Thị trường chứng khoán suy kiệt

09/09/2011 23:39 GMT+7

Được kỳ vọng sẽ trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, tuy nhiên sau hơn 11 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong tình trạng suy kiệt, niềm tin của nhà đầu tư sút giảm nghiêm trọng.

Mất vai trò huy động vốn

Khi "cửa" ngân hàng hẹp lại, niềm hy vọng của nhiều doanh nghiệp là huy động vốn từ chứng khoán. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, huy động vốn của các doanh nghiệp (DN) qua TTCK giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Sự èo uột của thị trường từ đầu năm tới nay khiến dẫn đến hệ lụy, hàng loạt DN phải hủy hoặc hoãn các đợt huy động vốn thông qua chào bán thêm CP. Mất vai trò huy động vốn, TTCK đang như “đứa con ghẻ" của nền kinh tế.

ThS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phân tích: Từ trước đến nay, DN Việt Nam hầu như phụ thuộc duy nhất vào hệ thống ngân hàng để tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Điều đó dẫn đến nguồn cung bị hạn chế trong khi nhu cầu lớn dẫn đến việc mất cân đối trong chi phí sử dụng vốn. Đây là lý do khiến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phải phát triển thêm kênh huy động vốn khác là TTCK. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của nguồn vốn từ TTCK là vốn dài hạn, tạo điều kiện cho DN đưa ra những quyết sách, chiến lược đầu tư dài hạn hơn thay vì khi họ chỉ có trong tay nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng.

 
Còn nhiều vấn đề tồn tại trên thị trường chứng khoán khiến lòng tin của nhà đầu tư bị xói mòn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tuy nhiên, theo ông Chí, có nhiều lý do khiến TTCK Việt Nam chưa làm tốt vai trò tạo vốn cho DN. Đó là việc các DN đầu tư chồng chéo lẫn nhau; công bố thông tin chưa minh bạch; sử dụng vốn huy động của cổ đông không đúng mục đích; giao dịch bán khống CP tràn lan; hàng hóa trên sàn không đảm bảo chất lượng... Những điều này khiến lòng tin của nhà đầu tư dần dần bị xói mòn, khiến họ dễ dàng rời bỏ thị trường.

Hiện đang có 686 công ty đã niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 126 công ty đăng ký giao dịch trên sàn UpCom.

Tại một cuộc hội thảo về chứng khoán mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nhận định có rất nhiều nguyên nhân khiến TTCK suy giảm trầm trọng, niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn và dòng vốn vào thị trường ngày càng cạn kiệt. Thậm chí TTCK còn bị coi như một cái chợ cóc, như cờ bạc, cộng với việc hàng hóa trên thị trường có chất lượng chưa cao là nguyên nhân chính khiến kênh đầu tư chứng khoán ngày càng mất đi sự hấp dẫn.

Chính phủ phải vào cuộc

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, vai trò điều hành TTCK của UBCK còn mờ nhạt khiến cơ quan này thiếu những hành động mạnh mẽ và cần thiết để kích hoạt sự phát triển của TTCK Việt Nam. Vì vậy phải trông chờ những quyết sách mới từ Chính phủ thì mới mong tạo ra một không khí đầu tư mới vào thị trường này. Theo ông, nên mở thêm tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh cổ phần hóa các DN lớn trong các ngành tiềm năng như viễn thông, hàng không, khoáng sản... Bên cạnh đó, các quy định về cho vay đối với chứng khoán, bất động sản phải rà soát lại, phải mở ra một cửa tín dụng cho 2 mảng thị trường này, chứ không nên cấm hay hạn chế bằng biện pháp hành chính như hiện nay…

Ông Lê Đạt Chí cũng đặt vấn đề: Tại sao không có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính (cơ quan quản lý TTCK) với Ngân hàng Nhà nước để phân loại và hạn chế tín dụng vào TTCK một cách hợp lý? Ví dụ không cho những đối tượng như Chủ tịch Hội đồng quản trị, các cổ đông lớn ôm một khối lượng lớn CP đi cầm cố vay tiền từ ngân hàng; tuyệt đối không cho vay cầm cố CP chưa lên sàn... Điều đó vừa hạn chế rủi ro cho bản thân hệ thống ngân hàng, vừa vẫn có nguồn vốn hợp lý để thúc đẩy TTCK phát triển. Đồng thời phải giám sát chặt chẽ hơn việc huy động vốn và sử dụng vốn của các DN để tạo niềm tin của nhà đầu tư.

Hơn nữa, chúng ta cần tạo nên sự khác biệt giữa các sàn giao dịch với nhau để tạo nên sự cạnh tranh cũng như sự nỗ lực cho bản thân mỗi DN. Với quy định về điều kiện niêm yết như hiện nay tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, có hơn 40% DN đang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đáp ứng đủ điều kiện để chuyển sang niêm yết trên sàn TP.HCM nhưng tại sao họ không chuyển sàn? Sự khác biệt đó có thể là quy định tiêu chí DN đang niêm yết trên sàn TP.HCM chỉ được huy động vốn 2 năm một lần, còn trên sàn Hà Nội thì 3 năm một lần; DN đang ở dạng cảnh báo vì vi phạm các quy định thì phải 4-5 năm mới được huy động vốn (thời gian này phải khác nhau ở hai sàn niêm yết)...

Để TTCK đi vào đúng "đường ray" đề ra như mục tiêu, cần thay đổi tư duy và cái nhìn về thị trường này từ cấp cao nhất.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.