Hai cụ già phải trèo tường vào nhà

30/09/2011 08:10 GMT+7

Sống yên ổn trong ngôi nhà của mình hơn 12 năm trời, bỗng một ngày ngõ ra vào nhà của vợ chồng hai cụ già bị chặn lại. Muốn ra khỏi nhà họ phải trèo qua một bức tường cao gần… 2 mét.

Đây là hoàn cảnh của vợ chồng ông Nguyễn Công Ngữ và bà Nguyễn Thị Hồng Loan ở phía sau Bách hóa Cầu Giấy, số 139 Cầu Giấy, P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy.

Từ mặt đường Cầu Giấy vào nhà ông Ngữ chỉ khoảng vài trăm mét đi bộ nhưng ông và phóng viên phải đội mũ bảo hiểm rồi len lỏi chui qua công trường ngổn ngang máy móc và những xác nhà cao tầng đang phá dở. “Để dẫn anh vào tôi đã phải gọi điện xin phép, sau đó họ cho dừng máy móc phá dỡ, cho người dẫn đường thì mình mới đi được”, ông Ngữ vừa đi vừa thở cho biết.

Ông Ngữ năm nay 75 tuổi, là tiến sĩ về nông nghiệp nay đã nghỉ hưu, còn vợ ông là bà Loan 65 tuổi, nguyên là nhân viên Công ty thương mại Từ Liêm (nay là Công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy). Năm 1999, bà Loan được công ty bán thanh lý mảnh đất có diện tích gần 37m2 trong khuôn viên, sau đó bà Loan đã xây nhà kiên cố và đến năm 2010 thì được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, ngôi nhà bà Loan không có lối đi riêng mà phải đi chung với Bách hóa Cầu Giấy.

Đến tháng 9.2011, Công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy quyết định phá dỡ tòa nhà Bách hóa để làm dự án “tổ hợp siêu thị và văn phòng và nhà ở” thì ngõ đi của ông Ngữ bị công trình san lấp. “Từ ngày 24.9 đến nay, gia đình chúng tôi bị nhốt trong nhà không thể ra ngoài được, hằng ngày họ dùng máy khoan, máy cẩu phá tường, từng mảng bê tông đổ ầm ầm không ai dám đi, hơn nữa lối đi cũng bị lấp mất đi lại khó khăn, không phải lúc nào mình muốn cũng đi được”, ông Ngữ kể.

Theo quan sát của phóng viên, phía sau nhà ông Ngữ bà Loan tiếp giáp với ngõ 155/7 Cầu Giấy nhưng lại bị chắn bởi một bức tường cao gần 2 mét. Gia đình ông Ngữ thuộc tổ 15 còn bức tường này là của tổ dân phố khác, từ năm 2000 đến nay, ông bà đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị cho mở lối đi nhưng không được chấp thuận. Ngược lại, gia đình ông Ngữ cũng không thể đi lối cũ vì trong dự án “tổ hợp siêu thị và văn phòng và nhà ở” không có quy hoạch ngõ cho ông bà.

Trong cuộc làm việc gần đây nhất vào tháng 7.2011, đại diện tổ dân phố 16 - đơn vị quản lý bức tường cho rằng, người dân trong tổ không đồng ý cho vợ chồng ông Ngữ đi chung vì họ sinh hoạt ở tổ khác.

Do lối đi bị lấy mất, nên hằng ngày, con trai ông bà đang học lớp 11 trường Amsterdam buộc phải trèo lên bờ tường để ra ngoài. Cũng gần một tuần nay, bà Loan không đi chợ mà chỉ ở nhà canh lúc nào có người rao bán rau quả đi qua thì gọi với ra rồi mua bán qua bức tường. Đang nói chuyện với phóng viên, thấy có người gọi thu tiền điện, bà Loan lập cập phải bắc ghế leo lên tường thò đầu ra trả tiền lấy hóa đơn trông rất nguy hiểm.

“Chúng tôi cảm thấy bế tắc lắm, chỉ có một cái lối đi nhưng kêu từ công ty, cho đến phường, quận nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải quyết, cứ đùn đổ hết chỗ này đến chỗ khác”, ông Ngữ bức xúc.

Trao đổi với Thanh Niên vào chiều qua, một lãnh đạo phường Quan Hoa cho rằng: “Để giải quyết việc này, công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy phải có trách nhiệm bởi khi bán đất, họ phải mở lối đi cho dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tuyên, Giám đốc công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy cho biết rất ủng hộ việc gia đình ông Ngữ bà Loan mở lối đi ở ngách 155/7. “Để làm được điều này thì phải có kinh phí, tuy nhiên việc bán đất là do lịch sử để lại, hiện công ty chuyển sang cổ phần thì khoản kinh phí do công ty bỏ ra phải do các cổ đông quyết định”, ông Tuyên cho biết.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.