Tách hai bé gái song sinh

07/11/2005 15:18 GMT+7

Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: hai bé gái song sinh (18 tháng, ở quận Bình Thạnh) dính liền nhau đã được phẫu thuật tách rời thành công vào ngày 2/11.

Theo GS Đông A, hai bé gái song sinh dính nhau này đã được chẩn đoán từ trước khi sinh (khi mới bốn tháng tuổi thai). Gia đình đã đồng ý giữ các bé lại và được các bác sĩ của BV Nhi Đồng 2, Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic và BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn theo dõi trong suốt thời kỳ mang thai và sau sinh.

Khi sinh hai bé có cân nặng 5 kg. Sau đó phát triển bình thường và lanh lẹ. Tuy nhiên, một cháu ăn rất nhiều nhưng lại ốm, còn một cháu ăn ít hơn song lại bụ bẫm. Nguyên nhân là do gan phải của cháu ốm dính vào gan trái của cháu mập. Vì vậy những chất dinh dưỡng tiếp thu qua gan phải của cháu ốm đã một phần chuyển sang nuôi luôn cháu mập.

Trước khi phẫu thuật, hai bé được 23 kg, đã đứng chựng được nhưng sinh hoạt khó khăn do dính liền từ 1/3 ngực dưới cho đến rốn. Cũng theo GS Đông A, để tái tạo lại phần thành ngực và bụng tách rời, không phải sử dụng đến các phương tiện nhân tạo, BV đã phải áp dụng nhiều kỹ thuật phụ để làm tăng thêm diện tích của da và cơ trước khi phẫu thuật.

Sáng 2/11, bằng các dụng cụ phẫu thuật hiện đại là dao mổ siêu âm đời mới nhất và dao mổ điện có sử dụng cầm máu bằng tia argon, ê kíp mổ gồm 23 bác sĩ của BV Nhi Đồng 2 do GS Đông A làm phẫu thuật viên chính và một bác sĩ gây mê của Viện Tim đã tiến hành phẫu thuật tách rời toàn bộ bề dày của gan dính nhau, tách rời cơ hoành và xương ức. Sau đó tách màng bao tim (do hai tim nằm chung một màng bao), tách màng phổi.

Khi hai bé được tách rời hoàn toàn, một bé được được chuyển sang phòng mổ khác và cùng lúc hai kíp mổ tiến hành chỉnh hình màng bao tim, chỉnh hình màng phổi, chỉnh hình toàn bộ thành bụng của từng cháu. Sau hơn tám giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công như dự kiến. Hai bé bắt đầu sống một cuộc sống riêng biệt.

Hiện sức khỏe cả hai đều diễn tiến rất tốt, các thông số sinh học đều bình thường, chức năng gan sau hai ngày xáo trộn cũng đã trở lại bình thường và hoạt động riêng rẽ. Một bé đã uống được nước đường.

Đặc biệt, trong khi bé mập sau khi mổ cứ vô tư, thì bé ốm lại tỏ ra rất quan tâm đến bé mập (thi thoảng lại liếc nhìn bé mập xem thế nào). Điều này theo GS Đông A có thể giải thích có lẽ là do cháu ốm đã từng “nuôi” cháu mập bằng gan phải của mình nên cháu có tình cảm và quan tâm hơn đến cháu kia.

Tỷ lệ song sinh dính liền như hai bé này vào khoảng 1/50.000 trường hợp.

(Theo Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.