Chuyện bảo vệ chính khách: Lỗ hổng xung quanh ông Berlusconi

15/12/2009 22:38 GMT+7

Sự kiện Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bị một gã đàn ông táng vào mặt đến gãy cả răng đã đặt ra câu hỏi lớn về công tác bảo vệ các lãnh đạo quốc gia. Mời nghe đọc bài

Ông Berlusconi là một "lãnh đạo của công chúng". Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vị thủ tướng tỉ phú này thường không từ chối bất cứ cái tay nào chìa ra từ đám đông. Ông còn chìa tay bế các em bé, ôm người này người kia, vẫy tay hoặc nháy mắt.

Nhưng sự kiện xảy ra hôm 13.12 có thể khiến ông Berlusconi phải điều chỉnh lại một chút. Sau bài diễn văn tại nhà thờ trung tâm thành phố Milan, như mọi khi, ông Berlusconi lại sà vào đám đông ủng hộ viên. Nhiều người chen lấn để được tiếp cận ông, được ông ký tặng, hoặc thậm chí một cái bắt tay. Hấp lực từ Berlusconi thì khỏi phải bàn. Ngay cả khi không làm thủ tướng thì ông ta cũng là một trong những người giàu nhất hành tinh mà.

Nhưng không phải tất cả những người xoay xở để tiếp cận ông Berlusconi hôm đó đều có thiện chí. Có một người đàn ông - tên là Massimo Tartaglia - tiến tới với một mô hình nhà thờ Milan bằng thạch cao trên tay. Chẳng nói chẳng rằng, hắn ta táng mạnh vật cứng cầm trên tay vào mặt vị thủ tướng giàu có. Ông Berlusconi mặt đầm đìa máu như một tay đấm quyền Anh hạng nặng bị dính đòn trên võ đài. Thông tin sau đó cho biết ông bị gãy hai cái răng.

Bảo vệ kém

Đến hôm qua, Thủ tướng Berlusconi vẫn còn nằm viện. Theo AFP, các bác sĩ nói rằng hôm nay ông có thể xuất viện và trong khoảng hai tuần thì ông nên tránh các hoạt động công chúng. Tại bệnh viện, ông Berlusconi cảm thấy đau đầu và ăn uống khó khăn. Hung thủ Tartaglia, 42 tuổi, cũng vừa gửi thư xin lỗi tới thủ tướng và nói rằng mình "hành động một mình" cũng như không thuộc tổ chức chính trị quân sự nào. Vụ tấn công ông Berlusconi đã gây ra một làn sóng phẫn nộ khắp nước Ý.

Xem đoạn phim quay vụ tấn công ông Berlusconi, có thể thấy hung thủ Tartaglia đã ra tay khá dễ dàng. Trong khi ông Berlusconi loay hoay bắt tay với người này người kia thì hung thủ từ trong đám đông lao tới và ném vật cứng vào mặt ông. Cú ném chính xác đã khiến người đàn ông 73 tuổi rách mặt và gãy răng. Đội ngũ bảo vệ ông Berlusconi đã khá vất vả phản ứng giữa đám đông dù rốt cuộc cũng khống chế được kẻ tấn công.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao lãnh đạo của một nước phương Tây hàng đầu lại bị tấn công dễ dàng như vậy? Vì sao một kẻ cầm vật cứng lại có thể tiến gần tới nhà lãnh đạo đến vậy để ra tay? Vụ việc hẳn đã rất nghiêm trọng nếu hung thủ cầm một loại vũ khí nguy hiểm hơn cái mô hình nhà thờ bằng thạch cao.

Điều đầu tiên có thể nói đó là việc bảo vệ cho một vị lãnh đạo luôn có thói quen sà vào đám đông như ông Berlusconi là nhiệm vụ hết sức khó khăn cho bất cứ đội cận vệ nào. Trong sự kiện hôm 13.12, có thể thấy vị thủ tướng dường như bị kẹt giữa đám đông. Ông phải xoay xở hết mình mới bắt tay được một vài người. Trong hoàn cảnh đó, dù hai bên và phía trước mặt có ít nhất 4 người bảo vệ ở cự ly gần, thì khả năng ông Berlusconi bị ai đó tấn công cũng trở nên dễ dàng. Giữa đám người như nêm ấy, việc xoay xở của những người làm công tác bảo vệ trở nên rất khó khăn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là lấy hoàn cảnh để bào chữa cho sự yếu kém của công tác bảo vệ. Việc để một người cầm vật cứng tiến gần tới yếu nhân là lỗi nghiêm trọng. Để người đó ra tay trúng mục tiêu thì càng không thể tha thứ. Và quan trọng hơn, để yếu nhân và chính bản thân đội bảo vệ rơi vào tình huống khó khăn là điều nên được tiên liệu để tránh. Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni đã nói rằng công tác bảo vệ trong ngày 13.12 là "quá kém".

Xã hội Ý từ lâu đã có nhiều vấn đề đau đầu về tội phạm, đặc biệt là các băng nhóm mafia được tổ chức chặt chẽ. Các vụ bắn giết xảy ra liên tục. Thế nên, không cần phải là lãnh đạo quốc gia, mấy vị nhà giàu cũng thường sắm cho mình một vài vệ sĩ riêng.

Với vị thế là thành viên NATO, đồng minh của Mỹ, đã gửi quân tham chiến bên cạnh Mỹ tại Iraq và Afghanistan, Ý và lãnh đạo nước này cũng "đủ tiêu chuẩn" để trở thành mục tiêu ưu tiên của quân khủng bố. Ấy thế mà lực lượng bảo vệ đã để lộ ra một kẽ hở chết người. Cũng may kẻ tấn công Tartaglia không phải là một sát thủ chuyên nghiệp, mà theo thông tin ban đầu là một người có tiền sử bệnh thần kinh.

Vệ sĩ ở đâu?

Hầu hết lãnh đạo các quốc gia đều có đội ngũ bảo vệ chuyên biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là Cơ quan Mật vụ của Mỹ, chuyên bảo vệ tổng thống và thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng khác. Mỗi lần tổng thống hoặc phó tổng thống Mỹ xuất hiện tại nơi công cộng, người ta thường thấy có hàng loạt vệ sĩ áo đen. Đó là chưa kể đội ngũ chống bắn tỉa đứng ngồi khắp nơi trong khu vực xung quanh. Ấy thế mà có lần ông George W.Bush cũng bị ném giày ở Iraq hoặc bị ném lựu đạn hụt tại Georgia.

Ở Ý lại khác. Tổng thống Ý có một đơn vị quân đội mang tên Corazzieri. Lực lượng này gồm các thành viên tinh nhuệ và đội lễ binh làm công tác bảo vệ cũng như "làm cảnh" cho tổng thống. Tuy nhiên, thủ tướng lại không có hoặc không muốn đặc ân đó. Theo hãng truyền hình Euronews, ông Berlusconi không có đội vệ sĩ riêng mỗi khi tiếp xúc với cử tri. Đảm trách an ninh trong các dịp này là cảnh sát địa phương. Trong sự kiện ngày 13.12, cảnh sát Milan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ông Berlusconi. Đương nhiên là mỗi khi vị thủ tướng xuất hiện, cảnh sát địa phương sẽ cử những tay tinh nhuệ nhất của mình để bảo vệ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể làm tốt công việc bằng một đội chuyên nghiệp kiểu như Mỹ.

Sự trống vắng xung quanh ông Berlusconi quả là lạ, bởi ngay cả với địa vị là một tỉ phú truyền thông, chắc hẳn ông cũng có một đội ngũ vệ sĩ riêng kè kè sát nách bất cứ nơi đâu và lúc nào. Nhưng ở cương vị thủ tướng, khi xuất hiện trước công chúng, ông lại phải nhờ tới sự che chắn của cảnh sát địa phương.

Trong quá khứ, khi ông Berlusconi chưa lên đỉnh cao chính trường, đã có chuyện không hay lắm liên quan tới vấn đề vệ sĩ của ông. Vào tháng 11.2009, một cựu thành viên mafia tên là Gaspare Mutolo, 69 tuổi, nói rằng mafia Sicily từng lên kế hoạch bắt cóc ông Berlusconi thời ông này còn là một nhà đầu tư bất động sản lớn hồi thập niên 1970. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã bị hủy bỏ vì mafia Sicily biết được rằng ông Berlusconi đã thuê một tay giang hồ cộm cán là Vittorio Mangano làm vệ sĩ. Ông Berlusconi đã nỗ lực bác bỏ các cáo buộc rằng ông có những mối dính líu kiểu này với mafia. Nhưng đám mây tin đồn thì vẫn cứ lởn vởn, chưa bao giờ tan.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.