Vị ngọt cam sành Ngã Bảy

01/12/2011 09:51 GMT+7

Cách đây 5 năm, diện tích trồng cam sành ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) chỉ có hơn 500 ha; nhưng hiện tại đã được nâng lên trên 1.800 ha và nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây cam sành.

Cách đây 5 năm, diện tích trồng cam sành ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) chỉ có hơn 500 ha; nhưng hiện tại đã được nâng lên trên 1.800 ha  và nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây cam sành.

Thoát nghèo từ cây cam sành

 Cách đây hơn 10 năm, sau khi thất bại từ nuôi tôm ở Kiên Giang, gia đình anh Trần Đắc Lực (ấp Sơn Phú 2, xã Tân Thành) khăn gói về lại quê nhà với 2 bàn tay trắng. Xoay sở từ trồng xoài đến nuôi cá rồi nuôi heo, nhưng cuộc sống gia đình anh cũng cứ mãi thiếu trước hụt sau. Chỉ đến khi chuyển sang trồng cam sành, cuộc sống gia đình anh mới vượt qua cơn khốn khó và vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh cho biết: “Mặc dù chỉ có 2 trên tổng số 5 công cam sành cho trái chiến nhưng tôi cũng đã có thu nhập 50 triệu đồng một năm. Và khi 5 công cam sành cho trái, khả năng thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí là điều trong tầm tay”.


Cam sành Ngã Bảy  ngày càng khẳng định thương hiệu - Ảnh: P. Thành

Còn gia đình anh Lê Văn Lên ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành thoát được nghèo cũng nhờ cây cam sành. Mặc dù phải làm đủ thứ nghề nhưng cuộc sống gia đình anh vẫn cứ quanh quẩn trong cảnh nghèo đói. Chỉ đến khi có được thu nhập từ vườn cam sành, gia đình anh mới có cuộc sống ổn định. Hay anh Nguyễn Văn Năm ở ấp Đông An A, xã Đại Thành chỉ với 5 công cam sành mà gia đình anh đã có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Trần Cuôl ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành cho biết: với thu nhập hiện tại từ cây cam sành, chỉ cần 1 vài năm là địa phương có thể sẽ không còn hộ nghèo! Suy nghĩ của ông Trần Cuôl là điều dễ hiểu khi mà diện tích trồng cam sành ở xã Tân Thành hiện chiếm hơn 2/3 so với tổng diện tích cam sành ở thị xã Ngã Bảy. Càng thuyết phục hơn khi trong năm 2010, có những hộ đã bán được giá hơn 20.000 đồng mỗi kg. Với năng suất từ 30 đến 40 tấn/ha, thì thu nhập từ cây cam sành quả là điều hấp dẫn.

Cam sạch

Theo một số thương lái đến từ TP.HCM, cam sành ở Ngã Bảy có vị ngọt thanh và nhiều nước nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Có thể do điều kiện thổ nhưỡng đã làm nên vị ngọt đặc trưng cho cây cam sành nơi đây Thị xã Ngã Bảy cũng đang xúc tiến một số công việc cần thiết để quảng bá “thương hiệu” cam sành. Ông Trịnh Quang Hưng, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy cho biết: “Để cam sành Ngã Bảy vươn xa, địa phương đang triển khai thí điểm mô hình trồng cam sạch theo tiêu chuẩn GAP để từng bước xây dựng thương hiệu gắn với liên kết tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định và có hiệu quả kinh tế cao”. Những công việc này đã và đang được triển khai, trong đó việc quy hoạch vùng sản xuất và kỹ thuật canh tác cam an toàn đã được thực hiện bước đầu. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng đã được HTX nông nghiệp Đông Bình ở xã Tân Thành và HTX Đại Thắng ở xã Đại Thành thực hiện có hiệu quả. Ngoài ra việc đầu tư có trọng điểm các công trình đê bao chống lũ những năm qua đã và đang phát huy tác dụng, giúp người dân an tâm hơn để đầu tư cho sản xuất.

Bằng sự định hướng phát triển phù hợp, sự đầu tư có trọng điểm của Nhà nước cùng tính cần cù chịu khó của người dân đã giúp cho cây cam sành ở thị xã Ngã Bảy ngày thêm trĩu quả, hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp trong tương lai.

Phước Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.