Phẫu thuật lấy hơn 400 viên sỏi túi mật cho bệnh nhân

Đình Tuyển
Đình Tuyển
06/04/2023 10:24 GMT+7

Nữ bệnh nhân 44 tuổi thường ăn uống khó tiêu, đau hạ sườn phải nhập viện điều trị, phẫu thuật thì phát hiện có hơn 400 viên sỏi túi mật.

Ngày 6.4, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP.Cần Thơ cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cho một bệnh nhân có hơn 400 viên sỏi túi mật.

Trước đó, bệnh nhân N.T.S (44 tuổi, ngụ TX.Bình Minh, Vĩnh Long) nhập viện sau khi xuất hiện tình trạng ăn uống khó tiêu, đau hạ sườn phải thường xuyên.

Qua tìm hiểu bệnh sử, bệnh nhân S. cho biết đã phát hiện sỏi túi mật hơn 4 năm nay, khi còn đi làm công nhân ở Bình Dương. Tuy nhiên, do thấy bệnh không gây đau đớn nhiều và tâm lý sợ phẫu thuật cắt bỏ túi mật nên mỗi lần đau bệnh nhân chỉ đến phòng khám tư hoặc tự mua thuốc uống cầm chừng.

Mổ nội soi cho bệnh nhân có hơn 400 viên sỏi túi mật - Ảnh 1.

Hơn 400 viên sỏi được lấy ra từ túi mật của bệnh nhân S.

ĐÌNH TUYỂN

Thời gian gần đây, bệnh nhân ăn uống khó tiêu, thường xuyên đau hạ sườn phải nên đến BVĐK TP.Cần Thơ để khám bệnh và điều trị. Qua khám lâm sàng và siêu âm bụng tổng quát, các bác sĩ phát hiện trong túi mật của bệnh nhân có rất nhiều viên sỏi gây biến chứng viêm túi mật cấp. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật để tránh những biến chứng nguy hiểm.

TS.BS La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK TP.Cần Thơ, phẫu thuật viên chính kíp mổ, cho biết mất khoảng 30 phút, ca mổ cắt túi mật nội soi cho bệnh nhân S. đã thành công. Sau khi lấy túi mật ra, các bác sĩ phát hiện trong lòng túi mật bệnh nhân chứa hơn 400 viên sỏi cholesterol và sỏi hỗn hợp, kích thước từ 2 - 10 mm. Đây cũng được xem là một trong những bệnh nhân có nhiều sỏi trong lòng túi mật nhất được phẫu thuật tại BVĐK TP.Cần Thơ. Sau phẫu thuật 24 giờ, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục, ăn uống tốt.

Cũng theo TS.BS La Văn Phú, sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng tăng ở Việt Nam cũng như các nước trong châu Á. Có một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật như: phụ nữ, trên 40 tuổi, sinh đẻ nhiều và thừa cân, béo phì. Khi chưa có biến chứng, dấu hiệu của sỏi túi mật không rầm rộ, thường là ăn chậm tiêu và đau âm ỉ vùng hạ sườn phải. Siêu âm là phương tiện hữu hiệu nhất để chẩn đoán sỏi túi mật khi chưa có biến chứng.

Tuy nhiên, bệnh sỏi túi mật nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nặng như viêm túi mật cấp hoại tử dẫn đến nhiễm trùng huyết hay viêm phúc mạc, hoặc sỏi có thể di chuyển xuống ống mật chủ. Trong những trường hợp này điều trị rất phức tạp, tốn kém và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khi đó, bệnh nếu được chẩn đoán và điều trị khi chưa có biến chứng thường cho kết quả tốt, chi phí thấp. "Hiện nay phẫu thuật nội soi cắt túi mật là tiêu chuẩn vàng để điều trị bệnh lý này và hầu hết các bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật này một cách thường quy", BS Phú nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.