Người “buôn tiền” trở thành bộ trưởng - Kỳ 16

21/10/2006 00:29 GMT+7

Kỳ 16: Đề nghị của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng bị quên lãng Như bức thư của cựu Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Văn Chính đã đề cập, cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng đã phải lên tiếng. Trong thư gửi Thường trực Bộ Chính trị ngày 25.5.1998 và chính cựu chủ tịch nước ký xác nhận một lần nữa vào ngày 6.1.1999, ông Lê Đức Anh có ý kiến như sau:

 "Tuy đơn vị trên (N2683) sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này (khi miền Nam hoàn toàn giải phóng), đã không còn phiên hiệu; nhưng công lao và tên tuổi của đơn vị đó cùng các thành tích và những con người làm nên những chiến công thầm lặng, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất định phải được khẳng định, phải được ghi vào truyền thống vẻ vang của quân và dân ta trong lịch sử Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì vậy, đề nghị chuyển đến đồng chí thường trực Bộ Chính trị toàn bộ hồ sơ này để đồng chí báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị và đề nghị Thường vụ Bộ Chính trị chỉ đạo xét khen thưởng xứng đáng cho tập thể và các cá nhân những đồng chí có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ của Đơn vị N2683".

Trước đó (ngày 30.4.1998) ông Mười Phi đã gửi cho cựu Chủ tịch Lê Đức Anh (lúc đó là cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng) một bức thư thống thiết: "... N2683 đã được giải thể sau giải phóng miền Nam, đến nay nhiều đồng chí lãnh đạo, cốt cán đã qua đời rồi. Chúng tôi còn sống sót thì cũng đã quá ngưỡng cổ lai hy. Vì vậy lần này chúng tôi nêu lại không phải với ý nghĩa báo cáo công lao thành tích để rồi đề xuất chi cho cá nhân mình. Nếu như các tư liệu trên được chấp nhận (ông Mười Phi gửi kèm toàn bộ hồ sơ - TN) là đủ đối với thủ tục làm báo công xin giấy chứng nhận theo lệ thường, và từ đó N2683 không "mất tích" trong dòng lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được như vậy thì gia đình, con cháu các đồng chí có công với N2683 sẽ được vui lòng. Tôi nay đã 79 tuổi rồi, bịnh tật, nếu có gì sai sót trong phát biểu, xin được miễn lỗi".

Vì sao những hồ sơ đề nghị khen thưởng được gửi đi nhiều năm vẫn rơi vào im lặng ? Không những các cơ quan có trách nhiệm không giải quyết khen thưởng mà ngay cả việc báo tin những hồ sơ đó có nhận được hay không cũng không có luôn. Ông Ba Châu nói ông có nghe người ta nói lại - nghe nói lại thôi chứ không ai trả lời trực tiếp - là Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương cho rằng đây là đơn vị đã giải thể, cơ quan chủ quản của nó cũng giải thể lâu rồi, nên không xét. Ông Ba Châu cho biết thêm, cách đây vài năm, một lần ông có gặp Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại TP.HCM. Phó chủ tịch nước có đề nghị ông Ba Châu gửi lại hồ sơ trực tiếp cho bà. Ông nói hồ sơ đã gửi rồi, những người trong tổ chức này không đi xin Nhà nước khen thưởng. Phó chủ tịch nước nói việc khen thưởng không phải là cho riêng ông. Vì vậy, ông lại gửi hồ sơ trực tiếp đến bà Trương Mỹ Hoa. "Tôi đã gửi theo yêu cầu của Phó chủ tịch nước cách đây mấy năm rồi, bản lưu tôi còn giữ đây, nhưng đến nay vẫn không ai trả lời, vẫn không ai báo là có nhận được hay không nhận được", ông Ba Châu buồn rầu.

Lý do mà ông Ba Châu đã "nghe nói lại" thật hay không thật chỉ có những cơ quan có trách nhiệm đã nhận và xem xét hồ sơ mới có thể trả lời chính xác được. Nhưng sự thật là những đề nghị, trong đó có đề nghị của những người từng đảm nhận trọng trách của quốc gia, đã bị bộ máy quan liêu dìm trong quên lãng. Một tổ chức đã giải thể thì sao ? Một tổ chức lập ra để phục vụ kháng chiến, khi kháng chiến kết thúc thì nó phải được giải thể chứ ! Nó bị giải thể không có nghĩa là công lao, chiến tích, xương máu đổ ra cũng bị "giải thể".

Khi viết loạt bài này, tôi có gặp một người dân thường. Đó là  một ông già ngoài 70 tuổi. Ông là một trong những người trực tiếp làm nhiệm vụ chuyển tiền từ Sài Gòn về chiến khu. Từ một người bà con là cơ sở cách mạng ở Phnom Penh móc nối, ông đã tham gia đường dây của ông Mười Phi và ông Ba Châu. Hằng tuần, ông đến nhận tiền tại các thương gia ở Chợ Lớn, rồi khôn khéo chở lên biên giới, mỗi lần ông chở hàng triệu, có khi hàng chục triệu đồng, liên tục trong 10 năm, từ 1965 đến ngày giải phóng, nhận bao nhiêu giao đủ bấy nhiêu. Ông nói tổ của ông có 5 người "bao nhiêu năm một cắc bạc của cách mạng cũng không mất". Giải phóng xong, ông được ông Mười Phi đưa về làm trưởng phòng kho vận của Tổng cục lương thực chính phủ cách mạng. Nhà ông trong hẻm, cơ quan có ý cấp nhà mặt đường cho ông, ông nói không thể nhận nhà được, vì ông ngại bà con hàng xóm chê ông "theo cách mạng để có nhà mặt đường". Một thời gian sau ông vui vẻ trở về làm dân, cuộc sống khó khăn có lúc ông phải ra đường bán đinh vít kiếm sống. Trước khi tham gia đường dây chuyển tiền, ông sống nghèo khó, ông nói ông làm cho cách mạng "để kiếm tiền". Nhưng làm rồi thì vì trách nhiệm, cầm của cách mạng "tiền nhiều như núi", nhưng một xu ông cũng không tơ hào. Ông hào hứng nói với tôi về những ngày gian truân nguy hiểm và rất đáng tự hào hồi ấy, nhưng ông không đồng ý đưa tên ông lên báo. Những người tốt như vậy không bao giờ đòi hỏi bất cứ thứ gì.

Còn nhiều nữa. Và tôi đã gặp người đứng đầu B29. Đó là ông Nguyễn Nhật Hồng... (còn tiếp)

H.H.V

Kỳ sau: B29, tổ chức tuyệt mật giữa Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.