Phận đời nghệ sĩ hát rong ở New York thời đại dịch

14/04/2020 09:23 GMT+7

Đằng sau sự xa hoa, lộng lẫy, New York (Mỹ) bây giờ là bức tranh với gam màu xám.

Tôi muốn viết về người hát rong vô danh trên đường phố mà số phận của họ là những trang đời bi kịch, càng được tô đậm trong cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới.
Tôi đã từng ấn tượng về hình ảnh những nghệ sĩ vô danh biểu diễn ở những trạm tàu điện ngầm và Quảng trường Thời Đại (Times Square) ở New York, với giọng hát và những điệu nhảy sôi động đầy cảm hứng chinh phục lòng người. Tôi nhớ mãi những nụ cười tươi tắn khoe hàm răng trắng trên khuôn mặt đen bóng đầy lạc quan khi nhận được những đồng tiền tip và sẵn sàng chụp chung những bức hình kỷ niệm cùng với du khách.
Một nghệ sĩ đường phố biễu diễn bơ vơ đơn độc ở quảng trường Thời Đại vắng hoe Ảnh: Phạm Bích Ngọc

Một nghệ sĩ đứng đơn độc trên Quảng trường Thời Đại vắng hoe

Ảnh: Imani Jones

Tôi không thể quên được một anh người da đen hát hay không thua gì Frank Sinatra khi cất giọng bài New York New York ở trạm điện ngầm đường Canal (Canel street) ở phố Tàu (Chinatown), Manhattan. Lúc đó em trai tôi từ Texas lên thăm tôi và New York lần đầu. Chàng trai trẻ đến từ Texas cứ xuýt xoa về giọng hát ngàn vàng “If I can make it here, I can make it anywhere… New York New York” (Nếu tôi có thể thành công ở đây, tôi có thể thành công ở bất cứ đâu...).
Những nghệ sĩ đường phố phần lớn là người da đen. Họ không hẳn là những người vô gia cư, nhưng một điều chắc chắn rằng họ rất nghèo. Họ chỉ đủ tiền thuê những căn hộ chật hẹp ở phía Đông của Brooklyn hoặc ở Harlem và Bronx để ở chung với nhau.
TP. New York vắng lặng trong đại dịch Ảnh: Phạm Bích Ngọc

New York vắng lặng trong đại dịch

Ảnh: Phạm Bích Ngọc

Số tiền tip của việc hát trên hè phố không thể giúp những nghệ sĩ hát rong có đủ chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ này. Thế nên, họ thường phải làm công việc khác vào ban ngày như phát tờ rơi, phục vụ bàn và chạy Uber. Những nghệ sĩ hát rong sau khi biểu diễn trên đường phố một thời gian, nếu có chút ít may mắn sẽ được mời biểu diễn ở nhà hàng, quán rượu, hay là những chương trình thời trang ca nhạc, các festival ở trường đại học.
Cát-sê ở những nơi này phần lớn rất thấp. Công ty tổ chức show thời trang và ca nhạc mà tôi hợp tác chỉ trả số tiền ít ỏi từ 50 USD đến 200 USD cho các nghệ sĩ tùy theo số bài biểu diễn và độ “hot” dựa trên số lượng người theo dõi (follower) trên Instagram, Facebook và Twitter.
Chuyện quỵt tiền cát-sê rất phổ biến trong giới biểu diễn. Họ không dám hé răng than phiền vì sợ không được mời hát tiếp. Họ trân trọng từng cơ hội được đứng trên sân khấu, dù lớn nhỏ vì đó là bước tiến gần nhất đến khán giả của mình, để tìm kiếm cơ hội nổi tiếng.

Trong cơn bão Covid-19

Khi tất cả trường học, hàng quán, tụ điểm ca nhạc, thời trang bị đóng cửa, những nghệ sĩ đường phố New York cũng mất đi địa điểm biểu diễn hiếm hoi. Và thế là những câu chuyện vốn đã buồn lại càng buồn hơn bắt đầu.
 Biễu diễn trên toa tàu điện ngầm ở TP.New York Ảnh: Phạm Bích Ngọc

Biễu diễn trên toa tàu điện ngầm ở New York

Ảnh: Phạm Bích Ngọc

L.J, 37 tuổi, một nghệ sĩ chuyên hát nhạc R&B và rap, là người cha đơn thân của một bé trai bị tự kỷ 5 tuổi, phải làm khẩu trang thủ công để bán trên mạng xã hội. Anh không dám ra đường làm những công việc khác vì sợ đem virus Corona về cho đứa con trai vốn đã yếu đuối cả về thể chất lẫn tinh thần. Là một nghệ sĩ nên nghề nghiệp của L.J được coi là nghề tự do. Anh không có được bất cứ bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội nào cho bản thân và con trai khi ốm đau hay gặp tai nạn. Thật đáng thương vì tôi biết rõ hoàn cảnh của L.J, với những quãng đời buồn. Cha anh đã bỏ rơi mẹ con L.J trước khi anh ra đời. Lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế đói nghèo ở khu ổ chuột Bronx tại New York, L.J chỉ dựa vào niềm đam mê ca hát để cố gắng thay đổi cuộc đời mình, để vươn lên không sa ngã vào con đường tội phạm. L.J thường biểu diễn trước các hội chợ. Nhưng không, cả 10 năm nay, ca hát chỉ đem lại cho anh một nguồn sống ít ỏi. Và bây giờ, với cơn bão Covid-19 này, anh và con trai sẽ sống ra sao? Tôi tự hỏi.
Starschaser (nghệ danh), 24 tuổi, là một người nhập cư từ Trung Mỹ cùng mẹ và 5 chị gái sống trong căn hộ 3 phòng ngủ ở Harlem. Em thường biểu diễn trước các cửa hàng cà phê và quán rượu để tìm kiếm sự chú ý. Em vừa được mời biểu diễn cho một show thời trang và kể với tôi: “Nếu nổi tiếng, em sẽ có thể mua một căn nhà rộng hơn cho mẹ và các chị”. Vậy mà…!
T-mani, 39 tuổi, nghệ sĩ hát nhạc Afrobeats, là một trường hợp hiếm hoi tạo được chút ít tên tuổi, từ nghệ sĩ hát rong vỉa hè đến nghệ sĩ biểu diễn ở các tụ điểm âm nhạc nhỏ. Anh đã được mời đến biểu diễn tại Trường đại học Brooklyn vào mùa lễ hội Halloween tháng 10 năm ngoái. Gặp lại tôi, anh tâm sự rằng đã không còn thu nhập từ tháng 3 khi có lệnh đóng cửa vì dịch bệnh. Nếu tiếp tục như thế này, anh phải về Nigeria quê hương anh để sống tạm qua cơn khốn khó. Anh nói với tôi là chưa bao giờ thấy New York tồi tệ như lúc này.

Một nghệ sĩ đường phố ở New York

Ảnh: Imani Jones

Và còn rất rất nhiều nghệ sĩ đường phố như Imani, Linda, Anna, Maria, Frekan, Nikki, Miranda… mà tôi biết. Họ đã từng biểu diễn cho công ty tôi. Họ đã từng cùng dự tiệc mừng với tôi sau những buổi biểu diễn thành công. Họ đã từng chia sẻ với tôi những câu chuyện về cuộc đời, về những giấc mơ được phát hiện tài năng và trở nên nổi tiếng. Nhưng họ là những người bị ảnh hưởng lớn nhất từ Covid-19.
Những ngày vừa qua, báo chí ngập tràn tin tức và hình ảnh về những xác chết không tên tuổi, không có thân nhân ở các bệnh viện tại New York, mà phần lớn là người da đen. Những xác chết này được chôn vội vàng ở những ngôi mộ vô danh. Tôi tự hỏi, trong số đó, có những nghệ sĩ đường phố nào mà tôi đã từng đứng lại say sưa lắng nghe, đã từng chụp hình với họ, hay là những nghệ sĩ từng biểu diễn ở công ty tôi? Tất cả đều là ẩn số! New York tang thương trong trận dịch này. Và số phận những người hát rong da đen cũng không thoát khỏi thảm cảnh.
Rất nhiều nghệ sĩ hát rong trẻ tuổi đến New York biểu diễn và tìm kiếm cơ hội được nổi tiếng trong showbiz, là những người sáng tạo nghệ thuật trên đường phố. Họ đã đánh đổi rất nhiều thứ, và lần này đây có thể là tính mạng của chính mình, trong những ngôi mộ vô danh, không ai biết đến.
Biễu diễn trong mùa dịch, một nghệ sĩ đứng trước gương hát và nhảy rồi quay video lại Ảnh: Phạm Bích Ngọc

Biễu diễn trong mùa dịch, một nghệ sĩ đứng trước gương hát và nhảy rồi quay video lại

Ảnh: Phạm Bích Ngọc

Khi nghĩ về họ trong những ngày này, bỗng dưng tôi tự hỏi, liệu mình có khập khiễng không khi liên tưởng đến những người nghệ sĩ ấy, bằng hai câu thơ của Vũ Đình Liên:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ”
Rồi bỗng nhiên, tôi yêu tiếng hát dập dìu, du dương ở các trạm điện ngầm và đường phố đông đúc ở New York những ngày nào. Họ đã từng làm nên một phần thanh âm riêng của thành phố này, không nơi nào có được.
Nhưng có lẽ, một phần trong số họ đã rời khỏi cuộc đời trong cô đơn. Còn tôi thì cố rũ bỏ đi ý nghĩ ấy với lời thầm thì luôn vẳng bên tai: không thể nào!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.