Bé 5 tuổi phát hiện hóa thạch hiếm

07/11/2008 14:34 GMT+7

Lần đầu tiên tham gia chuyến săn lùng khảo cổ với gia đình mình, dưới sự giúp đỡ của bố là ông Jame, 33 tuổi, cô bé Emelia Fawbert mới 5 tuổi đã đào được mảnh xương hóa thạch của loài tê giác có lông khoảng 50.000 năm tuổi tại Công viên Cotswold Water, gần Cirencester, Gloucestershire, Anh quốc.

Khúc xương dài 40,64 cm là của loài tê giác có lông thuộc kỷ nguyên băng giá. Cô bé cùng bố mình đã dùng một cái bay để nạy khúc xương lên, gói trong một chiếc túi đặc biệt trước khi mang đến hiến tặng cho viện bảo tàng.

Phát hiện mộ pháp sư cổ nhất

Các nhà khảo cổ học Israel cho biết họ vừa phát hiện được ngôi mộ của một nữ pháp sư xưa nhất thế giới. Ngôi mộ này xuất hiện khoảng 12 ngàn năm trước, trong mộ chứa bộ xương của một người phụ nữ lớn tuổi và nhiều vết tích của các loài động vật.

Ngôi mộ này được tìm thấy tại vùng nội địa cách bờ biển Địa Trung Hải khu vực thuộc Israel 14 km. Đây là nơi mà từ 11-15 ngàn năm trước đã từng là vùng phát triển văn hóa của người Natufian. Nữ pháp sư trong mộ cao khoảng 1,5 mét và tuổi chừng 45. Vật tùy táng không phải là công cụ lao động, săn bắn hay vũ khí như thông thường mà là 50 khúc xương rùa sắp đặt khá lạ, một bộ phận của lợn rừng, chim ưng, bò, báo, chồn và cả bàn chân người.

Nấm sản sinh nhiên liệu sinh học

Một loại nấm sống ký sinh trên cây có khả năng sản sinh ra nhiên liệu sinh học vừa được phát hiện tại Nam Mỹ.

Các chuyên gia tin rằng loài sinh vật có tên Gliocladium Roseum hoàn toàn có thể trở thành nguồn nhiên liệu sạch. Loài nấm này sống trên cây du (Ulmo) trong rừng mưa nhiệt đới Pantagonia, có thể sản xuất nhiên liệu carbonhydrat tương tự như loại dầu diesel đang chạy xe hơi và xe tải. Các nhà khoa học đã hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến nấm Gliocladium Roseum có thể chuyển trực tiếp chất xơ (cellulose) thực vật trở thành nhiên liệu sinh học được đặt tên là Myco-diesel.

Tạ Xuân Quan
(Theo Dailymail, nationalgeographic.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.