Bệnh từ tay bẩn

27/08/2011 18:16 GMT+7

(TNTS) Từ tiếp xúc với mắt và miệng, nguồn bệnh từ bàn tay bẩn đã vào cơ thể một cách dễ dàng.

 


Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: shutterstock

Đau mắt đỏ

Ở trường bé Su có vài bạn bị đau mắt đỏ nên bố mẹ quyết định cho bé ở nhà một tuần để phòng bệnh. Tuy nhiên, buổi sáng hôm đó, vừa thức dậy mắt bé Su đổ ghèn nhiều, mẹ tưởng mắt bé bị dơ liền giục con đi rửa mặt. Tuy nhiên, đến trưa mắt bé vẫn đổ ghèn và một bên còn bị sưng đỏ. Triệu chứng này cho thấy bé đã bị đau mắt đỏ, mẹ liền đưa bé đến bác sĩ. Rất may, bé không phải uống thuốc mà chỉ dùng thuốc nhỏ mắt. Sau một ngày dùng thuốc, bên mắt còn lại tiếp tục sưng đỏ nhưng đến ngày tiếp theo hai mắt đã hết đỏ và dần bình phục. Chưa kịp mừng thì mẹ thấy cộm cộm, xốn xốn một bên mắt, có lẽ bệnh đau mắt đỏ của bé đã "chuyển" sang mẹ rồi. Bây giờ phòng bệnh cho bố bằng cách nào? Có người nói lấy rượu trắng rửa lên mí mắt ngày vài lần, có người nói không thể làm gì vì chỉ... nhìn nhau là lây rồi.

Tay chân miệng

Vi khuẩn từ bàn tay bẩn có thể là nguồn lây lan bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em. Bệnh TCM hiện đang bùng phát dịch do biến thể của vi-rút EV71 hiện vẫn không có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh, nên giải pháp duy nhất vẫn là rửa tay và khử khuẩn. BS Đặng Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm truyền thông GDSK Trung ương hướng dẫn: Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Ngoài ra, cần lưu ý thêm các biện pháp như cho trẻ ăn chín, uống chín; không ăn chung thìa bát; luộc sôi hoặc ngâm chloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch; trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác; thu gom xử lý phân của trẻ bằng chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp...

Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất, chú ý: tránh làm vỡ các nốt phỏng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai - chuyên khoa Mắt, Giám đốc Bệnh viện mắt Cao Thắng nhấn mạnh, nhiều người nói bệnh đau mắt đỏ lây qua việc "nhìn nhau" là không có cơ sở khoa học, bệnh không lây qua đường không khí nên khi giao tiếp, nói chuyện không sợ bị lây nhiễm. Đây là bệnh viêm kết mạc cấp nhưng dân gian thường gọi là đau mắt đỏ hay nhặm mắt. Thời điểm này (mùa mưa và cao điểm là mùa hè) rất dễ xảy ra đau mắt đỏ do có nhiều siêu vi trong không khí, khói bụi và trong những nguồn nước bị ô nhiễm.

Bệnh chỉ lây nhiễm khi chất tiết (có siêu vi) từ mắt người bệnh vào mắt người lành. Sự lây lan phổ biến nhất là qua tiếp xúc thông thường như tay người bệnh dụi vào mắt bị bệnh rồi bắt tay người khác, sờ trực tiếp vào mắt người lành hoặc tay người bệnh dụi vào mắt mình xong sờ vào những vật dụng trong nhà (như tay nắm cửa, mặt bàn, tiền, những dụng cụ sử dụng khác...), sau đó những người khác vô tình đụng vào rồi dụi vào mắt. Cho nên, trong nhà có một người bị bệnh thì những người khác thường dễ bị lây theo cách này. Các cơ quan, trường học cũng lây vì nguyên nhân tương tự. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây do dùng khăn chung hoặc những dụng cụ cá nhân giữa người lành và người bệnh.

Cách phòng bệnh chủ yếu là giữ vệ sinh đúng cách. Không sử dụng đồ dùng cá nhân chung, không dụi tay bẩn vào mắt. Khi trong nhà hoặc nơi làm việc có người mắc bệnh thì không nhất thiết phải cách ly nếu biết cách giữ vệ sinh, người bệnh hoặc người lành thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc bằng những dung dịch sát khuẩn nhanh, lau chùi và vệ sinh sạch sẽ những nơi công cộng như cửa ra vào, tay nắm cửa, mặt bàn... Đặc biệt không được dụi tay vào mắt. Riêng với trẻ con, nếu bị bệnh nên cho bé nghỉ học để tránh lây nhiễm đến những trẻ khác vì trẻ chưa có ý thức giữ vệ sinh như người lớn. Tăng cường sức đề kháng bằng cách uống vitamin C.

Việc điều trị, theo bác sĩ Mai có nhiều hình thức. Nếu bệnh nhẹ thì có thể tự khỏi trong vài hôm. Tuy nhiên nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị nhằm tránh những biến chứng bội nhiễm gây viêm giác mạc, sẹo giác mạc, có thể làm giảm thị lực vĩnh viễn. Việc phòng bệnh bằng rượu trắng được khuyến cáo là không nên vì rượu dính vào mắt có thể gây bỏng, loét giác mạc.

Hiện một số người có thói quen dùng thuốc nhỏ mắt để rửa mắt và trị bệnh đau mắt đỏ. Điều này không nên lạm dụng nếu không hiểu rõ hoặc chỉ tin vào lời quảng cáo. Nên rửa mắt mỗi ngày bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ có nguồn gốc thảo dược sau khi bơi hoặc đi ngoài đường về. Còn một số loại thuốc làm mắt trắng và trong hơn sau khi nhỏ là do có thành phần thuốc co mạch, không nên dùng thường xuyên vì có thể gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn trong đó nguy hiểm nhất là tăng nhãn áp.

Nguồn của giun sán

Bàn tay bẩn còn là "cánh cửa" để giun sán dễ dàng thâm nhập vào cơ thể, cư trú, gây bệnh và truyền bệnh. TS Đặng Thị Cẩm Thạch (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương) cho biết, trên toàn quốc có 60 triệu người nhiễm giun đũa; 40 triệu người nhiễm giun tóc và 20 triệu người nhiễm giun móc. Mỗi năm, người VN mất 28,5 triệu lít máu để... nuôi giun móc và giun tóc cũng như hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm bị giun đũa "ăn bớt" trong ruột.

Các loại giun sán vào cơ thể chủ yếu qua 2 con đường là da và miệng. Trứng giun sán từ người hay vật bị nhiễm được thải ra ngoài qua phân. Người bị nhiễm ăn thức ăn có chứa trứng giun sán, cầm nắm thức ăn hoặc đưa bàn tay bẩn bị nhiễm trứng giun sán vào miệng. Đây là con đường vào cơ thể của giun đũa, giun kim và giun tóc.


Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: shutterstock

Giun sán cũng có thể thâm nhập qua da vào cơ thể do người đi chân không hoặc làm vườn mà không mang găng tay. Ấu trùng giun lươn và giun móc vào cơ thể bằng con đường này.

Lối sống của số đông người VN dẫn đến tình trạng này. Đó là việc đi tiêu bừa bãi hoặc thói quen bón phân người chưa ủ kỹ trong nông nghiệp tạo thuận lợi cho giun sán lan tràn mọi nơi. Việc rửa tay đúng cách còn chưa phổ biến.

Theo Th.S-BS Trần Thị Khánh Phượng (chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), nhiễm giun sán có thể gây ra những triệu chứng khó chịu như rối loạn tiêu hóa - dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý tiêu hóa khác như dạ dày, đại tràng... chưa kể nhiễm giun sán còn làm tiêu tốn tiền bạc do cứ phải đi khám nhiều lần mà không hết bệnh. Nặng hơn, khi ấu trùng của giun sán chui vào mắt, não, đường mật... sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng tính mạng.

Để phòng lây nhiễm giun sán, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Rửa tay sạch thường xuyên, nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Móng tay phải cắt ngắn và luôn giữ sạch. Trẻ em hạn chế mút tay, ngậm đồ chơi và cắn móng tay. Vệ sinh môi trường nơi ở, hạn chế nuôi súc vật trong nhà thường xuyên.

Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.