Điệu nghệ lướt ván

18/06/2011 22:57 GMT+7

Cuối tuần, dạo quanh khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đoạn ven sông Sài Gòn, mọi người sẽ được thưởng thức những pha lướt ván ngoạn mục.

Đó là hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Proland chuyên lướt ván bằng ca-nô kéo ở Việt Nam hiện nay. Tuy chỉ là những tay chơi nghiệp dư nhưng họ trình diễn như vận động viên chuyên nghiệp. Chiếc ca-nô chạy băng băng trên mặt nước, theo sau là một thanh niên với thân hình rắn chắc đứng trên tấm ván lướt sóng. Tay chơi này đang điều khiển chiếc ván lướt theo hình zíc zắc, phía sau anh là những bức tường nước khổng lồ trắng xóa. Sau những màn trình diễn ván đơn là màn "dựng tháp người trên sóng" của tập thể (3, 5 hoặc 6 người đứng chồng lên nhau trên những ván đôi).

 
Biểu diễn ván đơn - Ảnh: C.T.V

Mạo hiểm

"Nhìn thì dễ nhưng để đứng được trên ván cho ca-nô kéo thì người chơi phải vật lộn cả một tháng. Người chơi phải tập trung giữ thăng bằng, tính toán khi dùng lực tay, lưng để chịu lực kéo khoảng 40 km/giờ của ca-nô", anh Sơn Khê - thành viên lớn tuổi nhất, chia sẻ.

Ra đời vào năm 2008, hiện CLB có hơn 13 thành viên với nhiều độ tuổi khác nhau. Những ngày đầu khó khăn, dụng cụ tập luyện của nhóm còn thiếu thốn và phải trả tiền thuê ca-nô kéo 20.000 đồng/phút. Nhưng thời gian sau, CLB đã trang bị được ca-nô kéo. Với thời gian sinh hoạt từ 9 giờ - 18 giờ vào chủ nhật hằng tuần, phí sinh hoạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng/người. Địa điểm sinh hoạt tại CLB Thể thao dưới nước Thanh Đa.

Theo anh Bùi Thanh Long, chủ nhiệm CLB, thì người mới bắt đầu chơi phải tập từ 4 - 5 buổi mới có thể thực hiện được những động tác căn bản: giữ thăng bằng và đứng được trên ván, sử dụng dây kéo, lướt đi thẳng trên nước, có thể lạng ra lạng vào sóng... Người chơi môn thể thao này được trang bị áo phao chuyên dụng. Khác hẳn áo phao cứu hộ, khóa gài của loại áo này rất chắc chắn nên không bị bung khi gặp lực nước mạnh và va đập với vật cứng. Anh Long cho biết: "Lướt ván có nhiều thể loại. Lướt ván đơn chuyên dùng để một người biểu diễn. Hai chân đặt theo một đường thẳng trên một tấm ván dài. Khi ca-nô kéo, phía sau người lướt có những bức tường nước và những hình zíc zắc liên tục mới chứng tỏ trình độ người chơi giỏi hay không. Ca-nô kéo đóng vai trò quan trọng khi đi tốc độ nhanh, tạo những con sóng nhỏ hoặc không có sóng. Còn ở thể loại lướt ván đôi, hai chân đứng trên hai ván đơn, dùng để biểu diễn tập thể hoặc dựng tháp người. Với loại ván trượt to đòi hỏi người chơi có kỹ năng sử dụng các động tác nhảy và lộn qua sóng hoặc xoay người trên nước. Kèm theo đó, ca-nô kéo phải tạo ngọn sóng lớn để hỗ trợ người biểu diễn.

Kén người chơi

"Để chơi được môn thể thao này, ngoài việc có khả năng về kinh tế, sức khỏe và thời gian thì trên hết vẫn là niềm đam mê", anh Long chia sẻ. Đã có nhiều người đến tìm hiểu nhưng rất ít người cảm nhận và thật sự say mê.

Anh Nguyễn Uy Trường, phó chủ nhiệm - người phụ trách chuyên môn, cho hay: "Mọi thành viên đều đang ấp ủ ý tưởng thành lập một CLB lướt ván chuyên nghiệp. Trước tiên, một số thành viên sẽ được học nghiệp vụ tại Singapore và Đài Loan để lấy chứng chỉ huấn luyện chuyên nghiệp. Sau đó về đào tạo lại cho bạn trẻ".  

Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.