Phát hiện tiểu hành tinh sớm 3 giờ trước khi nó nổ tung trên Berlin

23/01/2024 10:06 GMT+7

Lần thứ 8 trong lịch sử, các nhà khoa học phát hiện một tiểu hành tinh trước khi nó nổ tung trên bầu trời địa cầu, và lần gần nhất mới xảy ra bên trên Berlin, thủ đô Đức, hôm 21.1.

Phát hiện tiểu hành tinh sớm 3 giờ trước khi nó nổ tung trên Berlin- Ảnh 1.

Quả cầu lửa trên bầu trời Berlin rạng sáng 21.1

CHỤP TỪ X

Rạng sáng 21.1 (giờ địa phương), một tiểu hành tinh cỡ nhỏ đã đâm vào trái đất, phát nổ và tạo ra một quả cầu lửa bên trên bầu trời Berlin, theo Live Science hôm 23.1.

Tiểu hành tinh có tên 2024 BXI được phát hiện đầu tiên bởi một người săn tiểu hành tinh Krisztián Sárneczky. Ông là nhà thiên văn học đang công tác tại trạm thiên văn trên đỉnh núi Piszkéstető, thuộc một phần của Đài Thiên văn Konkoly ở Hungary.

Chuyên gia Sárneczky đã nhận ra tiểu hành tinh trên nhờ vào kính viễn vọng Schmidt tại đài thiên văn. Ngay sau khi ông Sárneczky thông báo về phát hiện của mình, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dự báo chi tiết về địa điểm và thời điểm tiểu hành tinh sẽ lao xuống trái đất.

"Hãy nhìn lên bầu trời: Một tiểu hành tinh nhỏ sẽ nổ tung và hóa thân thành một quả cầu lửa vô hại ở phía tây Berlin, gần Nennhausen ngay sau 1:32 giờ 21.1 (7 giờ 32 ngày 21.2 giờ Việt Nam). Có thể thấy được sự kiện này nếu bầu trời quang đãng", NASA thông báo trên X (tên cũ Twitter).

NASA hé lộ "thành phần cốt yếu" liên quan sự sống trong mẫu vật tiểu hành tinh

Nhà thiên văn Sárneczky đã phát hiện hàng trăm tiểu hành tinh trong những năm gần đây, và là người đầu tiên thông báo về sự xuất hiện của tiểu hành 2022 EB5 khoảng 2 giờ trước khi nó lao vào khí quyển trái đất.

Theo Cơ quan Không gian châu Âu, có đến 99% số tiểu hành gần trái đất có kích thước dưới 30 m vẫn chưa được phát hiện. Kích thước tiểu hành tinh càng nhỏ thì thời gian phát hiện càng bị rút ngắn lại, gây cản trở cho nỗ lực cảnh báo của giới chuyên gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.