ASEAN tin tưởng vào cải cách ở Myanmar

18/11/2011 00:39 GMT+7

Lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á chấp thuận Myanmar giữ ghế Chủ tịch ASEAN 2014 như một sự ghi nhận những cải cách gần đây ở nước này.

Lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á chấp thuận Myanmar giữ ghế Chủ tịch ASEAN 2014 như một sự ghi nhận những cải cách gần đây ở nước này.

Đây là thông tin được mong đợi nhất từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 diễn ra tại Bali, Indonesia ngày 17.11, trước những phản ứng không mấy thuận lợi của phương Tây. Quyết định được đưa ra trong phiên họp hẹp của lãnh đạo 10 nước ASEAN chiều qua đã thể hiện sự tự tin và đồng thuận cao trong khối.

“Các lãnh đạo ASEAN chính thức bày tỏ quan điểm và đồng thuận cử Myanmar làm Chủ tịch ASEAN năm 2014”, Ngoại trưởng nước chủ nhà Marty Natalegawa khẳng định tại cuộc họp báo cuối ngày. Ông Natalegawa giải thích: “Các lãnh đạo đồng tình rằng những cải cách gần đây tại Myanmar cho phép nước này đảm trách được nghĩa vụ”. Ông cũng nói thêm ASEAN sẽ theo dõi chặt chẽ những tiến triển tiếp theo tại Myanmar.

 
Lãnh đạo các nước ASEAN họp tại Bali ngày 17.11 - Ảnh: Thục Minh

Sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Lào Thongsing Thamavong. Hai bên đã thảo luận vấn đề hợp tác nhằm bảo đảm sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN.

Đất nước 60 triệu dân, nằm giữa hai nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ là Ấn Độ và Trung Quốc, đã có một thời gian dài gần như đóng cửa trước thế giới. Nhưng từ khi chính quyền dân sự được thiết lập từ cuối tháng 3, một loạt thay đổi và cải cách liên tục diễn ra, đem lại sự phấn khởi cho người dân và cộng đồng quốc tế. Đầu tiên là việc trả tự do cho hàng ngàn tù nhân hồi tháng 5 và tháng 10, trong đó có nhiều tù chính trị. Quyền tiếp cận thông tin, lập hội và biểu tình cũng được nới rộng. Bức xúc của công chúng cũng được quan tâm, thể hiện qua việc ngưng dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư. Hoạt động đối thoại và hòa giải với chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi tiến triển mạnh mẽ.

Trưa qua, bà Suu Kyi tuyên bố đảng của bà sẽ tham gia những cuộc bầu cử sắp tới và tuyên bố này được Cố vấn trưởng về chính trị của Tổng thống Thein Sein là ông Ko Ko Hlaing “hoan nghênh”. Phát biểu với phóng viên ngay sau phiên họp kín tại Bali, ông Hlaing khẳng định: “Chúng tôi đang đi đến một xã hội dân chủ”. Ông cũng mạnh mẽ khẳng định sẽ có thêm nhiều cải cách và nhiều người nữa sẽ được phóng thích.

Cũng trong ngày 17.11, các lãnh đạo ASEAN thông qua “Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu”, còn gọi là Thỏa ước Bali III, với 3 trụ cột hợp tác: chính trị - an ninh, kinh tế, xã hội - văn hóa. Tổng thống Indonesia Susilo Bangbang Yudhoyono phát biểu Thỏa ước Bali III sẽ là một bản hướng dẫn, một nền tảng chung để nâng cao sự đóng góp của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ngày 18.11, ASEAN chuyển sang họp với các đối tác đối thoại gồm ASEAN + 1 (với Trung Quốc/Nhật Bản/Hàn Quốc), ASEAN + 3, và ASEAN - Mỹ.

Myanmar kêu gọi bỏ cấm vận

Trong bài phỏng vấn vừa đăng trên tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Thông tin Myanmar Kyaw Hsan kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này. Ông Hsan nhận định: “Nếu nhận được sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế chúng tôi có thể tiến nhanh hơn trong quá trình phát triển và điều này có lợi cho cả hai phía”. Ông cũng cho biết bị cản trở bởi lệnh cấm vận nên Myanmar đã hướng về Trung Quốc vì “không có sự lựa chọn và phải chấp nhận những biện pháp tốt nhất cho đất nước”.

Lan Chi

Thục Minh
(từ Bali, Indonesia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.