Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

'Phim Hàn Quốc tới đâu các sản phẩm của Hàn đi ra thế giới tới đó'

Mai Hà
Mai Hà
22/12/2023 14:12 GMT+7

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, việc phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ bài học đi trước của Hàn Quốc.

Chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa sáng 22.12, Bộ trưởng NN-PTNT dẫn lại một vài câu chuyện về Hàn Quốc. 

'Phim Hàn Quốc tới đâu các sản phẩm của Hàn đi ra thế giới tới đó'- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

NHẬT BẮC

Theo ông, đảo Nami là trường quay Bản tình ca mùa đông đã là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch, ảnh hưởng tới xu hướng thời trang. 

"Lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn. Phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hóa. Phim trường Dae Chang Kum tạo ra một quần thể du lịch để thu hút khách du lịch. Một phim trường của bộ phim về thần y tạo ra nghề bán thuốc cho làng", Bộ trưởng Hoan nói.

Theo ông, có thể nhìn văn hóa ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hóa.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc.

Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả. Sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. 

Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng.

"Nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc. Bộ VH-TT-DL cần khai phá ra những không gian phát triển mới", ông Hoan nói.

Trước đó, trong báo cáo, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đề xuất Chính phủ cần hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp văn hóa cần thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Tới năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD).

Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. 

So sánh số liệu thống kê sau 7 năm với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.