Hành trình trên đất Mỹ - Kỳ 4: Paris giữa nước Mỹ

26/11/2008 23:40 GMT+7

Ở miền trung tây nước Mỹ, chúng tôi đã bắt gặp một thành phố Paris thơ mộng với hình ảnh tháp Eiffel hiện diện khắp nơi.

Paris bé nhỏ

Không phải Paris hoa lệ của nước Pháp. Paris ở đây là một thành phố nhỏ nằm ở miền đông bang Illinois của Mỹ. Illinois là tiểu bang thứ 21 gia nhập liên bang, là nơi mà vị tổng thống nổi tiếng Abraham Lincoln sống thời trẻ. Tại tiểu bang này, các biển số xe thường có ghi “Land of Lincoln” (Đất của Lincoln). Giờ đây, Illinois lại có thêm một niềm tự hào nữa, đó là sự kiện một thượng nghị sĩ của họ - ông Barack Obama – đắc cử tổng thống.

Phi trường Indianapolis ở bang Indiana kế cận là phi trường lớn gần Paris nhất. Nếu đi bằng máy bay, cách dễ nhất là tới Indianapolis rồi sau đó đi xe khoảng 2 tiếng đến Paris. Xe chúng tôi băng qua những cánh đồng bắp và đậu nành rộng mênh mông đang mùa thu hoạch. Cảnh sắc nông thôn nước Mỹ thật thanh bình và càng đẹp lộng lẫy vào mùa thu, khi lá cây bắt đầu chuyển qua sắc vàng và đỏ. Paris đón chúng tôi bằng một tấm biển nhỏ dựng ở lề xa lộ: “Chào mừng quý khách đến với Paris – Thành phố được thành lập năm 1823”, tức 5 năm sau khi Illinois gia nhập liên bang. Người dân ở đây có vẻ khá hài hước khi chọn một trong những biểu tượng cho thành phố là tháp Eiffel của “Paris thứ thiệt”.

Tôi đã bắt gặp hình ảnh tháp Eiffel ở khắp nơi, dù ngọn tháp cao nhất tại thành phố này chỉ là cột ăng-ten của đài phát thanh. Khi lục tìm trên internet, tôi thấy nước Mỹ còn có nhiều thành phố mang tên Paris nữa, như ở Idaho, Kentucky, Michigan... Việc lấy tên các địa danh, chủ yếu ở châu u, đặt tên cho các địa phương là một đặc trưng của Mỹ, thường là do dân di cư đặt tên cho quê hương mới theo tên cố hương, đôi khi họ thêm chữ “mới” (new) vào đằng trước để phân biệt. Hiện tượng trùng hoặc gần trùng tên này đôi khi dẫn tới những chuyện cười ra nước mắt. Như chuyện có một anh chàng người Đức muốn đến thành phố Sydney của Úc đã mua nhầm vé máy bay tới thành phố Sidney ở tiểu bang Montana của Mỹ hồi năm ngoái.

Dân số hiện nay của Paris khoảng 9.000 người, không mấy thay đổi so với con số khoảng 6.000 người cách đây 100 năm. Sau này, bác sĩ Reid Sutton, người chủ mà chúng tôi ở nhờ nhà, giải thích rằng do lớp trẻ cứ rủ nhau tới chốn phồn hoa đô hội nên những thành phố nhỏ như Paris ít tăng dân số. Vì là thành phố nhỏ nên hầu hết mọi người đều biết nhau. Khi chúng tôi đến Tòa thị chính thành phố, ngài Thị trưởng Craig Smith cho biết: “Paris có hơn 98% là dân da trắng và không có người Việt nào, gốc Á thì có 6 gia đình người Nhật”. Thực ra Paris cũng có hai người Việt tới làm ăn mà ông Smith không biết, bởi lẽ họ sống ở thành phố Terre Haute bên tiểu bang Indiana, chỉ tới đây làm việc vào ban ngày thôi. Đó là chị Phượng và một chàng thanh niên, họ mở tiệm Nail Paris, là tiệm làm móng duy nhất ở đây. Ngoài cửa tiệm cũng có hình tháp Eiffel to tướng.

Paris quá nhỏ nên hầu như mọi chuyển động ở đây đều có thể trở thành sự kiện. Hôm chúng tôi đến trọ ở nhà ông bà Beuford - Norma Travis và ông bà Reid - Carolyn Sutton, bà Norma đã chụp hình cả đoàn khách và gửi cho tờ báo địa phương Paris Beacon News. Vào hôm sau, hình của chúng tôi được đăng lên trang bìa cùng những dòng chú thích rất hoành tráng. Vài hôm sau, khi tới thăm Ned Jenison, cựu chủ bút và hiện là cố vấn của Paris Beacon News, chúng tôi đã cám ơn về việc được ông “lăng-xê”. Ông Jenison mới bảo: “Ồ, ở một nơi hẻo lánh như Paris thì sự xuất hiện của các bạn là sự kiện lớn”.

Ngài thị trưởng và nghề tay trái

 

“Tôi là một thị trưởng không quyền lực, một thị trưởng yếu… Không có gì bí mật ở Paris”.  Ông Craig Smith

Chúng tôi đã gặp nhiều con người thú vị tại Paris. Họ là những tình nguyện viên bỏ cả ngày chở chúng tôi thăm thú chỗ này chỗ kia. Họ là những quan chức thành phố sẵn sàng ngồi trò chuyện với khách cả tiếng đồng hồ. Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là cuộc trò chuyện với ngài Thị trưởng Craig Smith. Ông Smith được nhiều người miêu tả là “một người bạn lớn của dân chúng”. Qua ông, tôi được biết thêm về sự vận hành của một bộ máy chính quyền cấp địa phương tại Mỹ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Smith có thể nói vanh vách về số hộ gia đình, thu nhập bình quân, diện tích đất đai, tên tuổi những người nổi tiếng ở Paris. Nhưng câu chuyện về ông và chức danh thị trưởng mới thực sự khiến tôi thích thú. “Tôi là một thị trưởng không quyền lực, một thị trưởng yếu”, ông nói. Quả thực, cái ghế của ông có vẻ như mang nhiều trách nhiệm hơn là quyền lực, quyền lợi, bởi mọi việc ở đơn vị hành chính mà ông quản lý đều do dân quyết. Mọi cuộc họp của chính quyền địa phương đều mở rộng cửa cho dân vào tham gia. “Không có gì bí mật ở Paris, ở tiểu bang ánh dương (sunshine state) này. Người dân tham gia trực tiếp vào công việc của chính quyền. Báo chí cũng thế”, ông Smith nói.

Và cũng bởi vì Paris quá nhỏ bé nên ông thị trưởng chỉ làm việc bán thời gian. Mỗi tuần ông chỉ cần 2 ngày ngồi ghế thị trưởng, các ngày còn lại ông điều hành văn phòng luật sư riêng. Có nghĩa thị trưởng chỉ là nghề tay trái. Thấy chuyện này kỳ kỳ, tôi mới thắc mắc: “Làm như thế có nảy sinh mâu thuẫn về lợi ích không? Chẳng hạn như ở cương vị thị trưởng, ông có thể ban hành các quyết định có lợi cho văn phòng luật sư của mình”.

Ông Smith mới lôi ra một lô các quy định về chuyện này để chứng minh rằng mâu thuẫn lợi ích không xảy ra ở đây. Còn tôi thì tâm đắc ở cái sự công khai, minh bạch của địa phương này. Chuyện của chính quyền cũng là chuyện của dân. Dân tham gia cùng chính quyền giải quyết mọi việc, dân có thể chất vấn chính quyền bất cứ lúc nào.

Chợt nghĩ, thực ra vận hành được một hệ thống chính quyền như thế, ông Craig Smith phải là một thị trưởng mạnh, một thị trưởng bản lĩnh chứ đâu có yếu như ông nói.

Đỗ Hùng

(Kỳ sau: Trên cánh đồng của gia đình Tucker)

  • Kỳ 3: Buổi sáng ở Phố Wall 
  • Kỳ 2: Chuyện trên đồi Capitol 
  • Kỳ 1: Gã khổng lồ - nhìn từ xa
  • Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.