Lời gửi gắm của cử tri

10/11/2008 10:10 GMT+7

Một trong những công việc làm tôi thích thú nhất khi làm thượng nghị sĩ là tổ chức những buổi họp mặt cử tri.

Tôi đã tổ chức chừng 39 buổi họp như vậy trong năm đầu tiên làm thượng nghị sĩ trên khắp bang Illinois, từ những thị trấn nhỏ ở nông thôn như Anna đến những vùng ngoại ô giàu có như Naperville, trong những nhà thờ của cộng đồng người da đen vùng phía nam và tại một trường đại học ở Rock Island.

Không có gì rình rang lắm. Đến ngày, tôi đến trước nửa giờ để nói chuyện với những người lãnh đạo của thị trấn và bàn luận các vấn đề của địa phương, có thể là về một con phố cần lát lại hay kế hoạch cho một khu trung tâm cao cấp.

“Đừng làm chúng tôi thất vọng”

Tôi thấy thoải mái với thực tế là tôi làm chính trị càng lâu thì càng không cần đến sự nổi tiếng, việc theo đuổi quyền lực, địa vị hay danh tiếng chỉ phản ánh tham vọng nghèo nàn và tôi vẫn trả lời được những câu hỏi của lương tâm chính mình

Số người tham dự thay đổi trong mỗi buổi họp: chúng tôi từng đón tiếp chỉ khoảng 50 người, nhưng đôi lúc con số này lên tới 2.000 người. Nhưng cho dù có bao nhiêu người tham dự đi nữa, tôi vẫn rất vui vì được gặp họ. Họ gồm đủ kiểu người ở những hạt mà chúng tôi tới thăm: đảng viên Cộng hòa và đảng viên Dân chủ, già và trẻ, béo và gầy, là người lái xe tải, giáo sư đại học, bà nội trợ, cựu chiến binh, giáo viên, đại lý bảo hiểm, kế toán viên, thư ký, bác sĩ và người làm công tác xã hội. Họ hầu hết đều lịch sự và chăm chú, ngay cả khi không đồng tình với tôi (hay một ai khác).

Họ hỏi tôi về các đơn thuốc, về thâm hụt ngân sách, về cồn ethanol, về cúm gia cầm, về việc tài trợ cho trường học và chương trình không gian. Khi nhìn khắp đám đông, tôi dường như được tiếp thêm sức mạnh. Từ dáng vẻ của họ, tôi đọc được sự cần cù. Từ cách họ chăm sóc con trẻ, tôi nhìn thấy hi vọng. Thời gian ở bên họ tôi như được tắm mình trong dòng suối mát. Sau đó tôi cảm thấy hoàn toàn thanh thản, sẵn sàng làm công việc mà tôi đã lựa chọn.

Vào cuối buổi gặp mặt, mọi người thường đến bắt tay, chụp ảnh hoặc đẩy lũ trẻ về phía tôi để hỏi xin chữ ký. Họ giúi vào tay tôi một vài đồ vật, những bài báo, những tấm danh thiếp, những tờ giấy viết tay, những tấm huy chương vì đã phục vụ quân đội, những vật tín ngưỡng nhỏ, những tấm bùa may mắn. Đôi khi ai đó nắm lấy tay tôi và nói rằng họ đặt niềm hi vọng lớn ở tôi, nhưng họ lo lắng rằng Washington sẽ làm tôi thay đổi và rồi tôi cũng sẽ giống những người có chức có quyền khác. “Hãy luôn là chính anh - họ gửi gắm với tôi như vậy - Đừng làm chúng tôi thất vọng”.

Khi tranh cử, không phải vấn đề tôi sẽ thắng hay thua (vào thời điểm kết thúc bầu cử sơ bộ, tôi dẫn trước đối thủ Đảng Cộng hòa tận 20 điểm), mà là chuyện cử tri sẽ nhìn tôi như thế nào và tôi sẽ nhận được ít thiện ý hơn nhiều khi gia nhập thượng viện. Vì đó chính là tình thế mà phần lớn đồng nghiệp của tôi, cả ở Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, gặp phải khi vào thượng viện. Sai lầm của họ được thông báo rộng rãi, những lời nói của họ bị bóp méo và động cơ của họ bị đặt câu hỏi. Họ bị thiêu đốt trong ngọn lửa đó, nó ám ảnh họ mỗi lần họ bỏ một lá phiếu, mỗi lần họ đưa ra một thông cáo báo chí hay một lời phát biểu. Họ không sợ thất bại trong cuộc chạy đua chính trị mà sợ mất đi hình ảnh trong mắt những người đã bỏ phiếu cho họ đến Washington - tất cả những người đã từng nói với họ: “Chúng tôi rất hi vọng vào ông/bà. Đừng làm chúng tôi thất vọng”.

Địa vị công dân

Barack Obama ăn uống cùng cử tri

Đã thành truyền thống, những tồn tại của nền chính trị Mỹ đều được quy cho nguyên nhân năng lực của các chính trị gia của chúng ta. Đôi khi điều này còn được diễn tả bằng những từ ngữ đặc trưng: tổng thống là một thằng khờ hoặc hạ nghị sĩ X nào đó chỉ là một tên ăn bám. Đôi khi lại có một bản án bao quát hơn được tuyên như: “Chúng đều là những con rối của nhóm đặc quyền”. Hầu hết cử tri đều kết luận rằng những người ở Washington đều “chỉ là những con buôn chính trị”, nghĩa là việc bầu cử hay địa vị có được đều trái với lương tâm, rằng họ hành động vì tiền đóng góp cho chiến dịch tranh cử, để mua điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, hay vì lòng trung thành với đảng phái hơn là cố gắng hành động đúng.

Thời gian tôi phục vụ tại Washington càng lâu, tôi càng thấy bạn bè tôi hay chăm chú theo dõi khuôn mặt tôi để tìm ra dấu hiệu của sự thay đổi, nghiên cứu tôi để tìm sự ngạo mạn mới xuất hiện, tìm kiếm những dấu hiệu về tính hay cãi hay sự thủ thế. Tôi cũng bắt đầu chiêm nghiệm chính mình theo cách đó; bắt đầu nhìn nhận những tính cách cơ bản mà tôi và các cộng sự mới đều có chung, tôi băn khoăn liệu rằng điều gì có thể bảo vệ tôi khỏi việc trở thành một chính trị gia nhàm chán giống như trong các bộ phim truyền hình dở tệ.

Bạn làm chính trị càng lâu thì càng dễ trở thành người can đảm, vì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận thấy dù bạn làm gì đi nữa cũng luôn có người nổi cáu với bạn, cho dù bạn bỏ phiếu cẩn thận thế nào đi nữa vẫn có người tấn công bạn và mọi sự suy xét đều có thể bị coi là hèn nhát, còn bản thân sự dũng cảm lại bị coi là tính toán. Tôi thấy thoải mái với thực tế là tôi làm chính trị càng lâu càng không cần đến sự nổi tiếng, việc theo đuổi quyền lực, địa vị hay danh tiếng chỉ phản ánh tham vọng nghèo nàn và tôi vẫn trả lời được những câu hỏi của lương tâm chính mình.

Sau một buổi gặp mặt cử tri ở Godfrey, một người đàn ông lớn tuổi đến gặp tôi, nói rằng ông bất bình vì mặc dù tôi phản đối chiến tranh Iraq nhưng tôi vẫn chưa kêu gọi rút hết quân đội khỏi nước này. Chúng tôi đã có vài câu tranh luận ngắn gọn và thân mật, trong đó tôi giải thích mối lo ngại rằng việc rút quân quá đột ngột có thể dẫn tới một cuộc nội chiến nghiêm trọng ở Iraq, có nguy cơ dẫn tới xung đột rộng hơn trên toàn vùng Trung Đông. Cuối cuộc trò chuyện, ông bắt tay tôi. “Tôi vẫn nghĩ là anh sai - ông ta nói - nhưng ít nhất thì có vẻ anh cũng đã suy nghĩ về vấn đề này. Chết tiệt, có khi anh còn làm tôi thất vọng nếu lúc nào anh cũng đồng ý với tôi đấy”. “Cảm ơn ông”, tôi trả lời. Khi ông ta quay đi, tôi nhớ lại thẩm phán Louis Brandeis từng nói: trong nền dân chủ, địa vị quan trọng nhất chính là địa vị công dân.

Theo Barack Obama (Nguyễn Hằng dịch) / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.