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc, được ngăn cách bằng vạch liền màu trắng. Làn đường này được thiết kế giúp các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông.

Ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, làm sao để đảm bảo an toàn?- Ảnh 3.

Làn khẩn cấp trên cao tốc là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc, được ngăn cách bằng vạch liền màu trắng

Bá Hùng

Làn khẩn cấp trên đường cao tốc gồm 2 loại: Làn khẩn cấp cứng và mềm. Loại làn khẩn cấp cứng được trải nhựa hoặc bê tông giống mặt đường chính. Trong khi đó, làn khẩn cấp mềm chỉ là phần lề đường bằng đất, sỏi,… Thông thường, chiều rộng tiêu chuẩn của làn đường khẩn cấp khoảng 3,3 mét. Đây là kích thước vừa đủ cho một chiếc xe tải lớn dừng/đỗ vào mà không bị lấn qua làn đường chính.

Trường hợp nào được phép sử dụng làn khẩn cấp?

Đúng như tên gọi, làn đường khẩn cấp trên cao tốc chỉ được sử dụng với một số trường hợp khẩn cấp. Điểm c, khoản 1, Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc.

Làn khẩn cấp chỉ được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp như: Xe bị hỏng hóc, xe gặp trục trặc như hết xăng, chết máy, thay lốp; Tài xế gặp vấn đề về sức khỏe; Tai nạn giao thông và các trường hợp khẩn cấp khác. Ngoài ra, các loại xe ưu tiên như xe cấp cứu, cứu hỏa, xe cảnh sát/quân sự được phép di chuyển trên làn đường này trong các trường hợp khẩn cấp.

Cần dừng xe vào làn khẩn cấp trên cao tốc, làm sao để đảm bảo an toàn?

Trong quá trình điều khiển ô tô lưu thông trên đường cao tốc, nếu gặp phải một số trường hợp khẩn cấp nêu trên, các lái xe nên bình tĩnh, chú ý từng thao tác để đảm bảo an toàn.

Ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, làm sao để đảm bảo an toàn?- Ảnh 4.

Hầu hết các tuyến cao tốc hiện nay tại Việt Nam đều được thiết kế một số đoạn đường cho phép dừng xe khẩn cấp và có biển chỉ dẫn khoảng cách đến làn dừng khẩn cấp

Bá Hùng

Đầu tiên, nếu xe gặp sự cố hay tài xế gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe, nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm (biểu tượng hình tam giác, màu đỏ bố trí trên bảng điều khiển trung tâm) để báo hiệu cho các phương tiện khác đang lưu thông. Sau đó, từ từ điều khiển xe vào sát làn đường bên tay phải.

Nên chú ý quan sát, tránh dừng xe tại những điểm khuất hoặc khúc cua. Thay vào đó, nên chọn những đoạn đường thẳng, tầm quan sát rộng để các phương tiện khác dễ nhận biết. Hầu hết các tuyến cao tốc hiện nay tại Việt Nam đều được thiết kế một số đoạn đường cho phép dừng xe khẩn cấp và có biển chỉ dẫn khoảng cách đến làn dừng khẩn cấp. Với các tuyến đường cao tốc hẹp như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nên chọn những đoạn đường 4 làn xe, có làn khẩn cấp rộng để dừng đỗ xe, đặc biệt với xe tải có kích thước lớn.

Sau khi đã dừng xe vào làn khẩn cấp, nên duy trì bật đèn cảnh báo để báo hiệu cho các xe phía sau. Sau đó, kéo phanh tay để tránh xe bị trôi trên đường. Theo các lái xe có kinh nghiệm, khi dừng xe nên đánh lái phần đầu xe về phía tay phải để tránh trường hợp bị phương tiện khác đâm vào khiến xe lệch sang đường chính, đồng thời đặt biển phản quang để cảnh báo nguy hiểm nhất là khi dừng xe vào ban đêm.

Ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, làm sao để đảm bảo an toàn?- Ảnh 5.

Hiểu rõ về làn dừng khẩn cấp, kinh nghiệm lái xe trên cao tốc cũng như kỹ năng khi cần dừng xe trên làn khẩn cấp sẽ giúp đảm bảo an toàn cho bạn và các phương tiện khác

Bá Hùng

Sau khi dừng xe, tuyệt đối không đứng ở khu vực đuôi xe, đồng thời di tản hành khách trên xe tới vị trí an toàn để tránh xảy ra va chạm gây thiệt hại về người. Nhanh chóng liên hệ với xe cứu hộ hoặc gọi số điện thoại của đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc để được hỗ trợ sửa chữa hoặc di chuyển xe khỏi khu vực sớm nhất.

Hiểu rõ về làn dừng khẩn cấp, kinh nghiệm lái xe trên cao tốc cũng như kỹ năng khi cần dừng xe trên làn khẩn cấp sẽ giúp đảm bảo an toàn cho bạn và các phương tiện khác khi lái xe trên cao tốc. Tránh các vụ tai nạn đáng tiếc như vụ việc xảy ra giữa xe khách và xe tải tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào tối 10.3 vừa qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.