Động đất ở Indonesia, người dân TP.HCM hoảng sợ

11/04/2012 16:01 GMT+7

(TNO) Lúc 16 giờ chiều nay 11.4, nhiều người dân đang sinh sống ở các tòa nhà, căn hộ cao tầng tại Q.11, Phú Nhuận và Tân Bình... (TP.HCM) có cảm giác rung lắc mạnh.

(TNO) Lúc 16 giờ chiều nay 11.4, nhiều người dân đang sinh sống ở các tòa nhà, căn hộ cao tầng tại Q.11, Phú Nhuận và Tân Bình... (TP.HCM) có cảm giác rung lắc mạnh.

>> Hà Nội: Rung chấn tại tòa nhà 21 tầng
>> Bờ biển Việt Nam an toàn trước cảnh báo sóng thần
>> Động đất 8,7 độ Richter gây cảnh báo sóng thần tại Indonesia

Nhiều nhân viên văn phòng làm việc trong các tòa nhà cao tầng cảm nhận rất rõ đợt rung lắc này và lập tức chạy ra khỏi tòa nhà.

Rung lắc xảy ra lúc 16 giờ, tạo cảm giác chao đảo, khoảng trong 30 giây.

Theo PGS - TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần VN, rung lắc mà người dân TP.HCM có thể cảm nhận được là do rung chấn lan truyền từ trận động đất rất mạnh có cường độ 8,7 độ Richter ở phía tây tây nam Sumatra (Indonesia).

Theo ông Phương, do đây là những rung chấn lan truyền nên không có khả năng gây thiệt hại về người và tài sản.

Chị Đỗ Thanh Thủy, làm tại tòa nhà Centec Tower (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) cho biết chị có cảm nhận rung lắc khoảng 20-30 giây trong tòa nhà. Nhiều người trong các văn phòng của tòa nhà đã hoảng hốt chạy xuống đường.

Sau đó, ban quản lý tòa nhà thông báo gọi mọi người trở lại.

"Tôi vẫn còn thấy thấy mệt, cảm giác chóng mặt", chị Thủy nói.

 
Văn phòng ở trên cao nên cảm nhận rõ lắm! Mọi người đều đứng dậy vì rung lắc và thấy chóng mặt.
Anh Đỗ Việt Phương

Cùng thời điểm trên, anh Đỗ Việt Phương, làm tại lầu 14, tòa nhà Flemington Tower (đường Lê Đại Hành, Q.11) cũng cảm nhận rung lắc và chóng mặt.

"Văn phòng ở trên cao nên cảm nhận rõ lắm! Mọi người đều đứng dậy vì rung lắc và thấy chóng mặt", anh Phương nói.

Anh Phương cho biết anh vừa phải gọi điện về nhà cho vợ, bảo vợ có động tĩnh gì là phải ôm con chạy ngay. "Chạy ra đường chứ ở trong nhà nguy hiểm hơn", anh Phương kể.

Không chỉ anh Phương, nhiều người khi cảm nhận rung lắc đã gọi điện cho người thân để cảnh báo.

Tại chung cư 312 đường Lạc Long Quân (Q.11), nhiều người ở lầu 4 cho biết cũng cảm nhận được rung lắc. 

* Chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên văn phòng làm việc ở lầu 18, tòa nhà số 81-85 Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM) kể: lúc 15 giờ 45 phút, chị đang ngồi trước máy tính thì có cảm giác một vết sáng chóa ở mắt.

Chị Thanh giật mình. Mọi người xung quanh cũng đứng bật dậy. Chỉ trong ít phút, chị cảm nhận dưới chân thêm hai đợt rung lắc nữa. Một người trong phòng la toáng lên: “Động đất!”.

Ngay lập tức, chị Thanh và hàng chục người từ lầu 18 chạy bộ rời khỏi tòa nhà.  

* Nhiều bạn đọc của Thanh Niên Online tại Q.4, Q.11 và Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cũng báo tin có cảm nhận được rung chấn khá mạnh tại các khu vực trên.

"Khoảng gần 16 giờ chiều 11.4, mình và các đồng nghiệp đang làm việc trong văn phòng tại lầu 15 tòa nhà Flemington (đường Lê Đại Hành, Q.11) thì bất ngờ thấy màn hình vi tính lắc, rồi đến trần nhà rung rung, tưởng là bị chóng mặt. Lát sau thấy ai cũng cũng bật dậy hốt hoảng rồi chạy ra khỏi tòa nhà", một bạn đọc tên Minh kể với phóng viên Thanh Niên Online.

 
Rất đông người nhốn nháo trước tòa nhà Flemington chiều 11.4 - Ảnh: Phương Anh



 
Nhân viên tòa nhà chạy xuống mặt đất - Ảnh: Phương Anh


 
Không ít người thấy hoảng hốt vì lần đầu biết đến cảm giác động đất - Ảnh: Phương Anh


Minh cho biết, quá trình rung lắc diễn ra trong 30 giây. Mọi người trong tòa nhà lần lượt chạy xuống thang bộ thoát khỏi tòa nhà.

Khoảng 16 giờ 5 phút, Minh cho biết hầu hết nhân viên tòa nhà đã xuống đất, xôn xao bàn tán.

 
Mọi người tụ tập xuống đường Lê Đại Hành (Q.11, TP.HCM) trong chiều 11.4 - Ảnh: Phương Anh


Từ Q.4, anh Vũ Đình Hiệp (kiến trúc sư) báo cho Thanh Niên Online biết, tại văn phòng anh (ở lầu 5 của một tòa nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ), mọi người cảm nhận được hiện tượng rung lắc trong khoảng 6 giây. Tuy nhiên, không ai hoảng loạn mà ngồi yên làm việc.

Bạn Nguyễn Phúc Diệu Hiền cũng đã gửi cho Thanh Niên Online hình ảnh hàng trăm người dân tụ tập trước tòa nhà 194 Golden (đường Điện Biên Phủ, P.25 Q. Bình Thạnh), xôn xao bàn tán khi động đất xảy ra vào gần 16 giờ chiều 11.4

 

 
Hàng trăm người tụ tập trước tòa nhà 194 Golden gần cầu vượt Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) sau trận động đất chiều 11.4 - Ảnh: Nguyễn Phúc Diệu Hiền

Rung lắc tại TP.HCM làm "lắc lư" Facebook

Tin TP.HCM xảy ra rung lắc đã khiến cộng đồng Facebook xôn xao suốt buổi chiều 11.4.

16 giờ, bạn Trương Tuyết Nhung viết: "Em sợ quá". Còn bạn có nick Nice thì "treo" câu trạng thái: "Giờ vẫn còn đang run, và chóng mặt, tưởng mình bệnh, nhớ lại cảnh lắc lư lúc nãy muốn xỉu".

Một người dùng Facebook khác tên Bảo Trân thì "hô to" trên Facebook cá nhân của mình: "Động đất ghê quá!".
 
"Cầu trời cho đừng có sóng thần, nếu không bà con ở Indonesi, Thái Lan, Sri Lanka, Maldives... những nước bị sóng thần hồi năm 2004 sẽ bị dính chưởng hết", một người dùng Facebook khác chia sẻ sau khi có tin động đất mạnh 8,7 độ Richter ở Indonesia.

Nhiều người dùng Facebook cũng tích cực "săn lùng" tin mới nhất về động đất trên các trang tin thế giới rồi cập nhật lên Facebook cá nhân để thông báo cho bạn bè biết.

Động đất 8,9 độ Richter gây cảnh báo sóng thần tại Indonesia

Một trận động đất mạnh 8,7 độ Richter và đợt dư chấn mạnh 8,2 độ Richter đã xảy ra tại Indonesia vào chiều nay, 11.4, làm phát sinh cảnh báo sóng thần tại Ấn Độ Dương.

Trận động đất đầu tiên xảy ra tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Aceh của Indonesia vào lúc 8 giờ 38 phút, giờ GMT (15 giờ 38 phút, giờ Việt Nam).

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn của động đất nằm cách thành phố Banda Aceh 500 km ở độ sâu 33 km. Ban đầu, USSG thông báo trận động đất mạnh 8,9 độ Richter song sau đó hạ xuống còn 8,7 độ Richter.

Ngay sau đó, Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) đã phát đi cảnh báo sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương. Trung tâm kêu gọi các nhà chức trách nên thực hiện những hành động thích đáng mặc dù chưa rõ trận động đất có gây ra sóng thần hay không.


Vị trí tâm chấn động đất nằm ở ngoài khơi Ấn Độ Dương, cách thành phố Banda Aceh, thuộc tỉnh Aceh, đảo Sumatra, Indonesia 434 km - Ảnh earthquake.usgs.gov

Cảnh báo làm gợi nhớ lại thảm họa sóng thần xảy ra tại Ấn Độ Dương vào năm 2004 làm thiệt mạng 170.000 người ở tỉnh Aceh và 250.000 người trên khắp khu vực cũng như thảm họa động đất, sóng thần kép tại Nhật Bản khiến 19.000 người thiệt mạng vào năm ngoái.

Theo Reuters, cảnh báo sóng thần cũng được phát đi tại Sri Lanka và hai tỉnh Phuket và Phang Nga ở phía nam Thái Lan trong khi Ấn Độ cũng đưa ra cảnh báo sóng thần tại quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương.


Người dân tỉnh Aceh gấp rút chạy lên vùng cao - Ảnh: AFP

Trung tâm cảnh báo thảm họa quốc gia Thái Lan kêu gọi người dân tại sáu tỉnh Phuket, Krabi, Ranong, Phangnga, Trang và Satun hãy di chuyển lên nơi cao và ở càng xa bờ biển càng tốt. Sân bay Phuket đã đóng cửa sau cảnh báo sóng thần, theo Reuters.

Nhà chức trách Malaysia cũng đưa ra cảnh báo sóng thần và thúc giục người dân tại các bang Perlis, Kedah, Langkawi, Penang và Perak bờ biển phía tây hãy sơ tán. Sau đó vài tiếng đồng hồ, Kenya, Tanzania và quần đảo Reunion của Pháp cũng phát đi các cảnh báo tương tự.

Cơ quan Khí tượng Nhật thông báo không có nguy cơ sóng thần sẽ ảnh hưởng đến bờ biển nước này. Nhà chức trách Úc, Đài Loan và New Zealand cũng khẳng định trận động đất tại Indonesia không đe dọa những nơi này.

Vào khoảng 10 giờ, giờ GMT (17 giờ, giờ VN), Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết chưa có báo cáo về thương vong hoặc thảm họa trong trận động đất.

“Tình hình tại Aceh đang được kiểm soát, có một chút hoảng loạn song người dân có thể chạy lên khu vực cao”, ông Yudhoyono phát biểu trong cuộc họp báo tại Jakarta với Thủ tướng Anh David Cameron, người cam kết sẽ sẵn sàng hỗ trợ nếu cần.

Tổng thống Indonesia cũng tiết lộ ông đã ra lệnh cho một đội cứu hộ bay đến Aceh.

Chấn động của trận động đất cực mạnh được cảm nhận tại nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

* Tại Singapore, khu vực phía đông đảo quốc này bị chấn động mạnh trong vòng khoảng 3 phút vào lúc 17 giờ, giờ địa phương. Một số khu vực khác ở mạn tây bắc, gần biên giới với Malaysia cũng bị rung chấn.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên thường trú ở Singapore, chính phủ Singapore không đưa ra cảnh báo gì cho người dân. Đảo quốc này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi dư chấn từ các trận động đất ở Indonesia. Tuy nhiên, các chuyên gia địa chất Singapore cho rằng hòn đảo này nằm ngoài khu vực có thể bị ảnh hưởng ở mức độ tàn phá của động đất.


Người dân tỉnh Aceh, Indonesia, cầu nguyện ngay sau trận động đất - Ảnh: AFP

Trong cảnh báo đầu tiên, PTWC cho hay trận động đất “có thể gây ra sóng thần hủy diệt trên diện rộng vốn có thể ảnh hưởng đến các bờ biển trên khắp Ấn Độ Dương". Tuy nhiên, chuyên gia Bruce Presgrave của USGS nói trận động đất ít có khả năng gây sóng thần.

Vài giờ sau đó, PTWC tiếp tục phát đi cảnh báo sóng thần mới sau khi một đợt dư chấn với cường độ 8,2 độ Richter xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia vào lúc 10 giờ 43 phút, giờ GMT (17 giờ 43 phút, giờ Việt Nam).

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết dư chấn xảy ra cách thành phố Banda Aceh 615 km. Phóng viên của hãng AFP tại Banda Aceh cho biết dư chấn mới kéo dài trong khoảng 4 phút.

Vào lúc 18 giờ 30 phút, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo thảm họa quốc gia Thái Lan Somsak Khaosuwan thông báo một đợt sóng thần nhỏ cao 10 cm đã lan đến bờ biển Andaman của Thái Lan, theo AFP.

Hãng Reuters dẫn lời một nhân chứng tại đảo Simeulue ở gần tâm chấn trận động đất đầu tiên cho biết nước rút xuống khoảng 10 mét trong khi Cơ quan Địa vật lý và Khí tượng Indonesia thông báo phát hiện mực nước biển tại phía tây và phía bắc Aceh đã dâng cao 0,8 mét.

Trong bản tin phát đi vào lúc 18 giờ 54 phút, giờ Việt Nam, PTWC bổ sung rằng “các chỉ số đo đạc mực nước biển gợi ý một cơn sóng thần đang hình thành”.

“Dựa trên các dữ kiện đó, mối đe dọa vẫn tiếp tục trên mọi khu vực duyên hải Ấn Độ Dương”, thông báo cho hay.

Ban đầu, PTWC thông báo khu vực thuộc diện theo dõi sóng thần hiện bao gồm: Indonesia, Ấn Độ, Úc, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Maldives, Malaysia, Mauritius, Reunion, Seychelles, Oman, Pakistan, Somalia, Madagascar, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Yemen, Comores, Mozambique, Kenya, Tanzania, quần đảo Crozet, Bangladesh, quần đảo Kerguelen, Nam Phi và Singapore.

Tuy nhiên, khu vực theo dõi sóng thần sau đó được thu hẹp lại chỉ còn bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives and vùng lãnh thổ Diego Garcia tại Ấn Độ Dương, trong thông báo vào lúc 12 giờ 30, giờ GMT (19 giờ 30 giờ Việt Nam).

Vào lúc 12 giờ 55 phút, giờ GMT (19 giờ 55 phút, giờ Việt Nam), PTWC đã thông báo hủy bỏ những cảnh báo sóng thần được trung tâm phát đi.

"Các chỉ số mực nước biển gợi ý rằng mối đe dọa đã thu nhỏ tại hầu hết khu vực, vì thế việc theo dõi sóng thần do trung tâm phát đi hiện được bãi bỏ", thông báo cho hay.


Địa điểm xảy ra động đất - Ảnh: USGS

Sơn Duân - Thục Minh

Thanh Niên Online

>> Rò rỉ nước mạnh hơn ở đập thủy điện Sông Tranh 2
>> Nơi động đất sóng thần đi qua
>> Viễn cảnh siêu sóng thần ở Nhật Bản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.