Giá tiêu dùng tăng "vượt" mục tiêu!

26/09/2005 00:52 GMT+7

Các chỉ số thống kê cho thấy, giá tiêu dùng tháng 9 tăng 6,8% so với tháng 12/2004 (trong đó phương tiện đi lại, bưu điện tăng cao nhất 9,8%, lương thực - thực phẩm tăng 8,4%, riêng thực phẩm tăng 9,7%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,2%).

Như vậy, mới qua 9 tháng, tức là mới qua ba phần tư thời gian, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã "vượt" so với mục tiêu tăng dưới 6,5% do Quốc hội đề ra cho cả năm. Cái sự "vượt" này chẳng phải là điều mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, các nhà điều hành giá - lương - tiền và người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng có thu nhập thấp mong muốn!

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô khi nhìn vào "tứ giác mục tiêu" (tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, cán cân thanh toán), thì thấy rằng tăng trưởng kinh tế phải cố gắng lắm với các biện pháp quyết liệt nhưng không biết có đạt được 8,5% hay không; cán cân thương mại - nhập siêu - có thể lên đến 6 tỉ USD, thậm chí có thể lên đến 6,5 tỉ USD, cao hơn mức 5,5 tỉ USD của năm 2004 và là mức cao nhất từ trước tới nay; lạm phát thì đã sớm "vượt" mục tiêu!

Các nhà điều hành giá - lương - tiền cũng không thể vui mừng. Về giá, diễn biến giá luôn luôn vượt dự đoán; kiềm chế việc tăng giá bằng biện pháp hành chính nhưng lại không kiềm chế được những mặt hàng là chi phí đầu vào của những mặt hàng đó, không thể kiểm soát được tình trạng "té nước theo mưa"; kiềm chế giá trong nước thấp hơn giá các nước xung quanh thì xuất hiện tình trạng xuất lậu; kiềm chế giá thì ngân sách phải bỏ ra một lượng tiền lớn từ việc giảm thuế nhập khẩu, bù lỗ... với cái giá không nhỏ... Về lương, do giá tăng thì lương thực tế giảm; tăng lương danh nghĩa để bù vào thì nguồn ở đâu, người thụ hưởng chưa cầm được đồng lương mới thì giá đã tăng "vượt trước ngăn chặn" do không kiểm soát được tình trạng "tát nước theo lương". Về tiền, do giá lên, người gửi tiền chịu lãi suất "thực âm" kéo dài (đã lên đến gần 2 năm khi giá tăng bình quân giản đơn lên đến gần 0,81%/tháng, còn lãi suất bình quân tháng đều ở mức dưới 0,7%), gần đây có tăng lên nhưng vẫn không đuổi kịp được tốc độ tăng giá. Khi lãi suất huy động tăng, tất yếu sẽ dẫn đến lãi suất cho vay tăng, tất yếu làm cho chi phí đầu vào của sản xuất tăng, tạo sức ép tăng giá đầu ra, đồng thời tăng sự rủi ro của đồng tiền cho vay.
Người tiêu dùng thì chẳng nói cũng rõ. Cùng một lượng tiền, nếu giá tăng thì lượng hàng mua được sẽ bị giảm tương ứng. Những người có thu nhập cao sẽ ít bị thiệt hại hơn vì chỉ cần giảm số để dành hoặc do chi tiêu cho nhu yếu phẩm chiếm tỷ trọng thấp. Nhưng người có thu nhập thấp thì thiệt hại lớn hơn vì gần như thu nhập chỉ dành chi tiêu cho đời sống, trong đó tỷ trọng lớn nhất dành chi tiêu cho nhu yếu phẩm, trong khi giá nhu yếu phẩm từ vài năm nay tăng với tốc độ cao hơn giá các mặt hàng khác.

Với tốc độ tăng của 9 tháng đầu năm, nếu 3 tháng cuối năm nay tăng bằng với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (0,8%), thì cả năm 2005 đã tăng gần 7,7%. Nhưng thời gian tới có nhiều yếu tố làm cho giá tiêu dùng tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ. Theo ước tính của các chuyên gia, 3 tháng cuối năm giá tiêu dùng có thể tăng 1,8%. Nếu như vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm nay sẽ lên đến 8,7%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khi đó, đây sẽ là năm thứ hai liên tục có tốc độ tăng giá tiêu dùng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và là 2 năm trong 7 năm qua có tình hình như vậy.

Một điều cần nói thêm là tại sao giá tiêu dùng ở nước ta thường cao hơn nhiều nước, kể cả những nước có tỷ trọng tiêu dùng lớn (như các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ), hoặc những nước tiêu thụ và nhập khẩu xăng dầu lớn hơn nhiều (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...), mặc dù nước ta Nhà nước thường đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế về giá, trong khi Mỹ thường áp dụng biện pháp tăng, giảm lãi suất cơ bản, còn Trung Quốc thường dùng biện pháp huy động trái phiếu? Theo ý kiến chuyên gia, có thể có một số nguyên nhân đáng lưu ý. Một là thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa hình thành đồng bộ, sự điều tiết của "bàn tay vô hình" của thị trường khó phát huy; nếu Nhà nước can thiệp sẽ dễ phát sinh các "ốc đảo" về giá (cả với thế giới, cả ở trong nước). Hai là cơ cấu kinh tế của chúng ta có vấn đề, thể hiện ở tính gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ yếu và tăng chậm, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Ba là mạng lưới tiêu thụ yếu, thiếu tính hệ thống và thông suốt, rất khó kiểm soát, giá bán không niêm yết công khai, cân đo không chuẩn... Bốn là, việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên giữa tăng trưởng hay lạm phát có lúc chưa rõ ràng, chưa thống nhất giữa các ngành, các cấp. Quan điểm về lạm phát giữa các ngành cũng còn khác nhau. Việc chống lạm phát (hay thiểu phát) chưa có bộ/ngành nào chủ trì; ở nhiều nước là ngân hàng trung ương, nhưng ở ta ngân hàng không chỉ là cơ quan trung ương của các ngân hàng mà còn là thành viên của Chính phủ...

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.