Vượt qua cuồng phong - Kỳ 2: Cuộc sinh tồn cuối cùng

28/10/2009 10:33 GMT+7

Đang lặn tìm hải sâm ở độ sâu gần 60m nước dưới đáy biển thì đầu dây giật giật báo hiệu trên tàu gọi Nguyễn Văn Đức phải lên. Biết có chuyện bất thường khẩn cấp nhưng anh không thể nổi ngay được.

Đức nhớ hôm đó phải dừng lại giảm áp ở các tầng nước hơn một giờ mới lên tới mặt biển. Bầu trời đã tối om, mây đen vần vũ báo hiệu cuồng phong dữ dội đang đến.

Bức tường bão

Chín người trên tàu QNg 95177TS, kể cả thuyền trưởng, đều phải hối hả công việc tránh bão. Chỉ mình Đức mới lặn biển nên được tạm nghỉ ngơi. Thuyền trưởng dặn Đức: “Nghỉ chút đi để lát bão đến còn có sức phụ anh em tát nước”. Thuyền trường vừa nói vừa cho tàu chạy hết tốc lực vào đảo nhỏ ở Hoàng Sa để tránh bão. Đã hơn một năm trôi qua cơn bão số 1 (Neoguri) hồi tháng 4-2008 ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng đến nay Đức vẫn nhớ mãi những ngày kinh hoàng trên biển đó.

Đức kể lúc đó tàu QN 95517 với mười thuyền viên đã lênh đênh trên biển được bảy ngày. Ngoài sáu người Quảng Ngãi, ba thợ lặn Tuấn, Đạt, Anh đều là bạn của Đức. Nhóm bạn trẻ này mới trên dưới 20 tuổi, cùng quê ở làng lặn Vĩnh Hòa, Nha Trang. Chính thuyền trưởng Nguyễn Văn Ngữ từ Quảng Ngãi vào tận nơi mời họ đi lặn biển sâu tìm hải sâm, tôm, điệp, ốc và các loại cá quý ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ hai Đức đi tàu này. Lần trước anh đã mò mẫm dưới đáy biển trong chuyến ra khơi kéo dài gần một tháng.

Hôm bão số 1 ập đến vùng biển này, thuyền trưởng Ngữ cố cho tàu chạy vào đảo trú. Tàu mới rền rĩ vượt được hơn 10 hải lý thì cuồng phong đã như bức tường tử thần chặn đứng lối thoát của họ. Gió giật cấp 12-13. Sóng biển quả núi nối tiếp nhau quật vào chiếc tàu cá bằng gỗ nhỏ bé, cũ kỹ cùng mười sinh mạng ngư dân mong manh.

Thuyền trưởng Ngữ cùng cha là chủ tàu Nguyễn Huê cố bình tĩnh dùng hết kinh nghiệm của mình để chèo chống con tàu thoát khỏi luồng bão nguy hiểm. Mới 22 tuổi, Ngữ đã là một ngư dân kỳ cựu với gần bảy năm kinh nghiệm ngang dọc trên biển. Nhiều lần Ngữ đã bị bão nhưng vẫn sống sót trở về. Anh tin lần này mình cũng sẽ lại làm được như thế.

Chiếc tàu bị sóng quăng quật tơi tả. Nước bao trùm lên nó. Vài ngư dân bắt đầu hoảng hốt. Thuyền trưởng Ngữ cứng giọng quát mọi người bình tĩnh: “Khóc lóc thì được gì? Phải kiên cường chống chọi để còn có ngày mà về với vợ con”. Nhưng gió bão càng lúc càng khốc liệt. Chiếc tàu gỗ nhỏ, máy yếu tiến lên không được mà lùi cũng không xong. Thuyền trưởng Ngữ biết lúc này mà liều lĩnh vượt lên thì sóng sẽ đánh vỡ chiếc tàu. Anh buộc phải quyết định thả neo để trụ lại chờ cơn bão đi qua. Đây là hành động sinh tồn cuối cùng của ngư dân đi biển bị rơi vào cuồng phong.

Chia lìa

Đến nửa đêm thì tâm bão ập đến tọa độ tàu đang neo đậu. Bây giờ Đức vẫn nhớ mãi cả ba chiếc neo cố định tàu giữa biển đều bị sóng bão giật đứt dây. Thuyền trưởng kêu đổ gần như tất cả dầu máy xuống biển để giảm bớt sóng, chỉ để lại duy nhất thùng phuy 200 lít để chạy tàu vào bờ nếu qua khỏi bão.

Rồi chiếc máy phát điện nặng gần 50kg cũng được cột dây thả xuống biển làm neo tạm. Nhưng những cuộn sóng như ngôi nhà mấy tầng vẫn ào ào quất thẳng vào tàu. Nước phủ tràn lên boong, rồi chảy xuống dâng ngập hầm. Hai máy bơm hai bên mạn tàu hoạt động liên tục. Các thuyền viên hối hả dùng sức tay tát nước thêm vẫn không kịp. Lát sau, cả hai máy bơm đều bất ngờ bị cháy và ngừng hoạt động.

Đúng lúc nguy hiểm đó, dây neo bị đứt lại quấn rịt vào chân vịt. Chiếc tàu gần như bị mất kiểm soát hoàn toàn. Máy liên lạc Incom cũng hư, không thể gọi về đất liền. Tất cả mười người trên tàu, kể cả cha con thuyền trưởng, mặt đều biến sắc. Nhiều người bật khóc. Quanh năm sống trên đầu sóng ngọn gió, họ biết tình huống nguy hiểm cận kề khi con tàu phải trôi nổi tự do trong bão.

Nhìn bạn bè khóc, Đức cũng khóc nhớ về cha mẹ. Anh quặn đau nghĩ có lẽ mình sẽ không thoát khỏi cơn cuồng phong này. Thuyền trưởng Ngữ biết tính mạng các ngư dân đã mong manh treo trên đầu sóng. Anh cố trấn tĩnh và đã hành động đúng là bắt tất cả mọi người phải ráng nhai ít nhất một gói mì và uống hộp sữa mang theo, để có gì cũng còn sức lực chống chọi với bão tố.

Gần sáng thì một cuộn sóng quả núi đánh nứt đuôi tàu. Rồi một cuộn sóng khác bồi thêm làm nó toác ra. Nhưng tàu vẫn trồi hụp, chưa chìm hẳn. Mọi người hối hả dùng dây thừng cột các can 20 lít thành một phao dài chung cho tất cả. Tuy nhiên, thuyền trưởng vẫn chưa cho mọi người nhảy xuống biển. Anh yêu cầu tất cả chỉ cột dây phao vào tay trái, để tay phải còn xoay xở, và ngồi trên boong chờ cho tàu chìm hẳn.

Quyết định của vị thuyền trưởng trẻ để các ngư dân thêm chút thời gian dưỡng sức trước khi buộc phải xuống biển. Nhưng Ngữ lại không cho họ cột thêm mấy chai nước uống vào người. Anh nói khi xuống biển chúng sẽ thành vật nặng nguy hiểm, làm ngư dân mau đuối sức.

Khoảng 30 phút sau tàu chìm hoàn toàn. Chùm can dài quăng quật trong sóng bão. Mười con người cố bám víu vào đó. Thuyền trưởng hét: “Người mạnh đỡ bạn yếu. Sống cùng hưởng, chết cùng chia!”. Trong họ có người bị tật chân trái. Anh có thể lặn sâu nhưng lại bơi yếu nên chống chọi một lát thì kiệt sức. Đức kè bên cạnh, phải nhiều lần quàng tay nâng đầu anh.

Bên thuyền trưởng Ngữ, người cha Nguyễn Huê cũng đuối dần. Ngữ ứa nước mắt nhìn cha. Thường thì hai cha con ít đi cùng để nếu gặp nạn cũng còn người sống, nhưng chuyến đi định mệnh này họ lại bên nhau. Ông Huê có mẹ già 80 tuổi đang ngóng con, cháu ở nhà. Còn Ngữ mới cưới vợ chưa đầy năm.

Hồi tưởng chuyện xưa, Đức ngậm ngùi nhớ mười ngư dân chịu đựng được khoảng hai giờ thì sóng lớn bất ngờ giật dây cột bè phao đứt rời hai đoạn. Một đoạn ba người, đoạn bảy người. Hai bên cố bơi đến gần nhau để nối lại dây phao nhưng sóng bão cứ đánh bật họ ra xa hơn. Lát sau, đoạn phao ba người của Đức lại bị giật tung.

Đức quào tay cố chụp lấy anh ngư dân khuyết tật, nhưng sóng đánh văng mỗi người một hướng. Lúc đầu Đức còn thấy anh chới với, rồi chìm dần. Đức ứa nước mắt bất lực. Đức độc thân nhưng hai người chung phao đều đã có con nhỏ. Vài phút sau không ai thấy được ai nữa. Tuy nhiên, Đức còn nghe được tiếng gọi nhau rồi mất hẳn.

Đức một mình tiếp tục bị vùi dập trong sóng bão. Anh nửa tỉnh nửa mê lẩm bẩm cầu khấn ông bà, thần thánh trên trời dưới biển đưa đường dẫn lối cho mình vượt qua cuồng phong khủng khiếp này.

Theo Quốc Việt / Tuổi Trẻ

Bốn ngày đêm một mình vùi dập trong bão biển, Đức kiệt sức, sắp chìm xuống đáy đại dương. Nhưng những may mắn như phép lạ đã đến với người ngư dân trẻ.

 >> Kỳ 1: Hải trình định mệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.