Phim của đạo diễn Việt kiều: Đẹp, buồn và... vắng khách!

23/12/2006 11:24 GMT+7

Cuộc tọa đàm về phim do đạo diễn Việt kiều làm, nếu xét về công tác tổ chức, đã không thể được xem là "thành công tốt đẹp" bởi vì chỉ có một đạo diễn Việt kiều duy nhất là Hồ Quang Minh đến dự. Dòng phim do Việt kiều thực hiện đã và đang có mặt trong đời sống điện ảnh Việt như một thực thể sinh động với những hay - dở, được - mất của nó, và cần được đánh giá một cách công bằng - không phải bằng sự kỳ thị, cũng không phải bằng sự tôn vinh những giá trị ảo.

Đứng giữa dòng... ngờ vực

Ngay từ khi manh nha ý định làm phim tại Việt Nam, những đạo diễn Việt kiều đã phải đứng giữa dòng ngờ vực (nhưng xin khẳng định điều này vốn không phải chỉ dành cho Việt kiều mà còn dành cho mọi đạo diễn vì chúng ta đang trong thời buổi đói thông tin!). Khi người-từ-bên-ngoài về làm phim, không ít người-ở-bên-trong kháo nhau: "Anh ta là ai?",  "Anh ta có bằng cấp gì?", "Anh ta có hiểu biết gì về cách làm phim ở Việt Nam không?", "Liệu phim anh ta có thể ăn khách ở Việt Nam không?"... vân vân và vân vân! Và, dư luận nhiều khi cũng sớm nắng chiều mưa trưa mát mát vì khi thì khen ngợi tới mây xanh, lúc thì chê sát ván chẳng ngóc đầu lên được. Chẳng thế mà có một đạo diễn phim ăn khách tuyên bố là ai nói họ (đạo diễn Việt kiều) chuyên nghiệp là người... thiếu hiểu biết bởi họ làm phim ế chỏng ế chơ lại chẳng hiểu biết gì về cách làm phim ở tại xứ sở điện ảnh kém phát triển như ta cả. Có người lại “trách" các đạo diễn Việt kiều "lạm dụng chất Việt Nam để kéo khách nước ngoài", thậm chí, gọi dòng phim này là "cải lương" (kiểu này thì miệt thị cải lương hay tôn vinh cải lương nhỉ?). Cũng có người khen ngợi và xem như là "một giá trị văn hóa đời sống của phim truyện Việt Nam"...

Đúng sai còn là chuyện tranh cãi nhưng trước hết, những ý kiến "đánh" nhau chan chát như vậy đã thể hiện sự quan tâm (cả tích cực lẫn tiêu cực) về dòng phim này. Và, theo quy luật sáng tạo nghệ thuật thì tác phẩm khi đến với công chúng sẽ chịu sự lượng giá của công chúng (trong số công chúng này có cả nhà phê bình - một lớp công chúng đặc biệt góp phần định hướng dư luận).

Cảnh trong phim Thời xa vắng. Ảnh: Tư liệu

Những bài thơ đẹp và buồn

Có thể thấy những không gian bàng bạc nỗi buồn trong một vẻ đẹp u hoài của Việt Nam trên phim do các đạo diễn Việt kiều thực hiện. Đó là không gian của Hà Nội - chật hẹp và ngột ngạt nhưng duyên dáng theo kiểu riêng - trong các phim của Trần Anh Hùng. Đó là vẻ đẹp bảng lảng khói sương của đồng bằng Bắc Bộ trong Hạt mưa rơi bao lâu, Thời xa vắng. Đó là không gian mênh mang nước nổi với màu xám, trắng của đồng chiều Nam Bộ trong Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Có một điều dường như nghịch lý khi "người từ nơi phồn hoa đô hội" lại đi chắt chiu những vẻ "đẹp xưa" làm hành trang chính cho phim của họ: một tập tục (có lẽ) đã thất truyền trong Mùa len trâu, những thân phận bi kịch của người phụ nữ mang nét điển hình trong xã hội phong kiến Việt Nam trong Hạt mưa rơi bao lâu, một chiếc áo dài - ngày nay đã "xa lạ" ít nhiều với thiếu nữ Việt hiện đại trong Áo lụa Hà Đông... Còn người sống trong cội nguồn văn hóa Việt lại hướng đến đua xe, gái nhảy, trai nhảy và những âm mưu tống tiền, tống tình (!). Những "đẹp xưa" mà các đạo diễn Việt kiều chăm chút trong phim đều rất... tinh tế. Nhưng, đôi khi chúng chỉ đẹp - phơn - phớt bên ngoài không gian chứ không phải trong những ý tứ sâu sắc. Chúng đẹp nhưng buồn và (thậm chí), có khi còn nhuốm màu bi thảm.

Những không gian nghệ thuật đó được xây dựng từ các hình ảnh đẹp. Ánh sáng trong cảnh được điều tiết hợp lý. m nhạc đúng điểm rơi tạo được những rung cảm thẩm mỹ trong lòng người xem. Những góc quay của nhà quay phim thường tham gia kể chuyện, góp phần thể hiện tâm lý nhân vật thật hiệu quả.

Tất cả những điều đó tạo nên những mỹ cảm nhất định trong lòng khán giả thưởng thức. Họ xem phim như đang cảm nhận một bài thơ trữ tình đẹp nhưng đượm buồn. Nông thôn Việt Nam hiện lên trong bức tranh - điện ảnh do các họa sĩ - đạo diễn Việt kiều vẽ là một nông thôn với gam màu trầm, với tiếng thở dài u hoài và những nỗi niềm đau buồn ngân dài bất tận. Không ít lần khi xem các phim ấy, tôi đã tự hỏi mình rằng "Nông thôn Việt Nam ơi, sao người buồn đến vậy?". Phải chăng, quê mẹ trong ký ức của các đạo diễn Việt kiều chỉ là những hoài niệm đẹp nhưng buồn? Rồi họ lại mang cái ký ức đẹp buồn đó thể hiện thành phim và cho thế giới khám phá một Việt Nam như thế?

Cảnh trong phim Mùa len trâu. Ảnh: Tư liệu

Và... vắng khách!

Đa số các phim do đạo diễn Việt kiều thực hiện ra rạp thường... vắng khách! Trong khi, để ra rạp được đã là không ít khó khăn. Cũng khó trách các chủ rạp khi mà với khả năng đánh giá sành sỏi, họ đã "ngửi" ra mùi... ế khách khi cầm phim trên tay. Và, còn một lý do rất đặc trưng của điện ảnh Việt nữa, đó là chẳng hiểu tại sao, mỗi năm, chỉ có một mùa phim có khán giả: mùa Tết.

Tại sao phim của đạo diễn Việt kiều bị ế? Câu trả lời nào cũng khó thỏa đáng nhưng theo chúng tôi, có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, đề tài của những bộ phim như Mùa len trâu, Thời xa vắng, Hạt mưa rơi bao lâu không mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Mà khi đề tài đã cũ, lời thoại trong phim cũng cũ theo. Ấy là còn chưa kể, đối thoại trong một số phim khó có thể gọi là gần với đời sống Việt Nam đương đại. Ngay cả Sài Gòn tình ca - được cho là làm về đời sống Việt Nam hiện đại - thì không gian cũng lại thuộc về những năm 80 thế kỷ trước.

Mùa len trâu, Thời xa vắng, Hạt mưa rơi bao lâu dĩ nhiên không thuộc về đời sống hiện tại. Và, sắp tới là Áo lụa Hà Đông cũng kể câu chuyện về chiếc áo dài - thân phận phụ nữ trong chiến tranh. Bên cạnh đó là cách lý giải một số vấn đề về tâm lý, cá tính nhân vật không giống như cách ứng xử của con người Việt Nam mà lại gắng gượng, khiên cưỡng. Những câu chuyện đó dẫu có hay, có đẹp thật nhưng chúng đều rất buồn và không gắn bó với đời sống đa số bạn trẻ hiện tại, do đó việc họ không tới rạp xem cũng là tất nhiên.

Thứ hai, tiết tấu đa số các phim đều rất chậm. "Chậm" có thể thể hiện phong cách tác giả nhưng "chậm" cũng có thể làm khán giả ngán ngại. Nguyên nhân thứ ba - nguyên nhân cơ bản hơn cả - là các đạo diễn Việt kiều (có vẻ như) không hướng đến việc làm phim cho khán giả hiện tại trong nước xem mà nhắm đến đối tượng khán giả nước ngoài và các ban giám khảo liên hoan phim quốc tế là chính. Và, trên thực tế, các đạo diễn Việt kiều đã thành công tại các liên hoan phim quốc tế. Nhưng, công bằng mà nói, đó cũng mới chỉ là những liên hoan phim quốc tế trong tầm mức vừa phải, còn Cành cọ vàng hay Gấu vàng hoặc Oscar Phim nước ngoài hay nhất thì chưa.

Sắp tới, Dòng máu anh hùng, Sài Gòn nhật thực, Áo lụa Hà Đông sẽ ra rạp. Áo lụa Hà Đông mang màu sắc "cổ điển" theo phong cách của dòng phim Việt kiều như vừa nói trên, hai phim còn lại một là đề tài chiến tranh và một dựa theo cảm hứng của Truyện Kiều. Dù với đề tài nào, phim do Việt kiều làm đã và đang hòa vào dòng chảy của điện ảnh Việt, góp thêm những hương vị mới và đó mới là điều quan trọng nhất, là đóng góp thiết thực nhất. Ngày càng có nhiều Việt kiều về nước làm phim và phim ngày càng hay hơn, ăn khách hơn. Tại sao không?

* Ba mùa: Giải thưởng lớn (Grant Prize) tại LHP quốc tế Sundance.

* Mùi đu đủ xanh: Giải Camera D'or cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Cannes (Pháp) và được đề cử Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất 2002.

 * Mùa hè chiều thẳng đứng: Được chọn đi dự LHP Cannes.

* Thời xa vắng: Giải Nữ diễn viên tại LHP Singapore 2004, giải m thanh tại LHP quốc tế Thượng Hải.

* Mùa len trâu: 4 giải thưởng tại các LHP quốc tế, trong đó có Giải thưởng lớn tại LHP Amiens (Pháp).

* Áo lụa Hà Đông: Giải thưởng do khán giả bình chọn - LHP Pusan (Hàn Quốc) 2006.

* Hạt mưa rơi bao lâu: Phim đầu tay hay nhất của LHP Kerela, Ấn Độ, Phim khối ASEAN hay nhất tại LHP quốc tế Bangkok 2006.

Nguyệt Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.