Những thể dương nuy và cách chữa

16/11/2008 23:29 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dương nuy. Nhưng, y học cổ truyền xem dương nuy chủ yếu là do thận hư, khí trệ, huyết ứ...

Nguyên nhân

Theo lương y Phạm Như Tá, y học cổ truyền xem dương là cơ quan sinh dục ngoài của nam giới, còn nuy là liệt. Dương nuy là trường hợp nam giới có sự ham muốn trong quan hệ tình dục với người phụ nữ của mình, nhưng trong lúc “cần thiết” thì dương vật lại không đủ độ cương cứng để giao hợp được.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng dương nuy, nhưng trên phương diện y học cổ truyền thường xem dương nuy là do thận hư, thấp nhiệt, khí trệ, huyết ứ. Thận hư bao gồm khí huyết bất túc, nặng thì mệnh môn hỏa suy.

Còn thấp nhiệt thường do ăn nhiều chất béo ngọt, hoặc nghiện rượu lâu ngày mà sinh thấp, sinh nhiệt hay do bệnh nhiễm. Khí trệ do tình chí thất thường khiến cho can khí bị uất kết. Can tàng huyết, chủ cân mạch, mạch lạc không thông, dương vật thiếu nuôi dưỡng sinh ra chứng dương nuy là vậy.

Những thể bệnh và cách chữa

Lương y Phạm Như Tá cho rằng, dương nuy có những thể sau: thể thận hư thì triệu chứng biểu hiện là, mệt mỏi, đau lưng, mỏi gối, sắc mặt xạm đen, hoa mắt, ù tai, hoạt tinh hoặc xuất tinh sớm, lưỡi sắc nhợt... Phép trị thể này là ích thận, cố tinh, bổ khí huyết. Bài thuốc dùng là, tả quy hoàn gia giảm, gồm các vị: thục địa 32gr, hoài sơn, kỷ tử, thố ty tử, lộc giác giao, quy bản giao (đều 16gr), sơn thù, ngưu tất (mỗi loại 12gr).

Nếu chân tay lạnh, mạch trầm, trì, nhược, thì thêm tắc kè, dâm dương hoắc, nhục thung dung, hắc phụ tử, quế nhục để trợ dương. Trường hợp khí kém, mệt mỏi nhiều thì thêm nhân sâm, hoàng kỳ để bổ khí.

Còn thể tâm tỳ hư - triệu chứng, da xanh, mặt vàng, ăn kém, ngủ ít di tinh liệt dương, rêu lưỡi trắng... Phép trị ở thể này là ôn bổ tâm tỳ (kiện tỳ an thần), dùng bài thuốc quy tỳ thang gia giảm, với các vị thuốc: nhân sâm 16gr, chích huỳnh kỳ, đương quy, bạch truật, long nhãn, hoài sơn, ý dĩ, kỷ tử, hà thủ ô (mỗi loại 12gr), mộc hương, sinh khương, chích thảo (mỗi vị 6gr), cao ban long, phục thần (mỗi loại 10gr), viễn chí,  táo nhân sao (cùng 8gr), thục địa 20gr, và 4 trái táo.

Thứ ba là thể khí trệ huyết ứ - triệu chứng gồm, người bứt rứt, ngực sườn đầy tức, tính tình nóng nảy, sắc mặt xạm, môi tím, lưỡi có điểm ứ huyết sắc tím... Phép trị trong trường hợp này là, hành khí hoạt huyết hóa ứ, dưỡng can thận. Dùng bài thuốc huyết phủ trục ứ thang gia giảm, với các vị, sinh địa, đương quy, dâm dương hoắc, hồng hoa, ngưu tất, phá cố chỉ, ba kích (cùng 12gr), đào nhân 16gr, chỉ xác, hương phụ (cùng 8gr), sài hồ, kiết cánh, xuyên khung (cùng 6gr), và 10gr kỷ tử.

Với thể thấp nhiệt thì thường có biểu hiện, khát nước, liệt dương, tiểu tiện đỏ, rêu lưỡi vàng. Phép trị sẽ là, tư âm thanh nhiệt. Bài thuốc dùng là lục vị tri bá gia giảm, gồm có các vị như: sanh địa 32gr, đơn bì, bạch linh, trạch tả, tri mẫu, huỳnh bá (cùng 10gr), hoài sơn, sơn thù (cùng 15gr), hoắc hương 10gr, xà xàng tử 4gr.

Cách nấu những bài thuốc trên như sau: nước thứ nhất cho các vị thuốc vào cùng 4 chén nước, nấu còn 1 chén, rồi cho nước thuốc ra. Nước nhì cho tiếp 3 chén nước vào những vị thuốc đã nấu, nấu còn lại nửa chén. Hòa hai nước lại, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.