WTO: Không khí đang nóng lên

22/10/2006 22:28 GMT+7

Cuối năm nay, VN sẽ chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mặc dù những cam kết gia nhập WTO của VN vẫn chưa được thông báo cụ thể nhưng hầu hết các ngành từ phân phối, sản xuất, dịch vụ... đều đang khẩn trương chuẩn bị để giữ vững thị phần cũng như khai thác các cơ hội do WTO mang lại.

Mỗi ngành một nỗi lo

Việc chuẩn bị cho thời kỳ "hậu" WTO của ngành phân phối, bán lẻ VN được xem là quyết liệt nhất. Chỉ trong vòng nửa năm, hàng loạt các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã ra đời. Mục tiêu chung hiện nay của các DN phân phối là cứ "xí chỗ" trước rồi tính sau. Lý do đơn giản là thành công của ngành bán lẻ phụ thuộc rất lớn vào vị trí mặt bằng. Tuy nhiên, DN bán lẻ trong nước cũng đang đứng trước những khó khăn mà nếu không giải quyết được thì "lợi thế mặt bằng" cũng khó cứu được. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Sài Gòn Co-op phân tích: Muốn cạnh tranh thì phải tăng tốc, mở rộng quy mô, mạng lưới. Để làm được điều này, yêu cầu phải có nguồn nhân lực đủ trình độ nhưng đội ngũ này hiện nay "vô cùng thiếu". "Về tài chính chúng tôi không ngại bởi nếu có dự án tốt, ngân hàng sẽ hỗ trợ. Nhưng để tìm một giám đốc cho một siêu thị thì rất khó", ông Hòa nói. Ngoài hệ thống cửa hàng Co-op, Sài gòn Co-op đang lên kế hoạch phát triển 50 siêu thị vào năm 2010 trong đó sẽ có những đại siêu thị với nhiều dịch vụ tiện ích và giải trí kèm theo như nhà sách, internet, hầm để xe, dịch vụ ăn uống...

Các DN điện tử thì đang chờ đợi "bàn tay thép" của WTO để giải quyết vấn nạn vi phạm sở hữu trí tuệ đang hoành hành tại thị trường nội địa. Ông Nguyễn Dương Thanh Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Ca cho rằng, gia nhập WTO sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu những sản phẩm điện tử "Made in Vietnam". Vấn đề sở hữu trí tuệ trong sản phẩm điện tử dân dụng ở VN hiện nay rất đáng lo ngại. Đơn cử một chiếc đầu DVD Trung Quốc mang thương hiệu Việt bán tại VN chỉ khoảng 25-30 USD trong khi nếu tính đủ các chi phí bản quyền như DVD, CSS, MEPG4, Dolby... thì mỗi chiếc đầu DVD phải trả cho người sở hữu bản quyền đến 14 USD. Vì vậy, những DN thực hiện đúng các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ không thể cạnh tranh được. WTO sẽ khiến các DN vi phạm "hết đất sống".

Dệt may, da giày thấp thỏm

Với ngành chế biến gỗ, WTO đem lại nhiều hy vọng. Ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty Sadaco phân tích, doanh số của ngành gỗ chủ yếu từ xuất khẩu nên việc gia nhập WTO đối với ngành gỗ "thuận lợi nhiều hơn khó khăn". Nhiều DN đang chờ WTO mở giúp cánh cửa của những thị trường mà hiện nay đang rất hẹp với họ. Điều quan trọng hơn cả là DN chế biến gỗ VN có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các nước trên thế giới bởi sẽ không còn có sự phân biệt về mức thuế ở các thị trường chính của chúng ta là Mỹ và EU.

Ông Phạm Xuân Hồng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn 3 - cho rằng nếu Mỹ vẫn chưa thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho VN thì ngành dệt may vẫn có khả năng bị áp dụng hạn ngạch như hiện nay hoặc phải đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ khi nước này thông báo sẽ theo dõi lượng hàng nhập khẩu từ VN. "Chuyện giám sát lượng hàng nhập khẩu này là một sự áp chế của kẻ mạnh.  DN VN từ trước đến nay chủ yếu làm hàng gia công nên lấy công làm lời. Do đó hy vọng các nhà nhập khẩu của Mỹ vì lợi ích của mình sẽ cùng sát cánh với DN VN để đấu tranh với sự áp đặt này", ông Hồng nói. Theo các chuyên gia ngành dệt may, nếu hạn ngạch được bãi bỏ hoàn toàn thì lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ cũng không thể tăng nhanh được do năng lực của DN trong nước có giới hạn (về cơ sở vật chất, số lượng lao động...). Không chỉ thế, sự gia tăng đầu tư, lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam của các tập đoàn nước ngoài cũng sẽ khiến sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt. Chưa hết, nỗi lo về việc cạnh tranh tại thị trường nội địa khi các mức thuế nhập khẩu cho sản phẩm dệt may không còn cũng là một nguy cơ cho DN Việt Nam.

Trong khi đó, các DN da giày Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn từ vụ kiện chống bán phá giá của EU. "Tôi chưa thấy có điểm sáng nào cho ngành của mình cả. Vào WTO nhưng chúng ta cũng sẽ bị kiện phá giá như thường nên vẫn rất khó khăn", ông Hà Duy Hưng - Tổng giám đốc Công ty giày Hiệp Trí - nói. Hiện nay các DN 100% vốn nước ngoài đang chiếm hơn 50% số lượng đơn vị sản xuất giày tại VN. Những công ty này luôn chiếm ưu thế về vốn, về quy mô sản xuất... so với các DN trong nước hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. "Khi các điều kiện về đầu tư mở ra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lập công ty để sản xuất. Khi đó thì DN trong nước càng phải khốn đốn hơn. Chắc chắn sẽ có nhiều nơi phải đóng cửa nhà máy nếu không thể cạnh tranh nổi", ông Hà Duy Hưng dự báo.

N.H- M.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.