Giả mạo giấy tờ đưa học sinh sang Singapore

27/10/2009 23:00 GMT+7

Các tư vấn viên của trường Raffles International College ở TP.HCM đã làm giả giấy tờ để đưa những học sinh đang học phổ thông trung học sang Singapore “học 3 năm lấy bằng cử nhân”.

Thông tin sai lệch

H., 17 tuổi, đang học lớp 12 tại một trường quốc tế ở TP.HCM thì được các tư vấn viên (agent) của Raffles International College (gọi tắt là Raffles Vietnam) giới thiệu chương trình cử nhân 3 năm về quản lý du lịch tại Raffles EducationCorp College ở Singapore (tạm gọi là Raffles Singapore). Theo lời kể của H., agent tư vấn và giúp em làm hồ sơ là ông C.M (ngoài 40 tuổi), là người quen của mẹ H., và cô T.H. Chính cô này nói với H. rằng, giáo viên dạy chương trình cử nhân này toàn bộ là người Anh, Mỹ, Úc, không có người châu Á. H. vốn học tại trường quốc tế nói trên từ lớp 9, toàn bộ giáo viên đến từ 3 quốc gia kể trên, nên tiếng Anh của H. rất tốt, giọng Mỹ. Đã nhiều lần H. hỏi đi hỏi lại cô T.H rằng em có thể học cử nhân khi mà chưa xong phổ thông. T.H trả lời: “Được”, cùng với những lời thổi phồng về giá trị bằng cấp và cơ hội nghề nghiệp tương lai.

Vào học lớp 12 ở trường quốc tế được 3 tuần thì H. thôi học, sang Singapore. Mấy buổi đầu vào lớp, H. kể, giáo viên toàn là người châu Á, có người nói tiếng Anh giọng Ấn nên H. cảm thấy khó nghe. Em bắt đầu thấy nghi ngờ những lời cô T.H nói.

Nhìn lại quá trình làm hồ sơ, H. thấy có vấn đề lớn. “Thật ra con đã thấy bất an khi người ta tuyển con đi học cử nhân nhưng không qua một phần thi kiểm tra tiếng Anh nào cả. Con có hỏi thì chú C.M đưa ra một bảng điểm thi IELTS mang tên con. Con nói con có thi bao giờ đâu mà có bảng điểm. Chú C.M đáp: Chú làm cho con đó!”, H. kể với phóng viên Thanh Niên tại Singapore. Em còn cho biết, vì gia đình có vài chuyện xáo trộn, nên H. cũng muốn đi nước ngoài học, lại tìm được một chương trình “ngon lành” ở Raffles nên đồng ý ký vào bảng điểm đó.

Từ chỗ bất an, H. tìm hiểu thêm qua bạn bè đang ở Mỹ, Úc, trong đó có người từng trải qua kinh nghiệm tồi tệ khi du học tự túc ở Singapore, và nhận ra có quá nhiều lỗ hổng trên con đường mình đang đi. So sánh với ở Úc chẳng hạn, muốn học cử nhân ở bất cứ chương trình hay trường nào, học sinh phải tốt nghiệp xong phổ thông, hoặc chí ít nhà trường sẽ cung cấp một chương trình bổ túc (gọi là foundation) để học sinh có được trình độ tương đương tốt nghiệp phổ thông rồi mới bắt đầu chương trình học đại học. H. tham gia chương trình giới thiệu du học Úc tại Singapore và quyết định bỏ cuộc ở Raffles.

H. gặp Trung, nhân viên tư vấn và hỗ trợ học viên Việt Nam tại Raffles Singapore. Trung, tên trên danh thiếp là Danny Le, khuyên H. không nên bỏ cuộc, rằng cố gắng vượt qua thời gian đầu, có thể sau này giáo viên sẽ khác... Khi không thuyết phục được, Trung khuyên H. cứ chờ đến khi nào Cục Di trú Singapore (ICA) từ chối cấp thẻ sinh viên thì H. sẽ được nhận lại 100% các khoản tiền đã đóng cho Raffles (?). Trên thực tế, một trường hợp như H. rất ít khả năng bị ICA từ chối, chưa kể là một quản lý của Raffles khẳng định: “Raffles là một trường lớn nên học sinh quốc tế của trường thậm chí không cần đóng tiền cọc ở ICA”. Mặt khác, trên hợp đồng giữa nhà trường và sinh viên có điều khoản ghi rõ: Trong trường hợp ICA từ chối cấp thẻ cho học viên, Raffles chỉ trả lại 1.000 SGD trong số 1.500 SGD lệ phí nộp hồ sơ vào trường.

Giả mạo bảng điểm 

Hiện tại, tại Raffles Singapore có khoảng 30-40% học viên quốc tế là người Việt Nam, bà Foo nói với phóng viên Thanh Niên qua điện thoại nhưng từ chối cho biết tổng số sinh viên quốc tế ở đây. Trước đó, một nhân viên ở đây cho biết số sinh viên quốc tế của trường chừng 2.000 - 3.000.

Chiều 26.10, phóng viên Thanh Niên đã đi cùng H. đến Raffles Singapore để hủy việc học, trong vai trò người bảo trợ và sẽ thay H. giải quyết những việc còn lại sau khi H. về Việt Nam ngày 27.10. Tại cuộc làm việc với bà Foo Yen Yen - Trợ lý marketing và quản lý hành chính của Raffles EducationCorp College, có cả Trung và ông C.M (sang Singapore cùng cô T.H từ vài ngày trước). Trình bày về lý do rút lui, H. nói rằng em có thể chấp nhận học với giáo viên không phải người nói tiếng Anh bản xứ, nhưng em “quá thất vọng vì bị lừa”. H. cũng tiết lộ mình không hề thi kiểm tra tiếng Anh hay có chứng chỉ tiếng Anh để thỏa mãn điều kiện của nhà trường. Bà Foo lấy ra bảng điểm IELTS để chứng minh hồ sơ của H. là hợp lệ. H. nói thẳng đó là bảng điểm giả. Ông C.M nói: “Tôi không biết. Cái đó cô T.H làm”. Sau này H. kể với phóng viên Thanh Niên: “Con không vạch mặt ông C.M tại chỗ là cố giữ thể diện cho ông ấy. Dẫu sao, ổng cũng ngang tuổi mẹ con”.

H. tiếp tục đặt câu hỏi với bà Foo: “Liệu tôi có thể học cử nhân khi chưa học xong phổ thông trung học?”. Bà Foo nói “không”. Từ đó, lộ ra một sự thật khác. Bà Foo lấy từ bộ hồ sơ lưu của H. ra 3 bảng điểm lớp 10, 11, 12 hoàn chỉnh do trường quốc tế nói trên cấp. H. choáng váng: “Làm sao có được bảng điểm hoàn chỉnh lớp 12 khi tôi mới học có 3 tuần?”. Kiểm tra lại, toàn bộ các môn học trong bảng điểm “lớp 12” chính là những môn của lớp 11. H. nhớ lại, trường quốc tế em từng học đã cấp cho em 3 bộ bảng điểm, trong đó có bảng điểm các lớp 9, 10, 11 và một tờ giấy khác chứng nhận em đã học 3 tuần chương trình lớp 12. “Liệu hệ thống máy tính của trường quốc tế có trục trặc nên in số nhầm? Nhưng kể cả máy tính có nhầm thì hơn ai hết, chú C.M và cô T.H biết quá rõ tôi chưa học xong 12!”, H. nói. Bà Foo đề nghị khi về đến Việt Nam, H. fax các bảng điểm gốc qua để nhà trường điều tra và giải quyết sau.

Ngày H. đi Singapore, ông C.M khuyên H. đừng đem theo giấy tờ gì hết. H. về phòng trọ và điện thoại về Việt Nam cho mẹ để kiểm tra với bộ điểm gốc và bộ copy còn lại. Kết quả rõ ràng là ai đó đã “đội” các số lên, 9 thành 10,... 11 thành 12.

Chiều hôm qua, H. đã về đến TP.HCM. Người bạn thân học cùng trường quốc tế và cùng sang Singapore ăn ở học cùng H. ở lại, tiếp tục học trong hoang mang. Cả hai đều nhận sự “tư vấn và hỗ trợ” của ông C.M và cô T.H. Trong lớp cũng còn có 3 học sinh Việt Nam nữa.

Cách đây chưa lâu, có học viên của Raffles cũng liên lạc với Văn phòng Báo Thanh Niên ở Singapore nhờ xin giùm khách sạn để thực tập. “Hồi được tư vấn, người ta nói rằng 6 tháng cuối của chương trình học, trường sẽ bố trí khách sạn để học viên đi thực tập, có lương. Học xong nhà trường sẽ hỗ trợ tìm chỗ làm... Nhưng bây giờ hỏi họ, họ bảo tự kiếm đi”, học viên này kể. Trong lúc kinh tế suy thoái, các khách sạn không nhận sinh viên thực tập, học viên này cùng những bạn học khác phải về nước tìm chỗ quen để thực tập hoàn tất chương trình học...

Trước những thông tin cảnh báo nói trên, phụ huynh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi cho con em nghỉ ngang chương trình học THCS, THPT để sang Singapore luyện thi vào các trường phổ thông công lập của Singapore. Lợi, hại của quyết định này ra sao chúng tôi sẽ đề cập trong bài báo sau.

Thục Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.